Ông Vương Duy Trinh, Tổng đốc Thanh Hóa, phát hiện ra một văn bản là một bài thơ viết bằng thứ chữ lạ, vờn lên như ngọn lửa, gọi là hỏa tự. Văn bản chữ lạ này được phiên dịch ra chữ Hán và tựa đề bài thơ đó là “Mời trầu”, có nội dung ca ngợi tình yêu.
Để chứng minh thời kỳ Hùng Vương đất nước ta có chữ Viết, thầy giáo Đỗ Văn Xuyền đã đến hàng trăm đền, đình, miếu để khảo cứu. Càng tìm hiểu, ông càng ngạc nhiên khi thấy khắp đất nước ta, có cả trăm đền, miếu thờ thầy giáo, học trò.
Ông đã đi khắp các tỉnh, từ Đông Bắc sang Tây Bắc, đi hết miền Trung để mục sở thị các di tích, ghi chép lại, lập bản đồ mạng lưới dạy học thời Vua Hùng, trước khi người Hán sang xâm lược.
Trong quá trình khảo cứu, tìm tư liệu, ông Xuyền may mắn tiếp cận được những tài liệu mà người Pháp thu thập trong cuộc tổng kiểm kê các di tích, làng xã vào năm 1938. Rồi các công trình như: Thần linh đất Việt, Các nữ thần Việt Nam, Các nữ tướng của Hai Bà Trưng… Ông Xuyền đã tìm thấy cả trăm di tích nói về thầy, trò, lớp học.
Theo đó, mở đầu của nền giáo dục trước khi Hán xâm lược, là thời Hùng Vương thứ 6 và kết thúc là thời Hai Bà Trưng với thầy Đỗ Nam Tế, cô Tạ Cẩn Nương, thầy Lê Đạo, sư bà chùa Phúc Khánh… Có điều lạ là, vào thời kỳ đó, có rất nhiều cô giáo và học trò nữ, chứng tỏ, thời Hùng Vương, nam nữ rất bình quyền.
Tại đền thờ Lỗ Công ở thôn Bồng Lai (Từ Liêm), còn một tấm bia cổ ghi rõ: Thầy giáo Lỗ Công dạy học ở Kinh Thành (Văn Lang). Học trò của thầy Lỗ Công là Hoàng Trụ, con của công chúa Mỵ Châu Hoa (con gái Hùng Đinh Vương, Vua Hùng 16). Hoàng Trụ biết chữ, về thôn Bồng Lai mở lớp, dạy học. Do có công với dân làng, nên dân làng lập đền thờ phụng.
Bản đồ mạng lưới đền, miếu thờ thầy cô, học trò thời Hùng Vương do ông Xuyền lập.
Sau khi phát hiện hàng trăm thầy, cô, học trò thời Hùng Vương (với ghi chép cụ thể, đầy đủ), thầy giáo Đỗ Văn Xuyền khẳng định rằng, thời Hùng Vương, đất nước ta đã có chữ viết. Nếu không có chữ, chẳng lẽ hệ thống giáo dục của thời kỳ này lại dạy chay?
Có tài liệu của người Hán viết rằng, năm 178, Sĩ Nhiếp làm Thái thú đất Giao Châu, thấy vùng Giao Châu không có chữ viết, nên đưa chữ Hán vào dạy. Tuy nhiên, lịch sử từ nước ta khẳng định rằng, Sĩ Nhiếp đã đốt sạch tài liệu, sách vở, cấm người dân học chữ Việt, bắt buộc phải học chữ Hán. Hàng ngàn năm Bắc thuộc, chữ Việt mai một rồi biến mất cũng là điều dễ hiểu.
Chữ cổ trên trống đồng trưng bày ở Đền Hùng.
Càng tìm hiểu, thầy giáo Đỗ Văn Xuyền càng tin rằng người Việt từng có chữ viết riêng. Người Lào, người Campuchia, thậm chí các dân tộc thiểu số quanh vùng còn có ngôn ngữ, chữ viết riêng, thì không lẽ gì người Việt lại không có chữ.
Mang công trình ghi chép hành trình đi tìm các lớp học thời Hùng Vương gặp GS. Hà Văn Tấn để trình bày khát vọng muốn đi tìm chữ Việt cổ, ông Xuyền đã bị ấn tượng mạnh. Khi đó, GS. Hà Văn Tấn đã nằm liệt, không cử động được nữa. GS. Tấn cứ nắm tay ông Xuyền khóc không ngừng. GS. Tấn đã dành cả đời để nghiên cứu chữ Việt cổ, song công trình nghiên cứu còn dang dở thì ông đã nằm liệt, không tiếp tục được nữa.
Sau này, ông Xuyền tiếp tục gặp GS. Lê Trọng Khánh, người cũng dành gần như cả cuộc đời để nghiên cứu chữ Việt cổ. Khi đó, GS Khánh đã 86 tuổi, mắt mờ, chân yếu. Ông Khánh khóc to lắm, rồi cứ nắm tay ông Xuyền dặn dò, động viên tiếp tục công việc nghiên cứu còn dang dở của ông.
Chữ cổ trên bãi đá Sapa. Ảnh nhân vật cung cấp.
Sau khi gặp hai vị giáo sư hàng đầu về chữ cổ, niềm khao khát giải mã chữ Việt cổ của thầy giáo Đỗ Văn Xuyền lại càng mãnh liệt. Nhưng trước hết, để giải mã được chữ Việt cổ, thì phải có trong tay nhiều chữ cổ.
Trong một bản Ngọc phả từ thời vua Trần Thái tông ghi: “Nghiêu thế, Việt Thường thị kiến thiên tuế thần quy, bối hữu Khoa đẩu”. Nghĩa là, thời vua Nghiêu nước Việt Thường tặng rùa thần nghìn tuổi, lưng có chữ Khoa đẩu.
Theo cổ sử Trung Quốc, thời vua Nghiêu (năm 2357 TCN), sứ giả Việt Thường đến kinh đô tại Bình Dương (phía bắc sông Hoàng Hà - tỉnh Sơn Tây ngày nay) dâng thần quy, vuông hơn ba thước, trên lưng có khắc chữ Khoa đẩu ghi việc từ khi trời đất mới mở trở về sau. Vua Nghiêu sai chép lấy gọi là Quy lịch.
Ông Xuyền viết chữ Việt cổ cho tác giả xem.
Trong tài liệu “Sự hình thành và phát triển chữ Việt cổ”, do Viện Văn hóa in năm 1986, GS. Lê Trọng Khánh đã dẫn chứng: Nhiều dân tộc trong Bách Việt đã dùng chữ Khoa đẩu thời Phục Hy - Thần Nông để ghi tiếng dân tộc mình. Riêng ở Việt Nam, chữ Khoa đẩu được dùng lâu hơn. Mãi đến đời Sĩ Nhiếp vẫn còn, tuy Sĩ Nhiếp cấm đoán nhưng nhân dân ta vẫn dùng.
Nhiều nhà nghiên cứu, từ Hà Văn Tấn, Lê Trọng Khánh, Bùi Văn Nguyên, Trần Ngọc Thêm... trước đó là Vương Duy Trinh, Trương Vĩnh Ký, cả những nhà nghiên cứu nước ngoài như Anh, Tiệp Khắc, Mỹ, Pháp, nhất là Trung Quốc: Lục Lưu, Hứa Thân, Trịnh Tiểu... đều khẳng định Việt Nam xưa đã có chữ viết riêng.
Chữ Việt cổ được phát hiện ngày một nhiều trên nhiều hiện vật khảo cổ, được khắc trên đá, trên xương thú, trên đồ đồng như vũ khí, trống đồng cổ và phân bố rộng khắp lưu vực có người Việt sinh sống. Tiêu biểu là 28 ký tự cổ được phát hiện trên 4 chiếc qua đồng Đông Sơn. Các nhà khoa học cho rằng, những ký tự này là chữ Việt cổ, nhưng chưa giải mã được.
Hễ nghe thông tin ở đâu phát hiện ký tự lạ, cổ, ông Xuyền lập tức lên đường tìm hiểu, bất kể ở trên rừng hay dưới biển, ở ngoài Bắc hay trong Nam và dù trời mưa nắng hay bão giông.
Bản thảo chữ cổ do ông Vương Duy Trinh phát hiện.
Do các chuyến đi đều dài ngày, đi xa, mà tiền lương hưu ít ỏi, nên ông giáo già Đỗ Văn Xuyền đã thực hiện tiết kiệm tối đa. Mỗi chuyến đi, ông đều chuẩn bị võng, bạt, bi đông đựng nước, mì tôm, bánh mì. Tối ông không vào nhà nghỉ mà mắc võng, dựng bạt ngủ ven rừng, bên đường, rồi nhai bánh mì, mì tôm sống cầm hơi. Hàng chục chuyến hành trình vất vả, kéo dài có khi đến cả tháng, nhưng thứ chữ ông thu thập phần lớn chỉ là chữ Chăm, chữ Lào, chữ Thái cổ.
Đọc tài liệu về ông Phạm Thận Duật, ông Xuyền như bắt được vàng. Phạm Thận Duật là quan triều Nguyễn, từng làm Tri châu ở Tây Bắc, là một nhà văn hóa lớn của dân tộc. Cuối thế kỷ 19, ông tìm thấy chữ Việt cổ. Theo mô tả, thứ chữ này được viết theo chiều ngang, bộ chữ gồm 18 thể chữ cái theo vần bằng, 18 thể chữ cái theo vần trắc. Thứ chữ này khác với chữ Thái cổ, khác chữ Hán.
Tuy nhiên, công trình nghiên cứu, giải mã chữ Việt cổ của ông Duật còn dang dở, thì bị thực dân Pháp bắt. Ông bị đày đến Tahiti. Ông bị chết trên đường đi và thực dân Pháp ném xác ông xuống biển.
Cùng thời gian đó, ông Xuyền tiếp cận được các tài liệu liên quan đến ông Vương Duy Trinh, Tổng đốc Thanh Hóa. Năm 1903, ông này đã phát hiện ra một văn bản là một bài thơ viết bằng thứ chữ lạ, vờn lên như ngọn lửa, gọi là hỏa tự. Văn bản chữ lạ này được phiên dịch ra chữ Hán và tựa đề bài thơ đó là “Mời trầu”, có nội dung ca ngợi tình yêu.
Ông Vương Duy Trinh khẳng định đây là chữ của tổ tiên thời Vua Hùng, vẫn còn được lưu truyền cho hậu thế, nhưng chỉ ở một bộ phận xã hội nhỏ. Ông viết: “Thập châu là vùng biên viễn, nhân dân ta còn lưu giữ được thứ chữ này. Các nơi khác, Sĩ Nhiếp bắt bỏ hết để học chữ Hán".
Nắm được điều đó, ông Xuyền đã chuyển hướng tìm kiếm chữ cổ lên vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc. Cứ ở đâu có chữ lạ, chữ cổ, chữ không ai biết, không ai đọc được, là ông nghiên cứu, sưu tầm, so sánh.