Cố đô Huế (Thừa Thiên-Huế) hiện còn lưu giữ 11 chiếc vạc đồng thời chúa Nguyễn trong khoảng thời gian từ năm 1631-1684. Đây là những báu vật quý giá cho thấy trình độ đúc đồng cũng như mỹ thuật đỉnh cao của người xưa.
Theo tư liệu để lại, từ năm 1631- 1684, chúa Nguyễn Phúc Chu và chúa Nguyễn Phúc Tần đã cho đúc 11 chiếc vạc đồng. Trong 11 chiếc vạc đồng thời chúa Nguyễn này có 7 chiếc đặt tại hoàng cung, 3 chiếc đặt tại Bảo tàng Mỹ thuật Cung đình Huế, một chiếc đặt tại Lăng Đồng Khánh.
Tất cả những chiếc vạc đồng có kích thước to lớn, từ vài trăm đến vài ngàn cân. Theo nhiều tài liệu, Croix, một người Bồ Đào Nha cùng những người thợ thủ công khéo tay đảm trách việc đúc vạc.
Croix đến Huế vào nửa đầu thế kỷ XVII, sống tại Phường Đúc (khu vực đối diện phía thượng nguồn chùa Thiên Mụ), lấy vợ người Việt và được xem là người sáng lập ra ngành đúc đồng nổi tiếng của vùng đất này.
Trong vòng 25 năm, chúa Nguyễn Phúc Tần đã lệnh cho ông đúc rất nhiều vạc đồng và vũ khí. Mục đích của chúa Nguyễn khi cho đúc những chiếc vạc đồng này là để biểu dương uy quyền và sự bền vững của triều đại, đánh dấu những chiến thắng với quân Trịnh trong công cuộc mở mang lãnh thổ về phía Nam.
Trong số 11 chiếc vạc đồng đáng chú ý nhất là hai chiếc vạc đặt tại sân điện Cần Chánh. Đây là những chiếc vạc to nhất, nặng nhất và được trang trí đẹp hơn cả. Phần trang trí chính của vạc được chia thành 60 ô hộc chữ nhật bằng nhau ngăn cách bởi các nhóm vạch thẳng đứng. Mỗi ô đều có hoa văn riêng, bao gồm tinh tú, hoa lá, chim thú chạm khắc một cách công phu.
Ngoài ra, trong số vạc này, ngoài chiếc đúc vào năm 1659, 10 chiếc làm sau có kiểu dáng tương tự nhau và gồm loại 4 quai (6 chiếc) và loại có 8 quai (4 chiếc). Quai của loại vạc 4 quai cao vượt miệng, xoắn hình dây thừng. Phần thân vạc chia thành nhiều ô, được trang trí khác nhau hoàn toàn, tuy nhiên vạc nào là cặp thì trang trí hoàn toàn giống nhau.
Loại vạc 8 quai có đặc điểm là 8 quai cao không quá miệng vạc. Các chiếc quai kiểu này đều tạo hình đầu rồng có cổ vươn ra từ thân vạc, trông khá sinh động. Phần thân vạc không chia thành lớp hay ô hình học để trang trí như loại vạc 4 quai mà chỉ trang trí phần trên, phía gần quai vạc.
Ngoài 11 vạc này, Cố đô Huế còn có thêm vạc đồng thời nhà Minh Mạng niên đại 1825-1828, được đặt tại điện Hòa Khiêm, Lăng Tự Đức. Bốn chiếc được đặt đối xứng với nhau, lấy trục đối xứng là đường Thần đạo của phần tẩm điện và gần như lấy điểm đối xứng là vị trí đặt chiếc đỉnh đồng đốt vàng mã hình chữ nhật đặt gần như ở chính giữa sân. (Ảnh Lăng Tự Đức).