Các chuyên gia khuyến cáo người dân chọn các địa điểm có hướng đông tốt, xa ánh đèn không bị che tầm nhìn để quan sát hiện tượng nguyệt thực vào tối mai.
Từ 17h chiều mai, những người quan tâm đến hiện tượng nguyệt thực tại Hà Nội có thể đến địa điểm Cột đồng hồ Sân vận động quốc gia Mỹ Đình để quan sát sự kiện thiên văn lớn nhất và duy nhất trong năm 2015, theo anh Hoàng Quốc Phương, Chủ nhiệm Hội Thiên văn Nghiệp dư Hà Nội.
Theo anh Phương, những người không có điều kiện đến sân Mỹ Đình thì có thể tìm nơi nào có hướng đông tốt, rộng rãi, thoáng đãng để quan sát. Ước tính số lượng người tập trung tại sân Mỹ Đình năm nay khoảng 1.000 người, cao hơn so với số lượng vài trăm người đến xem năm ngoái.
Nguyệt thực toàn phần năm ngoái tại Mỹ. (Ảnh: The Virtual Telescope Project)
Anh Phương đánh giá sự kiện nguyệt thực năm nay thu hút nhiều em học sinh từ cấp ba trở xuống, do các em được tiếp cận với khoa học nhiều hơn. Những người trưởng thành quan tâm thì chủ yếu là do đam mê cá nhân.
Hội Thiên văn Nghiệp dư Hà Nội bên cạnh việc hỗ trợ thiết bị thì còn giải đáp nhiều câu hỏi của các bạn tham gia quan sát sự kiện.
Tại Đà Nẵng, những người quan tâm đến nguyệt thực có thể đến Công viên biển Đông (biển Phạm Văn Đồng) từ 16h30 đến 21h30, theo anh Thái Văn Lợi, Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) Thiên văn học Đà Nẵng.
Người xem nên chọn những địa điểm có hướng đông nhìn ra biển, dự kiến 19h là thời điểm nguyệt thực cực đại. Hiện có khoảng 200 người đăng ký tham gia với CLB tại Đà Nẵng, tăng nhiều so với năm ngoái khoảng 30 người.
Anh Lợi cho rằng số lượng người tăng lên là nhờ có truyền thông rộng rãi hơn. Đối tượng chủ yếu là các em học sinh và sinh viên, trong đó sinh viên chiếm đa số.
Tại TP Hồ Chí Minh, người quan tâm có thể đến Khu Dân cư Tân Quy Đông, Quận 7 để quan sát nguyệt thực vào tối mai, anh Đặng Tuấn Duy, Hội thiên văn nghiệp dư TP. Hồ Chí Minh cho biết.
Ngoài ra, bến Nhà Rồng, Metro Quận 2 cũng là các địa điểm tốt để quan sát nguyệt thực. Nơi quan sát nên tránh xa ánh đèn và hơi tối. Hội thiên văn dự kiến sẽ giải đáp nhiều câu hỏi của những người yêu thích khoa học như nguyệt thực có diễn ra thường xuyên không, tại sao có màu đỏ, hiện tượng trăng máu là gì. Sự kiện năm ngoái tại Tp HCM có khoảng 100 người tham gia, tuy nhiên CLB chưa thống kê được con số ước tính năm nay.
Từ 16h01 giờ Hà Nội ngày mai, Mặt Trăng sẽ đi vào vùng bóng nửa tối. Pha một phần bắt đầu lúc 17h15, pha toàn phần bắt đầu từ 18h57 và đạt cực đại lúc 19h00. Trong năm 2014, người yêu thiên văn ở Việt Nam từng quan sát hiện tượng tương tự ngày 8/10. Nguyệt thực một phần tiếp theo ở Việt Nam sẽ diễn ra ngày 8/8/2017. Nguyệt thực toàn phần xuất hiện một năm sau đó, vào ngày 31/1/2018.