Chiến lược chúng sống hòa bình với thiên nhiên

  •  
  • 373

Còn lại mỗi Đinh Công Chính mới lên 10 tuổi - Con trai chị Nguyễn Lệ Quyên và anh Đinh Công Tú là thoát khỏi bàn tay tử thần. Trên nền nhà vẫn còn nghi ngút khói hương.

Trong bộ dạng gầy còm, với gương mặt còn chưa hết nỗi thất thần, cháu hoảng loạn cứ chạy tới chạy lui cố tìm trong rãnh nước ở đầu hồi nhà tìm hình bóng cha mẹ... Chỉ trong phút chốc, cơn lũ quét định mệnh tối 27/9/2005 đã cuốn trôi căn nhà cùng 8 người là cha mẹ ruột và hàng xóm của em ở thôn Ba Khe (Cát Thịnh, Văn Chấn, Yên Bái)...

Ít ai nghĩ thảm họa thiên tai của ngày hôm nay lại do chính bàn tay con người gây ra. Hàng ngày, hàng giờ chúng ta đã và đang vô tình chọc thủng tấm chắn bảo vệ trái đất và phá huỷ sự cân bằng sinh thái, gây hậu quả khôn lường cho nhân loại, mà trận lũ quét này chỉ là một minh chứng nhỏ nhoi mà con người phải gánh chịu.

Nhưng từ nhiều năm nay một số nơi đã nhận thức ra điều này và đã có những bước đi thích hợp. Điển hình là khu vực Bắc Trường Sơn được coi là mái nhà của Hà Tĩnh, nơi cung cấp nước ngọt cho người dân Hương Sơn.

Cán bộ và người dân nơi đây đã nhận thức ra: nếu rừng bị tàn phá sẽ không thể giữ được nước, không chắn được gió, gây xói mòn đất... và thảm họa thiên tai là điều không tránh khỏi. Nhân dân được giao quyền làm chủ đất, chủ rừng, đã khiến họ thấy có trách nhiệm cần bảo vệ nguồn lợi của mình một cách cẩn thận.

Màu xanh yên bình của núi rừng đại ngàn đã trở lại thay thế dần những quả đồi trọc. Cùng với sự trở lại của những cánh rừng là những loài động vật quý hiếm như voi, voọc quý... đã trở lại cư trú. Bà con không còn xua đuổi, săn bắn thú rừng như trước kia mà còn trồng thêm nhiều loại cây ăn trái làm thức ăn cho chúng sinh trưởng và phát triển. Tính đa dạng sinh học dần được phục hồi.

Có được kết quả trên là do Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Hà Tĩnh đã thực hiện thành công Dự án “Bảo tồn đa dạng sinh học Bắc Trường Sơn” tại 6 xã của huyện Hương Sơn. Dự án đã giúp bà con tiếp cận các tiến bộ kỹ thuật về trồng rừng, chăn nuôi bò, các giống ngô, lạc cao sản... vừa phát triển kinh tế vừa bảo vệ rừng, đa dạng sinh học của vùng rừng Bắc Trường Sơn, đặc biệt giảm thiểu thiên tai. Đây là mô hình thành công giữa bảo vệ môi trường với xóa đói giảm nghèo - một mô hình cộng sinh cần nhân rộng.

Nói về kinh nghiện của mình, ông Lê Quang Uý - Giám đốc dự án - cho biết: Hương Sơn là huyện miền núi, nên đời sống kinh tế của nhân dân còn rất nhiều khó khăn. Nguyện vọng của bà con muốn phát triển kinh tế, dự án đã xây dựng một kế hoạch giúp bà con xoá đói giảm nghèo bằng chăn nuôi, trồng rừng và trồng cây ăn quả, ngô, lạc cao sản...

Các hộ dân được giúp đỡ về kỹ thuật, về vốn trước khi giao đất trồng rừng, trồng cây ăn quả. Dự án đã phối hợp với chính quyền và các cơ quan chức năng địa phương giao 16.000 ha rừng cho 5.000 hộ dân địa phương quản lý và cung cấp 1 triệu cây ăn quả gồm nhiều loại như nhãn, hồng, xoài... cây trồng phủ xanh rừng và phân bón.

Mỗi hộ gia đình nhận trồng khoảng 3 - 5 ha rừng bao gồm nhiều loại cây lấy gỗ như keo lai, lim, dẻ... Cứ mỗi cây rừng được trồng bà con lại được hỗ trợ tiền công trồng (700 đồng/cây) và phân bón. Đến nay, rừng từ chỗ bị chặt phá, khai thác bừa bãi, không được bảo vệ nay đã lên xanh tốt với 2.900 ha. Trong tương lai không xa 1 ha rừng cho lãi từ 5-10 triệu đồng.

Ngoài trồng rừng, bà con còn được hướng dẫn kỹ thuật trồng lạc, ngô cao sản nhằm “lấy ngắn nuôi dài”. Trồng ngô, lạc vừa cho lương thực để chăn nuôi phát triển đàn gia cầm gia súc vừa có tác dụng cải tạo đất; đồng thời phủ xanh đất trống đồi trọc, giữ đất, giữ nước góp phần bảo vệ môi trường. giảm nhẹ thiên tai.

Các cán bộ nông nghiệp giúp bà con Sind hoá đàn bò 12.000 con, đào tạo kỹ thuật viên cho các xã để họ có thể trực tiếp hướng dẫn bà con thụ tinh nhân tạo cho bò, đỡ đẻ, chế độ ăn hợp lí...

Ngoài ra, địa phương còn xây dựng được quỹ tín dụng với số vốn ban đầu khoảng 3 tỷ đồng, cho nhân dân vay quay vòng với lãi suất thấp để có vốn phát triển kinh tế. Quỹ này hoàn toàn do nhân dân quản lý, tự xây dựng khung lãi xuất, nên ngoài hiệu quả thúc đẩy sản xuất phát triển, sau 4 năm còn thu được một số tiền lãi không nhỏ (380 triệu đồng) được đưa trở lại phục vụ cộng đồng.

Dự án “Bảo tồn đa dạng sinh học Bắc Trường Sơn” còn phối hợp với Đại học Bách Khoa Hà Nội chế tạo cho bà con loại bếp tiết kiệm tới 6% nguyên liệu đun và tiết kiệm tới 40% thời gian chế biến món ăn, đồng thời đây cũng chính là hành động thiết thực nhất để bảo vệ rừng.

Ông Uý cho biết: việc xây dựng quỹ tín dụng và loại bếp tiết kiệm củi là sự giúp đỡ kịp thời nhất cho nhân dân. Nó không chỉ có ý nghĩa về mặt kinh tế, xã hội mà còn giúp nhân dân đoàn kết với nhau, đồng tâm xoá đói giảm nghèo.

Đời sống của bà con 6 xã huyện Hương Sơn đã khấm khá lên nhiều từ khi được hỗ trợ từ dự án. Không còn cảnh đói nghèo, thiếu thốn lương thực triền miên phải bỏ nhà tha hương kiếm ăn như trước. Số hộ đói nghèo đã giảm đáng kể. Có gia đình có 3 cha con, trước kia do quá nghèo phải bỏ nhà, bỏ quê hương đi lang thang kiếm ăn nay đây mai đó nay đã trở về quê hương nhận rừng, nhận cây giống, nhận vốn vay hỗ trợ phát triển kinh tế và có thể tiến tới làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Mặc dù chưa có con số thống kê chính xác, nhưng có thể khẳng định: hậu quả về thiên tai gây ra trên khắp hành tinh trong năm nay là cự kỳ to lớn. Với những thiệt hại do cơn bão Katatrina, Stan... đã làm chao đảo cả cường quốc Hoa Kỳ, châu Âu rồi đến động đất ở Nam Á con số thiệt hại về người đã lên tới 5 con số, với trên 3 vạn người bị chết và mất tích?

Và chỉ một đêm ở Yên Bái bao nhiêu gia đình nhà tan cửa nát, con mất cha, vợ mất chồng. Chưa đầy một tháng, mà Việt Nam đã phải liên tiếp đối mặt với bão, lũ ở Nam Định, Thanh Hóa, Quảng Ninh rồi đến lũ quét ở Yên Bái, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế đã làm hàng trăm người bị chết và bị thương, hàng ngàn héc ta đất bị ngập mặn, hoa màu mất trắng, nhiều công trình dân sinh bị phá hủy... thiệt hại hàng chục nghìn tỷ đồng.Chỉ ngần ấy thôi đã là quá đủ để ta cùng bình tâm và có một chiến lược chung sống hòa bình với thiên nhiên.

Phương Anh

Theo Tiền Phong Online
  • 373