Đi bộ đường dài, tình cờ tìm ra thế giới đã mất 280 triệu tuổi

  •  
  • 463

Phát hiện tình cờ của một phụ nữ Ý đã giúp các nhà khoa học khai quật cả một hệ sinh thái thuộc về thế giới trước thời khủng long.

"Thế giới đã mất" được khám phá bởi một phụ nữ Ý tên Claudia Steffensen. Bà đang đi bộ đường dài cùng chồng ở công viên Valtellina Orobie Mountains ở Lombardy - Ý, thuộc khu vực dãy Alps, thì giẫm phải một tảng đá trông giống như một phiến xi măng.

"Sau đó, tôi nhận thấy những thiết kế hình tròn kỳ lạ với các đường lượn sóng.Tôi nhìn kỹ hơn và nhận ra đó là dấu chân" - bà Steffensen nói với The Guardian.

Một phiến hóa thạch từ "thế giới đã mất" được đưa lên vật liệu trắng xốp
Một phiến hóa thạch từ "thế giới đã mất" được đưa lên vật liệu trắng xốp chuyên dụng trước khi đưa về phòng thí nghiệm - (Ảnh: Elio Della Ferrera).

Các nhà khoa học đã tiếp cận hiện trường và phân tích thứ được đặt tên là "tảng đá số 0" này, xác nhận rằng nó in dấu chân của một loài bò sát thời tiền sử.

Và họ bắt đầu đặt câu hỏi: Còn gì khác trong khu vực này hay không?

Nhiều cuộc khai quật đã được tổ chức sau đó và cho thấy người phụ nữ Ý may mắn không chỉ đơn giản là tìm được một phiến đá, mà bà còn mở đường vào cả một thế giới đã mất, lâu đời hơn cả thời đại khủng long.

Đó là cả một hệ sinh thái nhiệt đới ven hồ, với các mẫu hóa thạch đa dạng có niên đại trên dưới 280 triệu năm, tức thuộc kỷ Nhị Điệp.

Theo Live Science, dấu vết của hệ sinh thái này bao gồm các dấu chân hóa thạch từ nhiều loài bò sát, lưỡng cư, côn trùng và động vật chân đốt.

Ngoài ra, các nhà nghiên cứu còn tìm thấy dấu vết cổ xưa của hạt giống, lá và thân cây, thậm chí dấu vết của các giọt mưa và sóng vỗ vào bờ một hồ nước cổ đại.

Hệ sinh thái cổ xưa này trải rộng đến độ cao tới 3.000 m, trên núi và dưới đáy thung lũng, nơi các trận lở đất đã lắng đọng những tảng đá chứa hóa thạch trong nhiều thời đại.

Được bảo quản trong đá sa thạch mịn, những mẫu vật từ thế giới đã mất này có độ bảo tồn đáng kinh ngạc, là một kho báu cổ sinh vật học cực kỳ ngoạn mục.

Theo nhà cổ sinh vật học Ausonio Ronchi từ Đại học Pavia (Ý), họ tìm thấy cả các phiến đá còn in dấu móng vuốt và hoa văn từ bụng dưới của ít nhất 5 loài động vật khác nhau.

"Vào thời điểm đó, khủng long vẫn chưa tồn tại, nhưng những loài động vật tạo nên những dấu chân lớn nhất được tìm thấy ở đây hẳn phải có kích thước đáng kể" - nhà cổ sinh vật học Cristiano Dal Sasso từ Bảo tàng Lịch sử tự nhiên Milan cho biết thêm.

Quan trọng hơn, các hóa thạch từ kỷ Nhị Điệp là rất vô giá.

Bởi lẽ khoảng 250 triệu năm trước, khi kỷ Nhị Điệp kết thúc và được thay thế bằng kỷ Tam Điệp, Trái đất đã trải qua một trong các đại tuyệt chủng tồi tệ nhất lịch sử, xóa sổ 90% các loài đang tồn tại.

Phát hiện ở Ý là một trong những cửa sổ hiếm hoi để nhân loại hiểu về thế giới kỳ còn nhiều bí ẩn đó.

Cập nhật: 22/11/2024 NLĐ
  • 463