Ngôi nhà tre sống chung với thiên tai ở Việt Nam

  •  
  • 1.995

Làm bằng vật liệu sẵn có trong tự nhiên, ngôi nhà rộng chừng 50m2 có giá thành khoảng 50 triệu đồng và thi công trong vòng 25 ngày, phù hợp với người dân vùng lũ lụt, nơi thường xuyên xảy ra thiên tai.

Ngôi nhà tre sống chung với thiên tai ở Việt Nam
Ngôi nhà được thiết kế cho người sống ở vùng thiên tai. (Ảnh: Đoàn Thanh Hà)

Trước thực tế mỗi năm bão, lũ quét, sạt lở đất ở Việt Nam khiến hàng trăm người thiệt mạng, tổn thất khoảng 1,2% GDP, từ năm 2008, một nhóm kiến trúc sư đã có ý tưởng về ngôi nhà sử dụng cho vùng thiên tai, với mục tiêu ban đầu là cấp chỗ ăn ở ổn định cho người mất hết nhà cửa.

Tuy nhiên, chứng kiến những ngôi nhà mới gây dựng tiếp tục bị vùi dập trong bão lũ, nhóm chuyển sang tiếp cận và nâng cấp dần giải pháp, với mong muốn giúp mọi người chủ động sống cùng thiên tai. Tháng 9 vừa qua, ngôi nhà cho vùng thiên tai đã được hoàn thành.

Anh Đoàn Thanh Hà, thành viên nhóm thiết kế cho biết, không gian bằng tre này có thể sử dụng cho nhiều mục đích như làm nhà ở, lớp học hay trạm xá; và có khả năng đóng, mở linh hoạt cũng như mở rộng khi cần.

"Tre được mệnh danh là "thép thực vật" nên dẻo dai, bền hơn gỗ sồi nhưng nhẹ hơn bê tông, sắt thép, có tính thẩm mỹ cao, thân thiện với môi trường", anh Hà nói và cho biết phương pháp ngâm bùn và hun khói giúp tre có tuổi thọ 10-20 năm. Hơn nữa, tre có thể khai thác sau 3-5 năm trồng và không cần phải trồng mới vì măng tre tiếp tục mọc.

Ngôi nhà tre sống chung với thiên tai ở Việt Nam
Bên trong ngôi nhà. (Ảnh: Đoàn Thanh Hà)

Kiến trúc ngôi nhà được neo, giằng liền khối, đủ sức để có thể chống chọi thiên tai, vượt mức nước lũ cao 1,5m. Công trình không dùng đến móng xây mà có khung giằng chéo giữ ổn định và nâng sàn cao 1,5m để tránh lũ. Người ở sẽ bao che cho ngôi nhà tùy theo khí hậu và vật liệu tự nhiên sẵn có nhưa phên nứa, cót ép, lá dừa, phù hợp với khả năng thu nhập và tạo nên đặc trưng kiến trúc của địa phương.

Không gian rộng 44m2 (khi đóng) và 62m2 (khi mở) tiện dụng cho một gia đình (6 người) chung sống với thiên tai. Nó có đầy đủ công năng cần thiết cho một gia đình, gồm phòng khách, bếp, khu vệ sinh, giặt phơi, phòng học, không gian thờ tự và nơi ngủ. Hệ thống bể lọc, xử lý nước bên dưới nền nhà để tận dụng nguồn nước mưa và tái sử dụng nước sinh hoạt, cung cấp nước sạch để dùng khi ngập lụt.

"Hiên và mái nhà có thể mở rộng về 4 phía để lấy ánh sáng tự nhiên cho ngôi nhà. Bề mặt tường với những bẫy hút gió và được phủ xanh bằng các máng trồng rau góp phần cải thiện bữa ăn trong thời gian sống chung với lũ. Đây là giải pháp theo hướng kết hợp nông nghiệp với kiến trúc mà chúng tôi đang theo đuổi", anh Hà nói.

Theo các kiến trúc sư, ngôi nhà đáp ứng ba tiêu chí là giá thành thấp, thi công nhanh và khả năng ứng dụng rộng rãi. Tổng chi phí vật liệu và trang thiết bị cho ngôi nhà mẫu tại Hà Nội là 55 triệu đồng, thi công trong 25 ngày. Người dân có thể tự lắp dựng do các thành phần đã được mô đun hoá. Họ cũng có thể chủ động chuẩn bị vật liệu tại chỗ và hoàn thiện ngôi nhà trong quá trình sinh sống.

Nhóm thiết kế đang tiếp tục nghiên cứu giúp ngôi nhà trên có thể nổi bằng hệ thống thùng phuy tái sử dụng, để chung sống với mực nước lũ cao khoảng 3m.

Ngôi nhà tre sống chung với thiên tai ở Việt Nam
Mô hình tổng thể ngôi làng trong vùng thường chịu thiên tai. (Ảnh: Đoàn Thanh Hà)

Tiến sĩ Nguyễn Trí Thành, Phó khoa Kiến trúc, ĐH Kiến trúc Hà Nội nhận định, nhà bằng tre không phải là cách làm mới nhưng ý tưởng về ngôi nhà bằng tre có thể xây dựng nhanh chóng và ít tốn kém, dành cho người dân nghèo ở các vùng thường xuyên bị thiên tai thì khá mới và hướng tới mục tiêu nhân văn.

Theo tiến sĩ Thành, nhóm tác giả nên tìm cách thay thế các liên kết đang dùng chốt thép, bulông, dây căng thép bằng chốt tre, buộc dây để người dân có thể làm được. "Đồng thời nhóm nên cải tiến thiết kế linh hoạt hơn nữa cho phù hợp với túi tiền và quỹ thời gian của bà con ví dụ như khu vệ sinh tắm giặt có thể chưa cần khép kín ngay, hoặc 3-4 gia đình chung nhau một công trình phụ", ông Thành nói.

"Cửa và vách cũng vậy, làm sao có khung cốt trước để tránh mưa nắng, rồi sẽ bổ sung nilon, cót ép để tránh gió rét sau. Vì ở vùng quê nghèo lại bị lũ lụt tàn phá thì một tấm phên tre cũng không chắc đã dễ có. Và có cần thiết đến 4 cánh cửa mở trên tầng áp mái không, hay là chỉ 2 là đủ để thông gió, thoát hiểm khẩn cấp mà vẫn giữ được khả năng biểu hiện của 'Mái ấm nở hoa'?", ông Thành phân tích thêm.

Cũng theo ông Thành, ngôi nhà cần có sự kiểm nghiệm trực tiếp trong điều kiện bão lũ thực tế để đảm bảo an toàn tối đa cho người dân, cũng là để tạo niềm tin cho các nhà đầu tư, các cấp lãnh đạo.

Theo VNE
  • 1.995