Những con số đáng sợ về môi trường

  •   2,33
  • 11.241

Tình hình ô nhiễm môi trường đến mức đáng sợ hiện nay, nhất là tại các đô thị lớn như TP.HCM, các lưu vực sông, đang từng ngày ảnh hưởng đến sức khỏe của hàng chục triệu người dân.

Chất thải công nghiệp, sinh hoạt đang gây ô nhiễm trầm trọng kênh rạch ở TP.HCM. Ảnh: D.Đ.M

Một kết quả phân tích gần đây của Trung tâm phân tích thí nghiệm TP.HCM cho thấy lượng benzen trong không khí tại các trục giao thông chính của thành phố đã lên đến mức báo động đỏ với nồng độ benzen trung bình là 33,6 micro gam/m3, cao gấp 6,72 lần tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới là 5 micro gam/m3.

Các nhà khoa học cho rằng nếu dựa vào kết quả này thì nguy cơ mắc bệnh bạch cầu đối với những người luôn hít thở không khí tại TP.HCM có thể cao gấp 5,4 lần so với những khu vực khác. Điều đó cũng giải thích vì sao tại các bệnh viện chuyên ngành, số người mắc các loại bệnh ung thư luôn tăng ở cấp số cộng.

Một thành phố có số dân chiếm đến 1/10 dân số cả nước đang phải đối mặt từng ngày, từng giờ với một nguồn không khí "bẩn" thì sự tiên liệu về sức lao động ngày càng giảm sút là điều rất đáng đặt ra và cần khẩn cấp có giải pháp khắc phục.

Vấn đề nghiêm trọng không kém là tình trạng ô nhiễm trầm trọng trên lưu vực sông Đồng Nai, nơi cung cấp nguồn nước sinh hoạt cho TP.HCM và một số tỉnh thành khác. Bản báo cáo kết quả điều tra công phu gây chấn động tại một hội nghị về môi trường mới đây của Phó giáo sư - tiến sĩ Huỳnh Thị Minh Hằng và các cộng sự thuộc Viện Môi trường và Tài nguyên - Đại học Quốc gia TP.HCM cho thấy lưu vực sông Đồng Nai bị ô nhiễm có ảnh hưởng đến khoảng 15 triệu người sống ở 4 thành phố trực thuộc tỉnh, 19 quận nội thành của TP.HCM, 8 thị xã và 85 thị trấn.

Sự ô nhiễm ấy xuất phát từ chất thải của 116 khu đô thị có quy mô khác nhau; 47 khu công nghiệp, khu chế xuất tập trung; trên 50.000 cơ sở sản xuất công nghiệp; 73 bãi rác; hàng nghìn cơ sở chăn nuôi có quy mô công nghiệp; hàng chục bến cảng... Chỉ tính riêng 47 khu công nghiệp tập trung (trong đó có 16 khu đã có hệ thống xử lý nước thải tập trung) thì có đến 31 khu công nghiệp xả trực tiếp nước thải chưa qua xử lý để hòa vào nguồn nước của hệ thống sông Đồng Nai với khoảng 111.605m3 nước thải mỗi ngày, trong lượng nước đó có gần 15 tấn TSS; 19,6 tấn BOD5; 76,9 tấn COD; 1,6 tấn Nitơ...

Những chất nguy hại đến sức khỏe của con người này đang ngày càng nhiều thêm. Các nhà khoa học cũng dẫn ra một ví dụ: do việc xả thải vô trách nhiệm các dẫn xuất phenol có trong dầu hạt điều, 20 công nhân ngành vệ sinh môi trường đã bị bỏng khi nạo vét khai thông luồng lạch thoát nước ở một tuyến kênh hở thuộc địa bàn huyện Bình Chánh - TP.HCM. Ngoài ra, các nhà khoa học cũng nhận định rằng: "Trên lưu vực hệ thống sông Đồng Nai có rất nhiều dòng thải mà trong thành phần của chúng có chứa các chất nguy hại như các a-xít, ba-zơ, các kim loại nặng như Hg, Pb, Zn, Cr, Ni..., thuốc bảo vệ thực vật, dầu mỡ khoáng, vi trùng gây bệnh... Nếu các dòng thải này không được kiểm soát và quản lý tốt thì khả năng gây ô nhiễm, hủy hoại môi trường và nguồn nước là rất lớn".

Cũng chính vì mức độ nghiêm trọng đó mà ngày 13/1/2006, Bộ Tài nguyên - Môi trường đã có công văn gửi 12 tỉnh thành trên lưu vực hệ thống sông Đồng Nai đề nghị triển khai 8 biện pháp cấp bách, trong đó có những biện pháp cụ thể như bảo đảm ít nhất 70% các khu công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn môi trường, tăng mức đầu tư cho bảo vệ môi trường ít nhất là 15% so với mức đầu tư năm 2005, kiên quyết không cho phép xây dựng các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng có nguy cơ gây sự cố môi trường...

Những biện pháp trên vẫn đang còn trên giấy, trong khi hàng triệu người dân vẫn đang phải hứng chịu từng ngày sự ô nhiễm môi trường có tác động trực tiếp đến sức khỏe. 

Theo Thanh Niên
  • 2,33
  • 11.241