Giãn tĩnh mạch chân: Bệnh thường gặp ở phụ nữ lớn tuổi

  •  
  • 5.620

Phụ nữ đứng nhiều khi làm việc nội trợ, mang thai, sinh đẻ nhiều, sử dụng thuốc ngừa thai đều có nguy cơ mắc bệnh giãn tĩnh mạch chân ở tuổi 40-50. Biểu hiện của bệnh có thể là vọt bẻ, mỏi chân, đứng lên ngồi xuống rất khó khăn...

Bệnh nhân Nguyễn Thị D., 60 tuổi, ở Bình Thuận đã từng sinh nở 8 lần. Nhiều năm rồi, bệnh nhân thường bị vọt bẻ, mỏi chân về ban đêm. Tuy nhiên, trong suốt một thời gian dài, bà D. chỉ uống thuốc giảm đau, rồi đi khám ở khoa thần kinh vì tưởng mình viêm thần kinh tọa hay đau khớp.

Hay chị Trần Thị Thu H., sinh năm 1961, ngụ tại Nha Trang - Khánh Hòa, làm nghề buôn bán, bị mỏi chân đến độ, ngồi lên đứng xuống rất khó khăn. Mỗi lần đứng lên, chân rất yếu. Căn bệnh này đã có từ 3-4 năm nay. Trong tiền sử, chị H. đã từng sử dụng thuốc ngừa thai trong một khoảng thời gian rất dài, 6 năm.

Cho đến khi hai bệnh nhân này đến khám tại khoa Mạch máu - BV ĐH Y Dược TP.HCM và làm siêu âm tĩnh mạch. Kết qủa cho thấy: Ở cả hai bệnh nhân, đoạn tĩnh mạch ở chân bị giãn, và các tĩnh mạch nuôi bị giảm hay thậm chí mất chức năng.

Phù chân, rối loạn dinh dưỡng trên da, loét lâu lành là những biến chứng của bệnh giãn tĩnh mạch chân. (Ảnh:H.Cát)

Theo PGS. TS BS. Nguyễn Hoài Nam, BS Chuyên khoa II về Phẫu thuật Lồng ngực và Tim mạch - BV ĐH Y Dược TP.HCM, trên thực tế bệnh cũng rất thường gặp nhưng chưa được sự chú ý của cả thầy thuốc và bệnh nhân. Bệnh do hệ thống tĩnh mạch dưới da bị giãn, các van tĩnh mạch bị giảm chức năng.

Bệnh nhân thường bị ứ máu trong lòng tĩnh mạch. Tình trạng này sẽ khiến cho chân bị sưng lên. Hơn thế nữa máu ứ lâu dần hình thành các cục máu đông trong lòng tĩnh mạch. Bệnh nhân bị giãn tĩnh mạch thường bị đối xứng hai bên.

"Điều trị không tốt, các cục máu đông có thể trôi theo dòng máu về tim, và gây thuyên tắc động mạch phổi, có thể gây tử vong cho bệnh nhân," BS Hoài Nam cho biết.

Ước tính, trong năm 2006, tại phòng khám Mạch máu của BV ĐH Y Dược TP.HCM, hơn 7.000 bệnh nhân đến khám vì bệnh giãn tĩnh mạch chi dưới. Đa số là phụ nữ ở lứa tuổi 40 - 50. Căn bệnh này liên quan mật thiết đến vấn đề mang thai, sinh đẻ, sử dụng thuốc ngừa thai và đặc biệt là đứng nhiều khi làm các công việc nội trợ.

Các triệu chứng thường gặp nhất trong giai đoạn đầu của bệnh giãn tĩnh mạch chi dưới là phù hai chi dưới đi kèm với cảm giác nặng, chuột rút về ban đêm, triệu chứng này sẽ bớt khi bệnh nhân kê chân cao buổi tối khi đi ngủ.

Về sau các triệu chứng nặng dần và xuất hiện các mảng rối loạn dinh dưỡng trên da và các tĩnh mạch giãn dần, nổi ngoằn nghoèo, có thể có những đợt viêm tắc tĩnh mạch với các triệu chứng nhiễm trùng toàn thân như sốt cao, môi khô lưỡi dơ và tại chỗ tĩnh mạch bị viêm đỏ, bên trong lòng xuất hiện những cục thuyên tắc cứng...

Theo BS. Hoài Nam, một thực tế đáng buồn là phần lớn bệnh nhân đến với thầy thuốc khi bệnh đã ở trong giai đoạn trễ. Nhiều trường hợp đã có biến chứng loét dinh dưỡng, chảy máu, viêm tắc tĩnh mạch... Chi phí điều trị sẽ tăng lên từ 4-5 lần đối với những bệnh nhân đến trễ.

Trong khi đó, ở giai đoạn đầu, điều trị nội khoa ít tốn kém. Ước tính một đợt điều trị kéo dài 6 tháng, mỗi ngày tiêu tốn từ 20.000 - 30.000 đồng.

Hơn thế nữa, phòng bệnh giãn tĩnh mạch rất đơn giản, như tránh béo phì, tránh đứng lâu, tránh táo bón và làm tăng sức bền của thành mạch máu bằng tập thể dục, ăn các thức ăn giàu vitamin nhiều chất xơ...

Hương Cát

Theo VietNamNet
  • 5.620