Mỗi ngày 2-3 ca nghi ngờ MERS đến khám tại Bệnh viện Nhiệt đới

  •  
  • 717

Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương tiếp nhận mỗi ngày 2-3 bệnh nhân nghi ngờ MERS đến khám, song chưa ghi nhận trường hợp bệnh nào.

Bệnh viện Nhiệt đới tiếp 2 - 3 bệnh nhân nghi ngờ MERS đến khám

Sáng 18/6, trước tình hình dịch MERS-CoV tại Hàn Quốc tiếp tục gia tăng, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thị sát công tác phòng chống dịch tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết đã yêu cầu các bệnh nhân khi đến khám phải đeo khẩu trang. Bệnh viện cũng bố trí 2 phòng riêng biệt ngoài khu khám bệnh để tiếp nhận những trường hợp đến khám vì nghi ngờ. Những ca cần theo dõi thì đi cầu thang bên cạnh lên khu cách ly trên tầng 2.

Mỗi ngày 2-3 ca nghi ngờ MERS đến khám tại Bệnh viện Nhiệt đới
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đi kiểm tra công tác phòng chống dịch MERS-CoV tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. (Ảnh: N.Phương.)

Hiện mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận 2-3 ca nghi ngờ, chủ yếu đi về từ Hàn Quốc. Hầu hết người dân có ý thức khi biểu hiện sốt đi về từ vùng dịch đều tự đến khám, đề nghị được cách ly. Một nửa số ca sốt nghi ngờ âm tính với MERS nhưng dương tính với cúm. Cơ sở 2 của bệnh viện tại Đông Anh cũng đã hoạt động, có 4 ca nghi ngờ được cách ly và bệnh viện tổ chức xe đưa về cơ sở 1. Bệnh viện cũng chuẩn bị sẵn sàng thuốc men, kể cả thuốc gamma globulin - bệnh gây suy giảm miễn dịch; phương án điều trị như bên Hàn Quốc.

Giáo sư Ngô Quý Châu, Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết đã tập huấn, nhắc nhở toàn bộ nhân viên trong bệnh viện tăng dự phòng gồm khẩu trang, sát khuẩn. Các ca nghi ngờ MERS sẽ được chuyển sang Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới. Trong tình huống số ca mắc tăng lên, bệnh viện sẵn sàng tiếp đón bệnh nhân. Khoa Truyền nhiễm là nơi tiếp nhận đầu tiên, ca nặng sẽ chuyển hồi sức tích cực, chống độc; dịch lan rộng thì các khoa khác cũng sẽ được giải tỏa.

Theo báo cáo của UBND TP Hà Nội, từ ngày 1/6 đến nay thành phố đã tổ chức giám sát 988 chuyến bay với gần 130.000 hành khách đến từ các nước có dịch. Trung tâm y tế các quận/ huyện phân công cán bộ y tế nắm chắc địa điểm hành khách nhập cảnh từ vùng có dịch MERS đến lưu trú.

Ông Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, các trung tâm y tế đã tổ chức giám sát tình trạng sức khỏe của hơn 2.000 trường hợp hành khách đến từ các quốc gia có dịch, 4 trường hợp qua theo dõi có hiện tượng ho, sốt đã được cách ly điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Mặt khác, thành phố đã tổ chức tập huấn kiến thức cho 65 đội phòng chống dịch cơ động; tập huấn cho các bệnh viện để sẵn sàng tiếp nhận bệnh nhân nếu có... Tuy nhiên, một số bệnh viện như Bệnh viện Bắc Thăng Long thì khoa truyền nhiễm vẫn chưa đạt tiêu chuẩn để có thể cách ly điều trị bệnh nhân.

Mỗi ngày 2-3 ca nghi ngờ MERS đến khám tại Bệnh viện Nhiệt đới
Phòng khám chuyên tiếp nhận những ca sốt nghi ngờ MERS. (Ảnh: N.Phương.)

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long đánh giá cao công tác phòng chống MERS của Hà Nội. Thứ trưởng lưu ý thành phố cách ly trường hợp nghi ngờ và bệnh nhân nếu có phải chặt chẽ hơn, có phương án cụ thể hơn từ hình thức cách ly tại gia đình, cộng đồng cho đến cơ sở y tế, thậm chí cần thiết có thể trưng dụng cả khu chung cư để cách ly bệnh nhân.

Theo Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, nguyên nhân dịch lan rộng tại Hàn Quốc theo các chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới là sự thiếu nhận thức của cán bộ y tế, cộng đồng và tình trạng lây nhiễm trong bệnh viện. Từ ca đầu tiên, bệnh lây nhiễm sang cán bộ y tế, người nhà, người bệnh khác trong bệnh viện, đến nay Hàn Quốc đã có 21 ca tử vong. Vì thế, mục tiêu quan trọng là chống nhiễm khuẩn.

“Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới là nơi điều trị chính, nếu có ca bệnh thì chuyển ngay sang cơ sở 2 cách ly, trang thiết bị y tế và bác sĩ từ đây không được lên cơ sở 1 để tránh lây lan. Không chuyển bệnh nhân sang Bệnh viện Bạch Mai vì nơi đây đông bệnh nhân và người nhà”, Bộ trưởng Tiến nói.

Bộ trưởng cho rằng Hà Nội có rất nhiều người Hàn Quốc ở và công tác. Vì thế, công tác truyền thông phối hợp rất quan trọng. Các biện pháp ngăn chặn dịch phối hợp từ cửa khẩu, cộng đồng (nhà), cơ sở y tế phải triển khai để ngăn dịch ngay nếu có xâm nhập vào Việt Nam. Dịch SARS những năm trước là một ví dụ, người đầu tiên đã mang mầm bệnh từ nước ngoài về và lây lan trong bệnh viện. Do đó, công tác cách ly trong bệnh viện cũng hết sức quan trọng. Dịch sởi đầu năm 2014 là một bài học, việc tổ chức cách ly không tốt đã dẫn đến tình trạng lây chéo.

Tổ chức Y tế Thế giới chưa khuyến cáo hạn chế du lịch, song Bộ trưởng khuyên người dân nên hạn chế đi du lịch đến vùng đang có dịch bệnh này như Trung Đông, Hàn Quốc.

Theo VnExpress
  • 717