Phần da có hai lớp tế bào iridophore chứa sắc tố và phản xạ ánh sáng là đặc điểm giúp tắc kè biến đổi màu da một cách kỳ diệu.
>> Tắc kè hoa thay đổi màu cơ thể khi chiến đấu
Chú tắc kè đực này thay đổi màu từ da xanh sang vàng. (Ảnh: Michel Milinkovitch)
Theo nghiên cứu mới đăng trên tạp chí Nature Communications, tế bào iridophore chứa những tinh thể siêu nhỏ với kích cỡ, hình dạng và tổ chức khác nhau. Để đổi màu da, tắc kè chỉ cần thay đổi cấu trúc sắp xếp của lớp tế bào phía ngoài bằng cách thả lỏng hoặc làm căng lớp da.
Các chuyên gia của Đại học Geneva ,Thụy Sĩ, cho biết khi da ở tình trạng thả lỏng, tinh thể trong tế bào iridophore thu lại gần nhau, tế bào chỉ đặc biệt phản chiếu các bước sóng ngắn như màu xanh dương. Trong khi đó nếu làn da bị kích động, khoảng cách giữa các tinh thể sẽ gia tăng khiến tế bào phản chiếu bước sóng dài hơn như vàng, cam, đỏ. Da của tắc kè cũng chứa các túi sắc tố vàng, khi kết hợp với ánh sáng xanh dương mang lại màu xanh lá để ngụy trang.
Họ cũng phát hiện có một lớp tế bào da dày và ở sâu bên dưới lớp da có thể phản chiếu một lượng lớn ánh sáng Mặt Trời gần với bước sóng của tia hồng ngoại, song không thay đổi màu sắc. Lớp da này có thể giúp tắc kè phản chiếu nhiệt để giữ mát cho cơ thể.
Tắc kè được cho là đổi màu da chỉ để ngụy trang phù hợp với môi trường xung quanh nhằm trốn kẻ thù. Tuy nhiên trên thực tế, đây là cách chúng điều hòa thân nhiệt hoặc "giao tiếp" với đồng loại.