Các tàu thăm dò robot lặn xuống tàn tích ngập nước của nhà máy điện hạt nhân Fukushima hé lộ những cấu trúc đỡ quan trọng dường như bị phá hủy.
Ảnh chụp bởi tàu thăm dò robot hé lộ phần cốt thép lộ ra ở đế bệ đỡ lò phản ứng. (Ảnh: AP).
Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO) sử dụng tàu thăm dò điều khiển từ xa để khám phá những vị trí ngập nước của nhà máy điện hạt nhân và theo dõi công tác thu dọn tốn kém đang diễn ra, theo IFL Science. Theo thông báo hôm 4/4 của TEPCO, một robot gần đây chụp ảnh bệ đỡ tổ máy 1, cấu trúc đỡ bên dưới một trong những lõi lò phản ứng bị nóng chảy trong thảm họa năm 2011. Phần tường bê tông dày 120cm của bệ đỡ có dấu hiệu hư hỏng nặng ở đế, để lộ phần cốt thép bên trong. Dù phát hiện không phải nguy cơ tức thời, các nhà chức trách lo sợ đó sẽ là vấn đề lớn nếu một trận động đất khác ập tới khu vực.
Ba lò phản ứng chứa ước tính tổng cộng 880 tấn mảnh vỡ nhiên liệu nóng chảy có độ phóng xạ cao. Theo Asahi Shimbun, TEPCO thu được hình ảnh đầu tiên của nhiên liệu hạt nhân nóng chảy ở lò phản ứng tại tổ máy số 1 vào tuần trước. Công tác dọn dẹp vẫn gặp khó khăn trong việc di dời mảnh vỡ nhiên liệu. Nếu cấu trúc đỡ bị vỡ, nó sẽ gây thêm rắc rối cho TEPCO.
Báo cáo về thiệt hại thôi thúc thị trưởng Fukushima là Masao Uchibori yêu cầu TEPCO lập tức đánh giá liệu cấu trúc có thể chịu được trận động đất nữa tương tự năm 2011 hay không. Trận động đất mạnh 9 độ xảy ra vào ngày 11/3/2011 làm rung chuyển vùng ven biển phía đông Nhật Bản, tạo ra sóng thần cao 15 m khiến hơn 18.000 người thiệt mạng dọc theo khu vực đông bắc đất nước. Sóng thần cũng tràn qua nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi, ngắt nguồn cung cấp điện và hệ thống làm mát quan trọng, dẫn tới 3 lò phản ứng nóng chảy và giải phóng lượng lớn phóng xạ vào khí quyển. Dựa trên quy mô tai nạn, đây là thảm họa hạt nhân tồi tệ nhất từ sự kiện Chernobyl năm 1986.
Tuy nhiên, nhiên liệu đã qua sử dụng ở lò phản ứng chỉ là một phần vấn đề. Sau tai nạn, nhà máy bị ngập nước, tạo ra khoảng 1,3 triệu tấn nước thải lưu trữ trong hơn 1.000 bể chứa tại khu vực. Sau thời gian tranh luận gay gắt kéo dài, TEPCO gần đây thông báo công ty sẽ xúc tiến kế hoạch đổ nước thải xuống Thái Bình Dương, bất chấp sự phản đối từ cộng đồng ngư dân địa phương và các nước láng giềng.