Bí ẩn về lăng mộ Tần Thủy Hoàng

  •   3,312
  • 35.651

Lăng mộ Tần Thủy Hoàng đã được phát hiện cách đây hơn 40 năm nhưng các nhà khoa học, khảo cổ học vẫn khám phá ra được những bí mật ẩn chứa bên trong lăng mộ của vị hoàng đế đầu tiên của Trung Hoa. Tại sao vậy?

Lăng mộ của Tần Thủy Hoàng được đánh giá là một trong những khám phá khảo cổ học vĩ đại nhất mọi thời đại. Những bí ẩn của khu lăng mộ bị niêm phong và chôn vùi bên dưới lớp thảm thực vật qua hàng nghìn năm.

Tần Thủy Hoàng huy động khoảng 700.000 người trên khắp đất nước để xây dựng lăng mộ trong 38 năm. Nơi chôn cất chỉ hoàn thành một vài năm sau khi ông qua đời. Theo Sử ký Tư Mã Thiên, khu lăng mộ chứa nhiều cung điện và đồ tạo tác, châu báu quý hiếm. Hai con sông Trường Giang và Hoàng Hà chảy vào biển lớn cũng được mô phỏng trong ngôi mộ bằng cách sử dụng thủy ngân.

Lăng mộ của Tần Thủy Hoàng được bao phủ bởi thảm thực vật trông giống như một ngọn đồi.
Lăng mộ của Tần Thủy Hoàng được bao phủ bởi thảm thực vật trông giống như một ngọn đồi. (Ảnh: Wikimedia)

Phần sàn lăng mộ miêu tả các con sông và đặc điểm đất liền, phần trần phía trên là hình trang trí các chòm sao trên trời. Ý tưởng này được cho là để Tần Thủy Hoàng tiếp tục cai trị vương quốc ngay cả khi sang thế giới bên kia. Nhằm bảo vệ lăng mộ, thợ thủ công của hoàng đế tạo ra những cái bẫy có thể bắn tên vào bất cứ ai bước vào.

Khi tang lễ của Tần Thủy Hoàng kết thúc, đường hầm trong lăng mộ bị chặn lại, cổng bên ngoài hạ xuống để nhốt tất cả thợ thủ công ở bên trong. Điều này nhằm đảm bảo rằng hoạt động của bẫy cơ học cũng như kho báu sẽ không bị tiết lộ ra bên ngoài. Cây cối được trồng phía trên lăng mộ khiến nó trông giống một ngọn đồi.

Hầu hết thợ xây và những người liên quan đến thiết kế của công trình, nằm trong số hơn 70 vạn người đến đây, đều đã bị giết hại.

Tài liệu liên quan đến nơi an nghỉ của Tần Thủy Hoàng đã tồn tại gần một thế kỷ sau cái chết của vị hoàng đế, nhưng các nhà khảo cổ mới chỉ phát hiện lăng mộ trong thế kỷ 20.

Chính phủ Trung Quốc thậm chí đã mở một chuyên đề nghiên cứu về địa điểm đặt lăng mộ của Tần Thuỷ Hoàng và tìm suốt 40 năm trên phạm vi cả nước.

Với diện tích lục địa lên xấp xỉ 9,6 triệu km vuông thì việc tìm cho được phần lăng mộ của vị vua nổi tiếng nhất Trung Quốc này không phải là một điều đơn giản.

Rất nhiều chuyên gia khảo cổ, các đội tìm kiếm chuyên nghiệp cùng các hoạt động truy tìm dấu vết xác định địa chỉ lăng mộ thông qua các văn tự cổ gần như chỉ đi vào ngõ cụt.

Năm 1974, một nhóm nông dân đào giếng ở huyện Lâm Đồng, tỉnh Thiểm Tây, đào được một chiến binh làm từ đất nung có kích thước giống người thật. Đây là điểm khởi đầu cho việc phát hiện khu lăng mộ.

Trong 40 năm qua, các nhà khoa học tìm thấy khoảng 2.000 chiến binh đất nung Theo ước tính, có khoảng từ 6.000 đến 8.000 chiến binh chôn cùng với Tần Thủy Hoàng. Đội quân đất nung thực chất chỉ là "đỉnh của tảng băng chìm", khi phần còn lại của lăng mộ không bị đào lên.

Bên trên lăng mộ hay nói cách khác là lăng mộ được bao bọc bởi một đất đắp nổi cao 76 mét, từ Nam đến Bắc dài 350 mét, từ Tây sang Đông rộng 354 mét.

Trên mặt đất chung quanh lăng còn có hai lớp tường thành, diện tích thành bên ngoài là 2 km vuông có cửa.

Giữa hai lớp thành có các giác lâu, cung tẩm, chùa chiền, nhà ở mà phần lớn đã bị phá huỷ hay hư hỏng khiến người ta không thể hình dung ra một lăng mộ đang giấu mình bên trong ngọn đồi kia.

Đội quân đất nung được phát hiện trong khu mộ của Tần Thủy Hoàng
Đội quân đất nung được phát hiện trong khu mộ của Tần Thủy Hoàng

Bên dưới mặt đất là địa cung hình chữ nhật, dài 460 mét từ Nam sang Bắc, rộng 392 mét từ Tây sang Đông, bốn phía có tường bao bọc.

Nếu muốn khai quật phần còn lại, các nhà nghiên cứu phải vượt qua những cái bẫy (thông tin mà Tư Mã Thiên từng đề cập đến), dù vẫn còn nhiều lời tranh cãi về khả năng hoạt động của chúng sau hơn 2.000 năm.

Các nhà khảo cổ học vẫn chưa thể lí giải bằng cách nào và ước lượng số lượng nhân công lớn tới mức nào để có thể xây dựng địa cung có tổng diện tích lên tới 18.000 mét vuông.

Sự hiện diện của thủy ngân cũng là yếu tố nguy hiểm đối với bất kỳ ai dám bước vào lăng mộ mà không có biện pháp bảo vệ thích hợp. Công nghệ hiện nay chưa thể xử lý toàn bộ khu tổ hợp lăng mộ dưới lòng đất, cũng như bảo quản hiện vật khai quật. Do đó, ít có khả năng lăng mộ sẽ được mở ra trong tương lai gần.

Tần Thủy Hoàng lên ngôi nhà Tần khi mới 13 tuổi và bắt đầu xây dựng nơi an nghỉ của ông không lâu sau đó, tại khu vực núi Ly Sơn, tỉnh Thiểm Tây.

Cập nhật: 04/07/2017 Tổng hợp
  • 3,312
  • 35.651