Làm rõ quá trình tiến hóa động vật dưới nước lên cạn

  •  
  • 3.944

Các nhà sinh học Mỹ ngày 17/4 cho biết họ đã giải mã thành công ADN của loài cá vây tay có nguồn gốc cổ đại thông qua hóa thạch sống của loài cá này, cung cấp thêm những manh mối giải thích sự thay đổi môi trường sống của một số loài động vật dưới nước di chuyển lên cạn cách đây hàng triệu năm.

Kết quả nghiên cứu đặc biệt này đã được đăng tải trên tạp chí danh tiếng Tự nhiên (Nature) của Anh.

Cá vây tay
Cá vây tay

Qua phân tích bộ gene của cá vây tay, các nhà khoa học tìm thấy 3 triệu ký tự thuộc mã ADN, có cùng kích cỡ với bộ gene của con người.

Nhà khoa học Jessica Alfoeldi thuộc Viện Công nghệ Massachusetts và Đại học Harvard, Mỹ cho biết các gene của loài cá này nhìn chung tiến hóa chậm hơn nhiều so với tất cả các loài cá khác và các loài có xương sống trên cạn.

Nghiên cứu mới về bộ gene của cá vây tay cho thấy loài cá này là họ hàng gần hơn với động vật bốn chân so với loài cá phổi nước ngọt được phát hiện ở Australia và châu Phi trước đây.

Phát hiện mới cũng khẳng định cá vây tay là một nguồn đặc biệt để nghiên cứu quá trình tiến hóa của những động vật sống dưới nước chuyển lên cạn. Gene của chúng có thể giúp giải thích những thay đổi, bao gồm việc bằng cách nào loài cá lên cạn này phát triển khứu giác để nhận biết không khí và thức ăn, cũng như bằng cách nào hệ thống miễn dịch của chúng thay đổi để phản ứng với vi khuẩn và virus trong môi trường mới.

Cá vây tay từng được xem là đã tuyệt chủng cách đây khoảng 65 triệu năm trước, cùng thời điểm với loài khủng long. Tuy nhiên, giả thuyết này đã bị bác bỏ vì vào năm 1938 khi một chú cá vây tay được tìm thấy ở Nam Phi. Kể từ đó đến nay, có 308 chú cá vây tay khác đã được phát hiện.

Theo các nhà khoa học, việc giải mã gene loài cá vây tay lần này đã mang lại những phát hiện bất ngờ đối với giới khoa học trong suốt niên kỷ qua, giúp làm sáng tỏ thêm những nghiên cứu động vật dưới nước lên cạn.

Theo Vietnam+
  • 3.944