Rửa oan cho vải liệm Turin

  •   42
  • 5.508

Kết quả nghiên cứu khoa học đã xác nhận vải liệm Turin không phải là đồ dởm như các nghi ngờ trước đây.

>>> Tấm vải liệm Turin dùng liệm xác Chúa Kito là thực?

Đối với những người sùng đạo, tấm vải liệm Turin là một báu vật thực sự, từng gói trọn thi hài của Chúa Jesus khi ngài được đưa xuống từ cây thập giá. Tuy nhiên, một số người hoài nghi cho rằng nó chỉ là một trò giả mạo của người Trung cổ không hơn không kém. Giờ đây, khoa học đã đứng về phe tín đồ Thiên Chúa giáo. Các nhà nghiên cứu đã sử dụng đủ biện pháp xét nghiệm pháp y để so sánh sợi vải từ tấm liệm với một loạt các mẫu vải thời xưa. Kết quả, vải liệm Turin có thể được làm từ thời Chúa Jesus còn tại thế.

Hình ảnh trên tấm vải liệm Turin
Hình ảnh trên tấm vải liệm Turin

Kết quả trên mâu thuẫn với nghiên cứu gây chấn động vào năm 1988, do Viện Bảo tàng Anh đứng đầu, dùng phương pháp đồng vị carbon để giám định tấm vải. Kết luận lúc đó là vải liệm Turin, có in dấu mờ khuôn mặt một người đàn ông để râu quai nón với các vết thương giống như bị đóng vào thập tự giá, bị cho là có niên đại từ thời Trung cổ, tức sau thời điểm Chúa bị đóng đinh đến 1.000 năm. Tuy nhiên, các nhà khoa học thuộc Đại học Padua (Ý) cho rằng các kết quả trên có thể đã bị bóp méo do hàng thế kỷ bị nước và lửa làm tổn hại mảnh vải. Theo lịch sử, nó đã bị ảnh hưởng trong vụ cháy nhà nguyện Chambéry (Pháp) vào năm 1532.

Vải liệm Turin, một trong những thánh tích gây tranh cãi nhất của đạo Công giáo, từng được Giáo hoàng John Paul II gọi là “biểu tượng của nỗi thống khổ ở mọi thời đại”. Phát hiện mới nhất về vải liệm Turin đã được trình bày trong cuốn sách có tựa đề Il Mistero della Sindone (tức Bí ẩn của tấm vải liệm), vừa ra mắt vào ngày Good Friday, tức thứ sáu tuần Thánh, rơi vào ngày 29/3 năm nay. Các tác giả là Giáo sư Giulio Fanti, chuyên gia về đo đạc nhiệt và kỹ thuật tại Đại học Padua, và nhà báo Saverio Gaeta. Hai ông đã tiến hành giám định các sợi vải từ tấm vải liệm trứ danh và so sánh chúng với các mẫu từ năm 3.000 trước CN đến thời hiện đại để xác định liệu nó là đồ dỏm hay thật.

Điểm mấu chốt của cuộc nghiên cứu là 3 phương pháp xét nghiệm mới. Đầu tiên, các chuyên gia dùng ánh sáng hồng ngoại, rồi đến phương pháp quang phổ học Raman, để đo bức xạ thông qua bước sóng. Đây là phương pháp thường dùng trong khoa học pháp y. Hai thí nghiệm đầu cho thấy các sợi vải xuất hiện vào giai đoạn năm 300 trước CN đến năm 400 sau CN, có nghĩa là bao gồm thời gian có Chúa Jesus. Trong khi kết quả hồi năm 1988 lại cho rằng nó có niên đại từ năm 1260 đến 1390. Do tòa thánh cương quyết không cho các chuyên gia tiếp cận thánh tích này, nhóm của Giáo sư Fanti phải dựa vào mẫu vải đã được xét nghiệm vào năm 1988.

Trước khi chính thức từ chức, Giáo hoàng Benedict XVI đã cho phép trưng bày tấm vải liệm như là “món quà cuối cùng” cho các tín đồ Công giáo. Đài truyền hình quốc gia Ý sẽ phát hình ảnh vải liệm Turin, nhưng người thường sẽ không được tiếp cận mảnh vải cho đến năm 2025, thời điểm trưng bày kế tiếp theo lịch.

Theo Thanh Niên
  • 42
  • 5.508