Cua "người rừng"

  •  
  • 2.596

Cua “người rừng” sống ở vùng nước sâu gần biển Costa-Rica, trên càng là một vườn vi khuẩn, dùng để làm thực phẩm cho chính chúng.

>>> Australia: Cua đỏ gặp nguy vì dầu tràn

Sở dĩ người ta gọi loài cua này là cua người rừng là vì nó thuộc nhóm cua lông lá xồm xoàm (giống như người rừng Yeti) có tên là Kiwa hirsuta, phát hiện năm 2006 tại đảo Phục sinh.

Ngay năm sau, các nhà khoa học Trường ĐH Oregon trong thời gian thăm dò địa chất đã vô tình phát hiện ra một thành viên thứ hai của họ này, đặt tên khoa học là Kiwa puravida. Từ thứ hai này trong ngôn ngữ của thổ dân da đỏ có nghĩa là “sự sống thực”. Các nhà nghiên cứu kinh ngạc thấy số cua khá lớn sống ngay gần cảng chính của Costa-Rica mà lâu nay chẳng ai biết đến.

Cua "Người rừng" Kiwa hirsuta.
Cua "Người rừng" Kiwa hirsuta. (Ảnh: ebaumsworld.com)

Việc nghiên cứu hoạt động sống của loài vật mới phát hiện này chỉ ra rằng, những sợi lông cứng, phủ kín đôi càng mang theo một số lớn vi khuẩn cộng sinh, đồng hóa năng lượng từ các chất khí vô cơ, hòa tan trong nước. Cua ta chỉ việc gỡ ra và chén đám vi khuẩn rất béo bở này, nhờ cái miệng trông chẳng khác gì chiếc lược. Kết quả phân tích các chất đồng vị và axit béo, có trong cơ thể cua chứng minh rằng vi khuẩn là món ăn chính của chúng.

Vi khuẩn sống trong những “trang trại” của cua Kiwa puravida là họ hàng gần gũi của các vi sinh vật sống trong nguồn nước lạnh hoặc miệng của các nguồn thuỷ nhiệt trên toàn thế giới.

Việc quan sát tập tính của cua cho thấy, nhờ chúng tích cực “múa may” liên tục đôi càng khổng lồ của mình nên bảo đảm thu hút được các chất dinh dưỡng làm thức ăn cho cả một quần thể vi khuẩn. Các nhà nghiên cứu cho biết lần đầu tiên họ phát hiện ra cách kiếm ăn của cua vì họ thấy chúng không ngừng nhảy múa một các hết sức ngộ nghĩnh và độc đáo.

Cua Kiwa puravida không phải là loài duy nhất đi đâu cũng kè kè mang theo một trang trại cồng kềnh. Có hai loài giáp xác khác là cua Shinkaia crosnieri và tôm Rimicaris exoculata, sống gần những nguồn nước thủy nhiệt cũng sống nhờ những vi khuẩn bám lên thân của mình.

Theo các chuyên gia, phương pháp sống bằng cách chăn nuôi thực phẩm ngay trên cơ thể mình dường như không hiếm hoi lắm trong thế giới sinh vật. Có thể thiên nhiên đã hào phóng ban cho các loài giáp xác khả năng sinh sôi nảy nở trong những nguồn nước nóng cũng như nước lạnh ở dưới đáy sâu của đại dương.

Theo Vietnamnet
  • 2.596