Kỳ quái dịch vụ mai táng người chết lên vũ trụ

  •  
  • 1.873

Tàu thăm dò "New Horizons" đến hành tinh Pluto mang theo tro cốt của nhà thiên văn người Mỹ Clyde Tombaugh.

Tiến bộ khoa học kỹ thuật dường như đã ảnh hưởng đến tất cả mọi lĩnh vực mà không có ngoại lệ. Không ngoại trừ việc trong tương lai không xa còn có cả dịch vụ nghi lễ chôn cất tro cốt người chết trên vũ trụ xa xôi.

Theo tin đồn thì một số tỷ phú Mỹ đã mua hết chỗ để mai táng trên Mặt Trăng và trên các hành tinh. Lần đầu tiên hãng Celestis đã đưa ra dịch vụ tương tự.

Vào tháng 4/1997 tên lửa Pegasus đã đưa 24 chiếc bình mi-ni đựng tro cốt của con người ở trái đất lên quỹ đạo. Cho đến nay thì trong vũ trụ đã có tro của vài nghìn người, chủ yếu là những nhân vật nổi tiếng, thí dụ, trong số đó có phi hành gia người Mỹ Gordon Cooper và nam diễn viên James Douen, người từng đóng vai kỹ sư Scotty trong loạt phim truyền hình nổi tiếng "Con đường ngôi sao".

Còn nhà văn viễn tưởng Mỹ Arthur Clarlke ngay lúc sinh thời thì những lọn tóc của ông đã được "chôn cất" trong không gian vũ trụ và hy vọng rằng đến một lúc nào đó ông sẽ được nhân bản vô tính một lần nữa bằng cách sử dụng gene di truyền.

Nếu như không phải là người Trái đất thì sẽ là những đại diện của nền văn minh ngoài trái đất chăng? Có điều là làm thế nào mà những người ngoài hành tinh hiểu được rằng đó là những lọn tóc của một nhà văn nổi tiếng? Và họ có muốn dành thời gian để tạo ra bản sao của ông hay không?

Nhà thử nghiệm tổ hợp vũ trụ tên lửa từ Novosibirsk tên là Boris Yakushin là người Nga đầu tiên được chôn cất trong vũ trụ. Lúc còn sống ông đã mơ ước tro cốt của mình, cho dù chỉ một phần nhỏ sẽ được rải ở ngoài phạm vi Trái đất.

Kỳ quái dịch vụ mai táng người chết lên vũ trụ
Minh họa tên lửa mang theo tro cốt lên vũ trụ

Năm 1978 Yakusin qua đời, thi thể của ông đã được hỏa táng và 20 năm sau con trai ông là Sergey đã ký hợp đồng với công ty mai táng Mỹ và gửi một viên nang chứa tro cốt của cha mình lên quỹ đạo gần Trái đất.

Vào tháng 8/2010 cũng có sự kiện mai táng trên vũ trụ đối với một người Nga khác là Vitaly Fedorov là người cả cuộc đời đã làm việc ở tổ hợp vũ trụ Baiconur. Dự tính rằng tên lửa "Liên hợp" sẽ đưa các bình chứa tro cốt lên quỹ đạo.

Thế nhưng nghi thức này đã bị cấm bởi Roscosmos (Ban lãnh đạo vũ trụ Nga) vì theo lời của các đại diện tổ chức này thì "vấn đề không có tính luật pháp". Hiện tại thì dịch vụ như vậy chỉ có thể đặt hàng tại Mỹ.

Tuy vậy, các chuyên gia khẳng định rằng đa phần những viên nang chứa tro cốt trên thực tế sẽ nằm trong phạm vi tác động của lực hấp dẫn trái đất. Chúng sẽ được gắn vào tầng cuối của tên lửa và sớm hay muộn thì chúng đều sẽ bị đốt cháy trong khí quyển, còn tàn tro sẽ bị khuếch tán. Toàn bộ quá trình này có thể mất từ vài ngày cho đến 250 năm.

Thông thường thì tro cốt sẽ được đặt trong một container có thể chứa gần 100 viên nang. Tất nhiên người ta không thể cung cấp một tên lửa đặc biệt để gửi tro cốt mà các di hài sẽ được bay lên như là một "phụ tải" được gắn kết với các chương trình không gian khác.

Chi phí cho "dịch vụ nghi lễ" trong một lễ mai táng như thế ở Mỹ là vài nghìn USD. Bạn có thể lựa chọn một trong hai phương án. Thứ nhất là 1gram tro được đặt trong một "viên thuốc" nhỏ bằng kim loại ghi tên người quá cố lên tấm bia đặc biệt được gắn với tàu vũ trụ.

Thứ hai là 7gram tro được gói gọn trong một ống trụ nhỏ bằng kim loại trên đó có văn bia ghi ngắn gọn tên người đã mất. Thân nhân sẽ được giao một thứ đồ "lưu niệm" là một bản sao chính xác của module. Toàn bộ thủ tục gửi tro vào vũ trụ được quay video và sau đó đĩa ghi hình sẽ được trao lại cho gia đình.

Việc hỏa táng một phần thi thể được thực hiện từ căn cứ quân sự Vandenberg Air Force, nằm ở phía tây bắc của Los Angeles. Quá trình khởi động tên lửa có kèm theo một lễ tưởng niệm nhỏ với sự tham gia của các thân nhân người quá cố.

Ngoài việc mai táng trên vũ trụ còn có dịch vụ đưa tro đã hỏa táng lên Mặt Trăng. Cũng tại công ty Celestis thì chi phí để gửi 1gram tro là khoảng gần 10 nghìn USD. Người đầu tiên được mai táng theo cách này là nhà nghiên cứu Sao Chổi nổi tiếng Eugene Shoemaker.

Thực ra thì các buổi lễ mai táng manh tính biểu tượng đều được NASA (cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ) chi trả. Một viên nang chứa tro hài cốt của nhà khoa học đã được gửi lên Mặt Trăng trên một vệ tinh do thám định kỳ.

Vào năm 2006 trên tàu thăm dò "New Horizons" đến Pluto có mang theo tro cốt của nhà thiên văn người Mỹ Clyde Tombaugh, người đã phát hiện ra hành tinh này vào năm 1930.

Theo dự kiến thiết bị này sẽ đến được hành tinh Pluto vào năm 2015. Cũng bằng cách này vào tháng 5/2009 một tên lửa của Mỹ có mang theo tro cốt của 16 người nhưng đã gặp phải sự cố và tàn tro đã bị rơi xuống mặt đất. Như vậy là lịch sử dịch vụ mai táng trên vũ trụ đã được bổ sung bằng những sự kiện bi thảm.

Nếu như nghi lễ biểu tượng không làm cho bạn được hài lòng thì bạn đành phải chi hàng triệu USD để được phóng ra ngoài Trái đất. Tuy nhiên, trong những điều kiện thiếu thốn về căn bản chỗ để mai táng ở trên hành tinh của chúng ta thì vấn đề lập ra những nghĩa trang lớn ở vũ trụ dù sớm hay muộn sẽ được toàn nhân loại lưu tâm hơn.

Theo VTC
  • 1.873