Khoang tàu vũ trụ vẫn bay quanh Mặt trăng sau 50 năm

  •  
  • 2.820

Khoang phóng từng đưa phi hành gia từ bề mặt Mặt trăng lên tàu Apollo 11 có thể không đâm xuống thiên thể này như dự đoán trước đó.

James Meador, nhà nghiên cứu độc lập tại Viện Công nghệ California, tìm ra bằng chứng cho thấy một khoang tàu của nhiệm vụ Apollo 11 có thể vẫn di chuyển quanh Mặt trăng, Phys hôm 2/8 đưa tin. Nghiên cứu mới được trình bày trên kho dữ liệu arXiv.

Khoang phóng của trạm đổ bộ Eagle nhìn từ module chỉ huy Columbia.
Khoang phóng của trạm đổ bộ Eagle nhìn từ module chỉ huy Columbia. (Ảnh: NASA).

Năm 1969, hai phi hành gia Neil Armstrong và Buzz Aldrin của NASA làm nên lịch sử khi hạ cánh thành công xuống Mặt trăng. Sau hơn 21 giờ khám phá bề mặt thiên thể này, họ lại bay lên bằng khoang phóng của trạm đổ bộ Eagle. Tiếp theo, họ gặp lại phi hành gia Michael Collins trong module chỉ huy Columbia của tàu Apollo 11 và cùng trở về Trái Đất.

Trước khi phi hành đoàn lên đường trở về, khoang phóng bị tách ra khỏi tàu Apollo 11 và bay vào không gian. Khi đó, các kỹ sư NASA cho rằng nó sẽ đâm vào bề mặt Mặt trăng. Tuy nhiên, nghiên cứu mới của Meador chỉ ra nó vẫn chưa lao xuống mà đang quay quanh thiên thể này.

Đầu tiên, Meador cân nhắc xem có thể tìm thấy khoang phóng trên bề mặt Mặt trăng hay không. Ông cho biết, NASA đã phóng hai tàu vũ trụ GRAIL A và GRAIL B lên quỹ đạo Mặt trăng năm 2012 theo dự án GRAIL nhằm lập bản đồ trường hấp dẫn. Điều này nghĩa là Meador có thể theo dõi quá trình khoang phóng đâm xuống Mặt trăng, nếu xảy ra, bằng cách sử dụng Công cụ Phân tích Tàu Tổng quát của NASA. Công cụ này có khả năng lập sơ đồ quỹ đạo của tàu vũ trụ bay quanh các hành tinh hoặc Mặt trăng khi đã xác định được trường hấp dẫn.

Sau khi lấy dữ liệu từ GRAIL, Meador chạy mô phỏng nhiều lần với các tham số khác nhau để mô phỏng những tình huống có thể diễn ra từ lúc khoang phóng tách khỏi tàu Apollo 11 đến nay. Ông cũng tính đến lực hấp dẫn từ Mặt trời và các hành tinh khác (trừ sao Thủy), đồng thời đưa vào dữ liệu về tác động của bức xạ Mặt trời. Kết quả, tất cả mô phỏng đều cho thấy khoang phóng vẫn duy trì quỹ đạo ổn định.

Meador thừa nhận các yếu tố khác có thể khiến khoang phóng bị phá hủy, ví dụ nhiên liệu phát nổ khi khoang phóng xuống cấp, làm thay đổi quỹ đạo. Tuy nhiên, trong trường hợp khoang phóng vẫn bay quanh Mặt trăng, với công nghệ đang sở hữu NASA hoàn toàn có khả năng tìm thấy nó nếu muốn.

Cập nhật: 04/08/2021 Theo VnExpress
  • 2.820