Ảnh chụp của Đài thiên văn phía nam châu Âu (ESO) trông như một cuộc chiến vũ trụ khi Trái đất phóng laser tới tinh vân tím đang "giận dữ".
Bức ảnh ấn tượng với 4 chùm laser màu cam rực sáng chiếu xuyên qua bầu trời đầy sao, hướng đến tinh vân Carina, được ESO tung ra hôm 9/11. Tuy nhiên, đây không phải một cuộc chiến không gian dữ dội mà là phương pháp quan sát thiên thể của các nhà khoa học.
Chùm laser hướng về phía tinh vân Carina. (Ảnh: ESO/G. Hüdepohl).
Vùng màu tím trong ảnh là tinh vân Carina, còn gọi là Eta Carinae theo tên hệ sao nổi bật nhất của tinh vân này. Eta Carinae gồm hai ngôi sao khổng lồ đang phát nổ và liên tục giải phóng khí bụi suốt gần 200 năm. Với vụ nổ này, Eta Carinae là một trong những hệ sao sáng nhất dải Ngân Hà dù cách Trái đất tới 7.500 năm ánh sáng.
Việc quan sát vật thể ở xa như vậy không dễ, kể cả trong trường hợp các nhà khoa học sử dụng Kính viễn vọng Rất Lớn (VLT) tại Chile, một trong những kính viễn vọng mạnh nhất dưới mặt đất, để ngắm nhìn hệ sao sáng như Eta Carinae. Bầu khí quyển dày của Trái đất là trở ngại lớn. Nó làm mờ và biến dạng hình ảnh của những vật thể trong vũ trụ.
Để khắc phục, các nhà khoa học chiếu laser từ một trong các bộ phận của VLT nhằm mô phỏng những ngôi sao xa. Các phân tử natri trong khí quyển khiến chùm laser tỏa sáng cam. Nhóm chuyên gia sau đó dựa vào những ngôi sao mô phỏng này để đo đạc xem laser bị khí quyển làm mờ bao nhiêu. Nhờ tập luyện với sao giả, họ có thể tính toán độ mờ khí quyển và hiệu chỉnh kính viễn vọng tốt hơn khi quan sát những ngôi sao thật hoặc thiên hà và những vật thể đang phát nổ như Eta Carinae.