Lính “người dơi”

  •  
  • 482

Bộ đồ bay cá nhân có cánh và bánh lái là một ý tưởng dành cho vận động viên thể thao hàng không. Các nhà quân sự lại thấy nó là một thiết bị trong tương lai có thể giúp binh lính bay như người dơi . Nhưng đồng thời họ cũng sợ bọn khủng bố nắm được bí quyết loại vũ khí mới này để gây họa.

Chiếc máy bay đang bay ở độ cao 4.000 m. Tiếng động cơ gầm rú khi máy bay rơi vào vùng gió mạnh. Cánh cửa đuôi máy bay hạ xuống. Từ bên trong, một người ăn vận toàn màu đen, đeo một bộ cánh bằng chất liệu sợi carbon cũng màu đen, lao ra ngoài. Sức gió quất mạnh vào người vừa bay ra như tung một nắm đấm thôi sơn khiến anh ta chao đảo một hồi trước khi lấy lại thăng bằng. Nhờ đôi cánh, anh ta lướt đi trong gió với tốc độ 200 km/giờ!

Sư tử đầu chim

Bộ đồ bay Skyray do nhà thiết kế máy bay Alban Geissler ứng dụng
Bộ đồ bay Skyray do nhà thiết kế máy bay Alban Geissler ứng dụng (Ảnh: atairaerospace)
Cảnh tượng vừa kể không phải là cảnh trong phim hành động hay trong truyện tranh Mỹ. Người nhảy ra khỏi máy bay cũng không phải là Batman (Người dơi ) hay điệp viên 007, mặc dù trong kịch bản phim James Bond mới nhất, đạo diễn có dự trù sử dụng bộ cánh giống hệt như vậy.

Người mang bộ cánh bay độc đáo trên là Erich Jetlitko, nguyên là lính dù Đức. Hiện, anh cùng một nhóm người đang thử nghiệm một hệ thống bay mới có cánh và bánh lái với khác biệt duy nhất so với một chiếc máy bay thông thường là kích thước khiêm tốn của nó.

Cách đây 3 năm, một bộ đồ bay tương tự đã nổi tiếng khắp châu Âu. Vào mùa hè năm 2003, Felix Baumgartner sử dụng một bộ đồ bay y như vậy để bay qua eo biển Manche. Lúc đó, nó được đặt tên là Skyray (Tia sáng mặt trời) ứng dụng trong thể thao do Alban Geissler, 35 tuổi, một nhà thiết kế máy bay mê thể thao ở thành phố Munich (Đức), sáng chế. Giờ đây, Geissler tiếp tục hoàn thiện nó để dùng trong quân đội.

Bộ đồ bay đang thử nghiệm cũng đổi tên thành Greif (tiếng Đức có nghĩa là sư tử đầu chim có cánh). Từ lĩnh vực vui chơi giải trí, Greif trở thành một thứ vũ khí quân sự mới. Geissler đang chuẩn bị hai bộ để thử nghiệm. Cùng tham gia với Geissler có Jelitko, phụ trách công tác phát triển thiết bị mới cho lính dù thuộc Công ty Hậu cần quân đội ESG, và Frank Carrecas. Bộ tam này tỏ ra rất lạc quan. Greif là sản phẩm thử nghiệm của bộ đôi Geissler - Jelitko.

Hãy nghe Jelitko mô tả Greif: “Nếu coi chiếc dù bình thường là một chiếc xe gắn máy phân khối nhỏ thì Greif là một chiếc xe mô tô đua”. Nó giúp người lính bay xuống đất với vận tốc có thể đạt tới 220 km/giờ, một tay cầm súng, một tay điều khiển bánh lái. Tính vượt trội của nó so với chiếc dù cổ điển là, nếu cần, nó có thể ở trên không lâu hơn chiếc dù bình thường vì không phải rơi tự do.

Từng có mặt trong kịch bản phim James Bond

“Người dơi” Jelitko

“Người dơi” Jelitko
(Ảnh: NLĐ)

Khi tiếp đất, người sử dụng phải tháo dỡ bộ cánh khỏi chiếc ba lô đeo trên lưng và mở chiếc dù đựng trong ba lô, bộ cánh vẫn không rời người sử dụng nhờ một sợi dây. Jelitko giải thích: “Bạn có thể bay với bộ cánh này như bay máy bay”. Cho đến nay, nhược điểm quan trọng chưa được khắc phục là khó giữ được thăng bằng. Ngay những chuyên gia lão luyện như Jelitko hay Carrecas cũng gặp khó khăn. Bộ cánh không ổn định lắm khi ở trên không. Thậm chí Carrecas buộc phải hạ cánh khẩn cấp trong một chuyến bay thử. Geissler thừa nhận: “Chúng tôi cần phải hoàn thiện nó sao cho một người bình thường cũng dễ dàng điều khiển chứ không cần là chuyên gia”.

Greif sẽ được sử dụng trong quân đội ra sao? Kịch bản sau đây đã được vạch ra: Một chiếc máy bay vận tải thả lính trong đêm tối trời. Người lính, được trang bị máy cung cấp ô xy, được thả ở độ cao khoảng 10 km và xa mục tiêu cho nên rất an toàn, radar thông thường không nhìn thấy. Ở độ cao đó, luồng gió có thể không được dự báo trước nhưng không thành vấn đề đối với lính bay. Bộ cánh Greif thích ứng với mọi hướng gió. Khác biệt lớn nhất so với chiếc dù thông thường là thay vì mất 45 phút mới tiếp đất, nó rút ngắn thời gian xuống còn 15 phút. Hơn nữa, nó cho phép người lính bay xa ít nhất 40 km.

Geissler hiện có một kế hoạch khác: gắn thêm một động cơ phản lực cỡ nhỏ nặng khoảng 15 kg vào bộ cánh. Chi tiết này cho phép thả lính ở độ cao thấp hơn 10 km mà vẫn an toàn và người lính bay xa đến 200 km. Điều lý thú là một bộ cánh bay Greif cải tiến như thế đã được ê kíp quay phim Die Another Day đưa vào kịch bản cho nhân vật James Bond sử dụng. Nhưng vào phút cuối, do diễn viên Pierce Brosnan đóng vai James Bond bị thương ở đầu gối nên những cảnh quay điệp viên 007 bay với bộ cánh bay Greif đã bị hủy bỏ.

Sợ khủng bố cũng xài

Ý tưởng đưa bộ cánh bay Greif vào quân dụng đã được các quan chức quân đội các nước tham dự Hội chợ Hàng không Quốc tế ILA tổ chức ở Berlin (Đức) tháng 5 vừa qua rất chú ý. Bộ cánh Greif nếu được cải tiến đến nơi đến chốn có tính tàng hình như máy bay tàng hình B1 của Mỹ. Geissler giải thích: “Bộ cánh Greif phản hồi rất yếu các tín hiệu radar nhờ hình dạng và cấu trúc bên trong. Chỉ có những hệ thống radar đời mới nhất mới bắt được tín hiệu”.

Với những tính năng lợi hại như vậy, điều mà các chuyên gia khủng bố phương Tây lo sợ là các tổ chức khủng bố quốc tế như Al-Qaeda có thể tìm cách mua bộ cánh bay Greif để thực hiện những ý đồ khủng bố điên rồ nhất. Cho nên, khi tung ra thị trường, cần kèm theo những biện pháp kiểm soát và ngăn chặn những đơn đặt hàng có nguồn gốc đáng nghi.

Theo Spiegel và Memmagazine, Người lao động
  • 482