Chiếc mũ bảo hiểm đặc biệt này sử dụng công nghệ đo sóng não để biết được khi nào người lái xe bị phân tâm.
Trong các cuộc thử nghiệm, khi đội mũ bảo hiểm "đọc ý nghĩ", các tay đua F1 có thể cải thiện khả năng tập trung lên đến gần 50%. Thiết bị công nghệ cao có vẻ giống trong phim khoa học viễn tưởng này ra đời nhờ sự hợp tác của Ford Performance (chi nhánh chuyên về động cơ mô tô thể thao của Ford), nhóm khoa học gia từ Kings College London và công ty công nghệ UNIT9.
Mũ bảo hiểm trông có vẻ bình thường này có thể đọc ý nghĩ của người đội - (ảnh: FORD).
Theo các nghiên cứu trước đây, sự mất tập trung là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra các tai nạn, từ đường đua chuyên nghiệp cho đến việc lái xe thông thường. Có nhiều nguyên nhân khiến tài xế mất tập trung như: lo nghĩ nhiều hoặc mải mê quan sát một điểm bất thường trên đường…
Một tay đua tham gia thử nghiệm - (ảnh: FORD).
Để nắm bắt được lúc nào tài xế phân tâm, các nhà khoa học đã trang bị vào mũ bảo hiểm một thiết bị mang tên EEG, dùng để đọc điện não. Các kết quả điện não sẽ được máy tính phân tích và từ đó biết được tài xế đang tập trung vào việc lái xe hay đang nghĩ mông lung về một chuyện gì khác.
Hiện công nghệ chỉ mới được áp dụng thử nghiệm vào đường đua. Đội hỗ trợ sẽ nhận được các ghi nhận và cảnh báo từ mũ bảo hiểm, từ đó kịp thời nhắc nhở tay đua. Thông thường, các tay đua đã có khả năng tập trung cao hơn người thường đến 40%. Nếu sử dụng thiết bị này, khả năng tập trung của họ được cải thiện thêm gần 50% so với mức bình thường của họ, vì vậy rủi ro sẽ giảm cực thấp.
Tín hiệu sóng não và các cảnh báo cần thiết sẽ được gửi đến đội hỗ trợ - (ảnh: FORD).
Nhiều người hy vọng công nghệ sẽ tiếp tục được cải tiến để mở rộng đối tượng áp dụng, ví dụ như một chiếc mũ có thể tự cảnh báo tài xế khi đọc được những ý nghĩ phân tâm.