Phôi thai lai giữa cừu và người giúp các nhà nghiên cứu tiến gần hơn đến nuôi nội tạng người trong cơ thể động vật phục vụ cấy ghép.
Các nhà khoa học tuyên bố tạo thành công loài lai người - động vật thứ hai dựa trên một đột phá gây tranh cãi vào năm 2017, theo National Geographic. Dù các phôi thai cừu chứa 0,01% tế bào người không được phép phát triển quá 28 ngày tuổi, thành tựu này giúp các nhà nghiên cứu tiến gần hơn đến mục tiêu nuôi cơ quan nội tạng người phục vụ cấy ghép y học.
Cách mỗi tiếng, 6 người Mỹ được thêm vào danh sách chờ cấy ghép nội tạng và mỗi ngày, 22 người trong danh sách qua đời. Tính riêng ở Mỹ, hơn 100.000 người cần ghép tim mỗi năm nhưng chỉ khoảng 2.000 người được hiến tặng.
Phôi thai lợn tiêm tế bào gốc người ở 4 tuần tuổi. (Ảnh: National Geographic).
Để đáp ứng nhu cầu, giới nghiên cứu đang nỗ lực mở rộng nguồn cung cấp nội tạng nhân tạo. Vài người thử in nội tạng 3D trong phòng thí nghiệm. Các nhà khoa học khác phát triển nội tạng cơ học nhân tạo. Một số đang tạo ra vật lai giữa hai loài với hy vọng có thể nuôi nội tạng người trong cơ thể lợn hoặc cừu.
Để tạo ra loài lai, các nhà nghiên cứu tách tế bào gốc của một động vật. Tế bào gốc có thể phát triển thành bất cứ loại tế bào nào trong cơ thể. Sau đó, họ tiêm tế bào gốc của một loài vào phôi thai của loài khác. Nếu ADN của phôi thai bị cắt để không phát triển thành một nội tạng cụ thể, tế bào tiêm vào sẽ là lựa chọn duy nhất để lấp đầy chỗ trống. Ví dụ, các nhà nghiên cứu có thể nuôi gan người bên trong một con lợn sống.
Năm 2017, nhóm nghiên cứu sử dụng phương pháp trên nuôi thành công tuyến tụy của chuột nhắt trong cơ thể chuột cống và chứng minh các ca cấy ghép sử dụng tuyến tụy này có thể giúp chữa bệnh tiểu đường ở chuột nhắt mắc bệnh. Không lâu sau, các nhà nghiên cứu ở viện Salk, California, Mỹ, tuyên bố họ có thể giữ cho những phôi thai lợn tiêm tế bào gốc người sống sót trong 28 ngày.
Các chuyên gia về tế bào gốc tán dương nghiên cứu người - lợn, nhưng nhấn mạnh tỷ lệ tế bào gốc người ở phôi thai lợn (khoảng 0,001%) quá thấp để cấy ghép nội tạng thành công. Tại cuộc họp thường niên năm 2018 của Hiệp hội Khoa học Cao cấp Mỹ diễn ra hôm 17/2 ở Austin, Texas, nhà nghiên cứu Pablo Ross đến từ Đại học California, Davis, tuyên bố ông và đồng nghiệp đã điều chỉnh quá trình và tăng tỷ lệ tế bào gốc ở phôi thai cừu lên 0,01%.
"Chúng tôi cho rằng tỷ lệ đó có thể vẫn chưa đủ để sản sinh nội tạng", Ross cho biết. Để cấy ghép nội tạng thành công, tế bào người phải chiếm khoảng 1% phôi thai. Để ngăn hệ miễn dịch đào thải, các nhà nghiên cứu cần tiến hành thêm nhiều bước để đảm bảo những virus động vật còn sót lại bị loại khỏi ADN của lợn hoặc cừu.
Theo Ross, nghiên cứu có thể được đẩy nhanh nếu có ngân sách cao hơn. Ross và đồng nghiệp thừa nhận bản chất gây tranh cãi của nghiên cứu nhưng nhấn mạnh họ đang tiến hành một cách cẩn trọng.