NASA chụp được cảnh "tia lửa cuồng nộ" từ Mặt trời bắn trúng Trái đất

  •  
  • 476

Đài quan sát Động lực học Mặt trời (SDO) của NASA đã chụp được những hình ảnh gây rúng động về cách một tia lửa cuồng nộ từ Mặt trời chuẩn bị bắn phá Trái đất.

Theo Live Science, SDO - bản thân là một tàu vũ trụ đang bay quanh Mặt trời ở độ cao 36.000km - đã chụp lại ngọn lửa được phân loại vào loại M, tức cường độ trung bình, nêu trên. Đây chính là tia lửa gây sự cố mất sóng vô tuyến vừa qua.

NASA cho biết những ảnh gốc mà SDO thu được có độ phân giải cao gấp 10 lần so với hình ảnh truyền hình độ nét cao, cung cấp nhiều chi tiết thú vị và sống động để các nhà khoa học nghiên cứu về ngôi sao mẹ cuồng nộ của chúng ta.

Tia lửa trong hình ảnh tàu vũ trụ SDO của NASA chụp đượ
Tia lửa trong hình ảnh tàu vũ trụ SDO của NASA chụp được chính là thủ phạm của một vụ mất sóng vô tuyến vào cuối tuần qua. (Ảnh: SDO/NASA)

Trong chùm ảnh mới nhất được tô màu để mắt người dễ nhận diện, có thể thấy tia lửa rực rỡ với ánh sáng ở phần cực tím của quang phổ, cho thấy nó có nhiệt độ cực cao.

"Pháo sáng" lớp M là một tia năng lượng khá mạnh, là cú bắn đột ngột mang bức xạ điện từ bùng nổ từ Mặt trời di chuyển với tốc độ ánh sáng đến mục tiêu không may - ở đây là Trái đất.

Cơ quan Khí quyển và đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA) đã xếp nó cụ thể hơn là loại M.96, có nghĩa là không còn quá xa để trở thành loại mạnh nhất X-class.

Tia lửa từ Mặt trời rực cháy ở một góc thiên thể trong bức ảnh toàn cảnh
Tia lửa từ Mặt trời rực cháy ở một góc thiên thể trong bức ảnh toàn cảnh - (Ảnh: SDO/NASA).

Cũng theo NOAA, tia lửa mà NASA chụp được đã gây ra một vụ mất sóng vô tuyến khi nó chạm vào Trái đất. Sóng vô tuyến truyền đi trên hành tinh chúng ta bằng cách phát ra các hạt đến với tầng điện ly trên rồi trở ngược về Trái đất. Nhưng ngọn lửa Mặt trời này đã tích điện lên tầng điện ly thấp hơn, khiến sóng vô tuyến bị mất năng lượng khi đi qua, bị bầu khí quyền nuốt mất.

Loại mất điện này chủ yếu ảnh hưởng đến liên lạc hàng không và hàng hải hay các đài phát sóng vô tuyến ngắn khác. Quá trình ion hóa cũng có thể làm gián đoạn việc truyền tín hiệu từ các vệ tinh dẫn đường, ví dụ như các vệ tinh của mạng GPS Mỹ.

Tia lửa mới nhất này được sinh ra từ vết đen Mặt trời mang số hiệu 2975, được đánh giá là phức tạp về mặt từ tính và đã bắn ra tổng cộng 20 tia lửa cuồng nộ chỉ trong tuần qua. Một vài tia lửa đi kèm với một vụ phóng ra khối lượng đăng quang (CME).

CME đi đến Trái đất chậm hơn các tia lửa thông thường nhưng như một quả bom nổ chậm, phá vỡ từ trường của hành tinh, kích hoạt cực quang tuyệt đẹp. Tuần qua, cực quang đã xuất hiện vào đêm thứ tư và sáng sớm thứ năm ở Canada, các vùng phía Bắc của Mỹ và ở New Zealand.

Cập nhật: 04/04/2022 Theo NLĐ
  • 476