Ngôi sao giảm sáng bất thường có thể do mây bụi

  •  
  • 1.024

Các nhà nghiên cứu cho rằng bụi có thể là nguyên nhân khiến sao Tabby, còn gọi là KIC 8462852, giảm sáng.

Nhóm nghiên cứu của giáo sư Tabetha Boyajian tại Đại học Lousiana phát hiện, bụi có thể là nguyên nhân khiến sao Tabby, còn gọi là KIC 8462852, giảm sáng bất thường, Live Science hôm 3/1 đưa tin.

Sao Tabby cách Trái đất khoảng 1.500 năm ánh sáng, lớn hơn và nóng hơn một chút so với Mặt Trời. Năm 2015, ngôi sao thu hút nhiều sự chú ý khi giáo sư Boyajian cùng các đồng nghiệp phát hiện nó có chu kỳ giảm sáng khác thường, giảm sáng tới 22% và kéo dài nhiều ngày mỗi lần. Một nghiên cứu khác cho thấy, ngôi sao cũng giảm sáng khoảng 20% từ năm 1890 - 1989.

Sao Tabby có chu kỳ giảm sáng kỳ lạ.
Sao Tabby có chu kỳ giảm sáng kỳ lạ. (Ảnh: NASA/JPL-Caltech).

Các nhà khoa học đưa ra nhiều giả thuyết để giải thích hiện tượng này, từ các mảnh vỡ sao chổi di chuyển quanh Tabby, một đám mây bụi khổng lồ chắn giữa Trái đất và ngôi sao này, đến siêu cấu trúc hút năng lượng của người ngoài hành tinh.

"Bụi có thể là lý do phù hợp nhất cho việc ánh sáng của sao Tabby tăng lên hay giảm đi. Dữ liệu mới cho thấy, những ánh sáng màu sắc khác nhau bị chặn ở mức độ khác nhau. Do đó, thứ di chuyển giữa Trái Đất với ngôi sao này không phải là một vật thể đục như một hành tinh hay siêu cấu trúc của người ngoài hành tinh", giáo sư Boyajian cho biết.

Trong nghiên cứu mới, bà cùng các đồng nghiệp quan sát ngôi sao từ tháng 3/2016 - 12/2017, sử dụng các kính viễn vọng của Đài quan sát Las Cumbres. Họ phát hiện và phân tích 4 đợt giảm sáng diễn ra vào hè năm ngoái.

Kết quả nghiên cứu phù hợp với những phát hiện mà một nhóm chuyên gia khác thu được cuối năm 2017. Nhóm chuyên gia này cho rằng có thể tồn tại một đám mây bụi bay quanh sao Tabby, hoàn thành một vòng trong 700 ngày.

Tuy nhiên, các nhà khoa học vẫn cần nghiên cứu thêm về sao Tabby. Bụi có thể là lý do phù hợp cho sự giảm sáng khác thường của Tabby, nhưng không phải khả năng duy nhất.

"Nghiên cứu mới nhất loại trừ khả năng về siêu cấu trúc của người ngoài hành tinh, nhưng có thể một hiện tượng khác là nguyên nhân đằng sau sự giảm sáng", Jason Wright, nhà thiên văn tại Đại học Bang Pennsylvania, đồng tác giả cuộc nghiên cứu, cho biết.

"Một số giả thuyết khác bao gồm vật chất xung quanh ngôi sao như sao chổi, giả thuyết ban đầu mà nhóm nghiên cứu của Boyajian đưa ra, cũng có vẻ phù hợp với dữ liệu chúng tôi có. Tuy nhiên, một số nhà thiên văn ủng hộ quan điểm cho rằng không có vật chắn nào mà ngôi sao tự giảm sáng. Điều này cũng phù hợp với dữ liệu thu được hồi mùa hè", ông nói thêm.

Cập nhật: 05/01/2018 Theo VNE
  • 1.024