Một ngọn núi gần biên giới bang Montana - Wyoming (Mỹ) từng di chuyển 100 km chỉ trong 30 phút trong một thảm họa kinh hoàng có thể lặp lại ở những nơi khác trên thế giới, các nhà khoa học tiết lộ.
Đá trên đỉnh của núi Heart già hơn 250 triệu năm so với chân của nó. Điều đó chứng tỏ đỉnh và chân núi không phải lúc nào cũng gắn với nhau. Sự dịch chuyển mãnh liệt tới vị trí hiện nay đã làm bối rối các nhà khoa học trong nhiều năm. Họ biết rằng ngọn núi rời chỗ, nhưng không ai giải thích được chuyện đó đã xảy ra như thế nào và trong bao lâu.
|
Núi Heart, trên ảnh, bắt đầu hình thành cùng với rặng núi Absaroka nằm ở phía Tây khoảng 50 triệu năm trước. (Ảnh: NASA) |
Một giải thích mới đến từ lòng đất, nơi dung nham sôi lên bề mặt và đẩy đất đá trên đường của nó đi nhanh một cách đáng kinh ngạc.
Einat Aharonov, nhà địa vật lý tại Viện khoa học Weizmann đã sử dụng một mô hình máy tính để mô tả trạng thái bên dưới núi Heart 50 triệu năm trước. Thời kỳ này là một trong những giai đoạn hình thành núi với nhiều vụ phun trào núi lửa.
Họ nhận thấy núi Heart có một lượng lớn các vết đứt gãy thẳng đứng (hay các rãnh dọc). Các rãnh dọc này chứa đầy dung nham, dâng lên qua một lớp đá vôi bão hoà nước.
Dung nham từ các rãnh xâm nhập vào lớp đá bão hoà nước, khiến cả đá và nước đều sôi lên. Lớp nước này bị giữ lại, và giống như trong một nồi áp suất, nhiệt càng tăng thì áp suất càng cao. Vì nằm kẹp giữa các lớp đá không thấm, nên nước sôi không thể thoát ra được. Cuối cùng, sức ép đã khiến nó nhấc bổng lớp đá, và ngọn núi bắt đầu trượt.
"
Chúng tôi nghĩ rằng cú trượt này phải rất kinh hoàng. Theo tính toán, sự chuyển dịch chỉ diễn ra trong chưa đầy 30 phút", Aharonov nói.
Núi Heart không phải là ngọn núi duy nhất có thể dịch chuyển. Aharonov cảnh báo rằng do nằm trên một mặt của núi lửa, quần đảo Canary cũng có thể sẽ sớm bò đi, đe doạ gây ra một trận sóng thần lớn.
T. An