Những bí ẩn trong lòng đại dương

  •  
  • 8.750

Các nhà khoa học Trường đại học Hawaii (UH) mới đây tuyên bố họ đã chứng kiến một quang cảnh chưa từng thấy: nhìn thấy những con hàu đá dài 30 centimét, sò hến khổng lồ, miệng núi lửa, tháp khoáng vật và những bọt khí CO2 tuôn ra thành cột từ dưới những núi lửa đại dương như thể người ta khui rượu sâm banh vậy.

Giám đốc nghiên cứu Alex Malahoff thuộc Phòng thí nghiệm nghiên cứu dưới biển tại Hawaii (HURL) mô tả cho tờ Star Bulletin những phát hiện gây bất ngờ này của nhóm trong cuộc hành trình về cội nguồn của Darwin dài 5 tháng. Chuyến du khảo ấy nằm trong đợt lặn sâu khảo sát 13 núi lửa ngầm còn hoạt động từ đảo Samoa thuộc Mỹ đến New Zealand.

Đề cập đến việc phân tích khối lượng lớn những dữ liệu khoa học thu thập được từ những miệng núi lửa chưa từng biết đến trong “Chuyến khảo sát vành đai lửa dưới biển Mỹ, New Zealand"  - nhà khoa học và cũng là chuyên gia lặn khảo sát cừ khôi ấy nói - “Giờ đây, đối với chúng tôi như bắt đầu một nguồn vui mới. Tôi xem chuyến khảo sát này là quan trọng nhất trong cả cuộc đời mình. Điều đáng nói nhất là chuyến đi đã thành công tốt đẹp”.

Có thể tìm thấy vô số cua và hàu hến ở miệng núi lửa Monowai


Từ các mẫu vật thu thập được, chuyên gia vi sinh học Maqsudul Alam thuộc UH đã nhận diện được 27 loài vi khuẩn mới gọi là extremophile, tức họ vi khuẩn sống trong những điều kiện cực kỳ khắc nghiệt như các khu vực địa nhiệt và thủy nhiệt. Các công ty và các ngành công nghiệp dược rất quan tâm đến những vi sinh vật này vì tiềm năng sử dụng cho phát triển dược phẩm, mỹ phẩm và các sản phẩm mới khác. Các nhà khoa học từ 6 viện nghiên cứu ở Đức, New Zealand, Hawaii... đã khảo sát các miệng núi lửa (dưới đại dương) trên một tuyến dài 1.600 kilômét từ Samoa đến New Zealand.

Terry Kerby, Giám đốc điều hành HURL kiêm Trưởng nhóm hoa tiêu thực hiện các cuộc lặn tiên phong và chưa từng gặp trở ngại, cho biết: “Trong 27 năm làm thợ lặn, tôi thấy đây thực sự là khoảnh khắc đem lại sự hào hứng nhất. Mỗi chuyến lặn vào lòng đại dương thực sự là một chuyến khảo sát đúng nghĩa. Mỗi miệng núi lửa đều như vỗ vào mắt chúng tôi một cảnh quan thực sự ngạc nhiên và đầy thú vị
”.

Con tàu mẹ Ka'imikai-O-Kanaloa rời Hawaii ngày 18/3/2005 với 2 tàu lặn Pisces 4 và Pisces 5, rồi quay về hôm 5/8/2005 cùng với các nhà khoa học gọi chuyến du khảo 1.600 kilômét này là tuyệt đỉnh thành công. Nhóm khoa học gia quốc tế này đã thu thập rất nhiều mẫu vật để nghiên cứu về địa chất, hóa học, sự hình thành khoáng vật, các miệng thủy nhiệt (hydrothermal vents) và vi sinh vật extremophile trước khi so sánh với các miệng núi lửa Nam Thái Bình Dương xưa nay chưa từng khảo sát.

Alex Malahoff chọn năm nghỉ phép năm 2002 tại UH để sang làm Giám đốc điều hành Viện Khoa học hạt nhân và Địa chất ở Wellington, New Zealand. Ông thường xuyên tổ chức các cuộc lặn khảo sát phối hợp với các viện, cơ quan nghiên cứu và các nhà tài trợ, với tổng kinh phí hoạt động vào khoảng 3,5 triệu đôla Mỹ (công lớn nhất thuộc các chương trình từ Bộ Khí quyển và Đại dương quốc gia, và những nhà khoa học Đức, New Zealand).

Malahoff tin rằng chuyến khảo sát lần này là bằng chứng về một con tàu đã vượt ra khỏi khuôn khổ của nó ở Hawaii, chứng tỏ rằng chúng ta có thể thực hiện khảo sát bằng cách "phóng ra khỏi giới hạn đại dương phía nam để sang thế giới bên kia". Do những nguy hiểm khôn lường của địa hình núi lửa mới khảo sát lần đầu, hai thợ lặn dẫn đường phải chia ra, mỗi người lặn khảo sát cùng một tổ chức khoa học quốc tế.

Kerby cho biết 18 năm lặn ở Loihi – một miệng núi lửa ngoài khơi Đảo Lớn – là cuộc tập dượt quy mô hầu chuẩn bị cho chuyến lặn khảo sát mở rộng, lần đầu tiên có quy mô quốc tế và đa ngành, đến những miệng núi lửa xa ngàn dặm. Ông cho biết cho đến nay họ hoàn tất 61 cuộc lặn khoa học ở độ sâu đến 1.524 mét dưới đại dương, kể cả 41 cuộc lặn đến những miệng núi lửa hầu như không thể thấy từ tàu lặn nhỏ.

Nhiệt độ miệng thủy nhiệt trên các núi lửa vành đai đảo Kermadec vào khoảng 400-600 độ F. Các trầm tích lưu huỳnh nhiều vô kể trên miệng núi lửa giúp tập hợp sự sống sinh động quanh chúng, chẳng hạn họ thấy có hàng ngàn con tôm, hàu hến, trùng ống... Ông cho rằng, các núi lửa dưới đại dương là một trong nhiều nhân tố vĩ đại nhất đưa khí nóng nhà kính lên bầu khí quyển, thông qua khí CO2 (trước đó bị tống vào nước biển) bốc hơi.

Các nhà nghiên cứu cho rằng các miệng núi lửa từ Samoa đến New Zealand tạo thành “một phòng thí nghiệm dưới nước tự nhiên và lớn nhất thế giới”, có khả năng nhân rộng các mô hình tương tự trên các hành tinh khác. Tháng 10/2005, các nhà khoa học đã cùng nhau ngồi lại thảo luận về những phát hiện mới và sẽ lập kế hoạch cho chuyến khảo sát tiếp theo. Quyền Giám đốc HURL John Witshire cho biết: “Chúng tôi đã nghĩ đến việc thăm lại các miệng núi lửa này trong vòng 3 năm nữa, bởi vì chúng quá hấp dẫn”.

"Hiểm họa lớn nhất mà các tàu lặn nhỏ có thể gặp phải là vướng hoặc mắc lưới cá hay các đường dây cáp" John Witshire nói - ngầm nhắc lại thảm họa gần đây của một tàu ngầm Nga bị vướng dây cáp dưới biển, may là tất cả thủy thủ được các đồng nghiệp Anh cứu thoát và bình an vô sự. Ông nói, theo mong đợi, chuyến xuất hành thứ hai HURL sẽ chuẩn bị cả lực lượng cứu hộ riêng.

Lệ Đào

Theo Thiên Nhiên VN/Báo CAND
  • 8.750