Một nhóm các nhà nghiên cứu dữ liệu từ Đài quan sát thiên văn Chandra của NASA đã phát hiện ra ánh sáng tia X đến từ sao Diêm Vương (Pluto). Phát hiện này cho thấy một sự tương tác phức tạp giữa bầu khí quyển bị rò rỉ của Pluto và gió mặt trời.
Kể từ khi không còn được xem là một hành tinh, sao Diêm Vương vẫn luôn dành được sự ưu ái trong nhiều nghiên cứu từ các nhà khoa học. Những phát hiện từ tàu thăm dò New Horizons và các công trình khác về hành tinh lùn này mang đến những kết quả hết sức bất ngờ, lý thú.
Các nhà thiên văn đã hợp tác với đài thiên văn vĩ đại nhất Chandra của NASA và chứng kiến được khoảnh khắc hành tinh lùn yêu thích nhất của chúng ta, sao Diêm Vương phát ra tia X. Đây là lần đầu tiên một vật thể trong vành đai Kuiper làm được điều này.
Phát hiện kỳ lạ này có thể giúp các nhà nghiên cứu tìm hiểu thêm về bầu khí quyển của sao Diêm Vương cũng như của các đối tượng khác tại mỗi vành đai của Hệ Mặt trời.
Carey Lisse, trưởng nhóm nghiên cứu từ trường đại học Johns Hopkins cho biết: "Chúng tôi phát hiện được lần đầu tiên, tia X phát ra từ một vật thể trong vành đai Kuiper và biết rằng Pluto đang tương tác với gió Mặt Trời trong một tình huống bất ngờ và tràn đầy năng lượng. Chúng tôi đang mong đợi một vật thể khác lớn hơn trong vành đai Kuiper lặp lại điều này".
Nhóm nghiên cứu đã ý thức được sự xuất hiện của tia X từ năm 2015 trong hành trình thực hiện sứ mệnh New Horizons.
Khoảnh khắc đài thiên văn Chandra chụp được sao Diêm Vương phát ra tia X. (Ảnh: NASA).
Khi tiếp cận các hành tinh xa xôi, nằm ở điểm xa nhất, khoảng 7,5 tỷ km tính từ Trái Đất, các nhà thiên văn từ đài Chandra đã quan sát Pluto tại bốn thời khắc khác nhau từ tháng 2/2014 đến tháng 8/2015 và đều tìm thấy bằng chứng về sự hiện diện của tia X trong mỗi lần đó.
Đây là một phát hiện vô cùng kinh ngạc, bởi khác với Trái Đất và các thiên thể khác trong Hệ Mặt Trời, sao Pluto thiếu đi từ trường và lại nằm cách xa Mặt Trời. Đây là hai yếu tố chủ yếu để một vật thể có thể phát ra tia X.
Scott Wolk, thành viên nhóm nghiên cứu đến từ Trung tâm Vật lý Thiên văn Harvard-Smithsonian phát biểu: "Trước khi chúng tôi quan sát được hiện tượng này, các nhà khoa học đã nghi ngờ về việc Pluto có thể phát ra tia X và do đó một cuộc tranh luận đã nổ ra, đặt dấu chấm hỏi về việc liệu đài thiên văn Chandra có nên quan sát lại Pluto một cách tổng thể hay không. Trước Pluto, vành nhẫn và đĩa của sao Thổ nằm xa Hệ Mặt Trời cũng đã phát ra tia X".
Bất chấp những nghi ngờ từ các nhà khoa học, trưởng nhóm Lisse cho biết các nghiên cứu trước đó đã từng đặt ra giả thuyết rằng khối khí bao quanh một hành tinh có thể tương tác với hạt điện tích trong gió Mặt Trời để tạo ra tia X. Giả thuyết này giờ đây đã được hỗ trợ bởi đài quan sát thiên văn nổi tiếng Chandra.
Tuy vậy, điều kì lạ ở đây là sao Pluto lại phát ra nhiều tia X hơn so với một vật thể chỉ có khối khí bao quanh và lại tồn tại cách xa Mặt Trời đến như vậy.
Hiện tại, vẫn còn khá nhiều điều cần tìm hiểu và xem xét kỹ lưỡng trước khi đưa ra kết luận cuối cùng, nhóm nghiên cứu cho rằng có thể lượng tia X được tạo ra bởi các từ trường liên hành tinh. Chúng đẩy các hạt năng lượng Mặt Trời hướng về phía sao Diêm Vương, dẫn đến tia X phát ra nhiều như dự đoán. Một giả thuyết nữa được đặt ra là có thể tồn tại dấu vết các khối khí phía sau các hành tinh lùn mà sứ mệnh New Horizons đã bỏ lỡ.
Các nhà nghiên cứu về thiên văn đang nỗ lực thực hiện những công trình nghiên cứu sâu hơn nhằm tìm hiểu bản chất thực sự của việc Pluto phát ra tia X và hy vọng có thể tìm thấy bằng chứng các hành tinh khác trong vành đai Kuiper có thể phát ra loại tia này ngoài Pluto.