Phát hiện chớp gamma mạnh nhất gần Trái đất

  •  
  • 240

Các nhà thiên văn học phát hiện chớp gamma mang năng lượng lên tới 18 teraelectronvolt ở gần Trái đất hôm 9/10.

Chớp gamma mới phát hiện mang tên GRB221009A là trường hợp mạnh nhất từng được quan sát, giải phóng 18 teraelectronvolt năng lượng. Các nhà khoa học vẫn đang phân tích kết quả đo, nhưng nếu phát hiện được xác nhận, đây sẽ là chớp gamma đầu tiên mang năng lượng hơn 10 teraelectronvolt. GRB221009A đến từ hướng chòm sao Sagitta và có thể quan sát bằng kính viễn vọng trong hơn 10 giờ, nằm trong số những chớp gamma dài nhất từng được ghi nhận.

Chớp gamma mang năng lượng mạnh nhất trong vũ trụ.
Chớp gamma mang năng lượng mạnh nhất trong vũ trụ. (Ảnh: NASA/ESA)

Chớp gamma được phát hiện tình cờ bởi vệ tinh quân sự của Mỹ vào thập niên 1960, nhiều khả năng được tạo ra khi ngôi sao khổng lồ phát nổ vào cuối vòng đời trước khi sụp đổ thành hố đen, hoặc khi xác sao siêu đặc gọi là sao neutron va chạm. Trong vòng vài giây, những vụ nổ này giải phóng năng lượng tương đương năng lượng Mặt Trời phát ra trong suốt vòng đời 10 tỷ năm.

Đầu tiên, độ mạnh của chớp gamma khiến những nhà thiên văn học bối rối. Họ cho rằng nó phải được tạo ra bởi một nguồn tương đối gần. Ban đầu, họ cũng cho rằng năng lượng đến dưới dạng tia X thay vì tia gamma. Phân tích sau đó về tín hiệu xác nhận trên thực tế đó là chớp gamma đến từ một nguồn cách 2,4 tỷ năm ánh sáng. Dù không quá gần, chớp gamma này vẫn là trường hợp gần nhất từng được quan sát.

Dù nằm ở khoảng cách an toàn với Trái đất, chớp gamma có thể gây ra thảm họa nếu ở gần hơn. Trong phạm vi vài nghìn năm ánh sáng từ Trái đất, chớp gamma như vậy có thể khiến hành tinh mất đi tầng ozone bảo vệ và gây tuyệt chủng hàng loạt. Giới nghiên cứu cho rằng một trong những sự kiện tuyệt chủng lớn nhất trong lịch sử Trái đất ở kỷ Ordovic xảy ra cách đây 450 triệu năm có thể do chớp gamma gây ra, theo NASA.

Dù GRB221009A ở gần Trái đất hơn 20 lần chớp gamma thông thường, nó không gây lo ngại cho các nhà thiên văn. "Sự kiện này ở rất gần và mang năng lượng cao, có nghĩa ánh sáng vô tuyến, quang học, tia X và tia gamma mà nó tạo ra cực kỳ sáng và dễ quan sát. Vì vậy, chúng tôi có thể nghiên cứu chớp gamma này với nhiều kính viễn vọng lớn và nhỏ gtreen khắp thế giới, thu thập bộ dữ liệu đầy đủ khi nó lóe sáng và mờ dần đi sau đó", Gemma Anderson, nhà thiên văn học ở Đại học Curtin, Australia, cho biết.

Theo các nhà nghiên cứu, GRB221009A dường như là một chớp gamma dài nhưng họ không rõ nguyên nhân dẫn tới sự ra đời của nó. Nhiều kính viễn vọng trên mặt đất và trong quỹ đạo Trái đất đang hướng về thiên hà mà chớp gamma xuất hiện. Những thiết bị này sẽ tìm cách quan sát ánh sáng tạo bởi vụ nổ ở nhiều bước sóng hết mức có thể để xác định nguồn gốc của nó. Kết quả quan sát ban đầu được công bố hôm 9/10 trên tạp chí Astronomer's Telegram.

Cập nhật: 17/10/2022 VnExpress
  • 240