Phát hiện mới về vụ nổ siêu tân tinh từ kính viễn vọng James Webb

  •  
  • 302

Kính viễn vọng James Webb giúp các nhà khoa học thu được hình ảnh ấn tượng từ tàn dư của vụ nổ siêu tân tinh trẻ nhất từng được biết đến.

Tàn dư của siêu tân tinh Cassiopeia A (hay Cas A) được hình thành vào khoảng 340 năm trước. Điều này biến Cas A thành đám mây mảnh vụn siêu tân tinh trẻ nhất từng biết.

Hình ảnh chụp từ kính viễn vọng James Webb về tàn dư của vụ nổ siêu tân tinh Cas A.
Hình ảnh chụp từ kính viễn vọng James Webb về tàn dư của vụ nổ siêu tân tinh Cas A. (Ảnh: NASA/Space).

Trong công bố mới nhất, kính viễn vọng không gian James Webb thu được hình ảnh rìa ngoài là những vật chất bị siêu tân tinh thổi ra, những tấm màn màu cam và đỏ tượng trưng cho khí thải từ bụi ấm. Vật chất từ ngôi sao phát nổ bị đẩy vào bụi khí ở xung quanh, khiến nó nóng lên và phát sáng, theo Space.

Điều này giúp giới khoa học có thể nghiên cứu kỹ hơn về điều gì xảy ra khi một ngôi sao chết đi. Vật chất thoát ra từ những vụ nổ siêu tân tinh sẽ phân tán khắp thiên hà, xây dựng nên những thế hệ sao hay hành tinh tiếp theo.

Một vụ nổ siêu tân tinh cách đây 4,6 tỷ năm đã hình thành Mặt trời và các hành tinh trong hệ Mặt trời, cũng như mở đường cho sự hình thành của các nguyên tố và sinh vật sống.

Cas A cung cấp cái nhìn về giai đoạn đầu quá trình hình thành các hành tinh, do đó được các nhà thiên văn nghiên cứu kỹ lưỡng để hiểu cách những ngôi sao phát nổ.

Giới khoa học đã hiểu về quá trình các siêu tân tinh phát tán những nguyên tố tạo nên ngôi sao hay hành tinh, song họ vẫn chưa nắm rõ cách những thiên hà ban đầu lại chứa lượng lớn bụi vũ trụ. Các nhà khoa học kỳ vọng việc nghiên cứu tàn dư siêu tân tinh Cas A bằng kính viễn vọng James Webb có thể khám phá bí ẩn này.

Cập nhật: 11/04/2023 Zing
  • 302