Ảnh chụp từ kính viễn vọng quang học lớn nhất thế giới tiết lộ phần còn lại của một ngôi sao chết trong hệ sao nhị phân.
Sao lùn trắng là phần lõi còn sót lại sau khi một ngôi sao có khối lượng thấp và trung bình tiêu thụ hết nhiên liệu phản ứng hạt nhân và chết đi. Việc phát hiện những thiên thể đặc biệt này có thể cung cấp những hiểu biết chính xác về cấu trúc và sự tiến hóa của những ngôi sao giống như Mặt Trời của chúng ta.
Xung ánh sáng phát ra từ sao lùn trắng được chụp bởi máy ảnh tốc độ cao HiPERCAM. (Ảnh: Phys).
Các nhà thiên văn học từ Đại học Sheffield của Anh hôm 16/3 công bố trên tạp chí Nature Astronomy, lần đầu tiên phát hiện một ngôi sao lùn trắng bên trong hệ sao đôi, còn được gọi là hệ sao nhị phân, có tên là SDSS J115219.99 + 024814.4, bao gồm hai ngôi sao đồng hành quay quanh nhau và định kỳ che khuất nhau khi quan sát từ Trái Đất.
Ngôi sao lùn trắng này có khối lượng bằng khoảng 0,325 lần Mặt Trời. Nó có thành phần chủ yếu là helium, khác với hầu hết ngôi sao lùn trắng thông thường được tạo thành từ carbon và oxy. Nguyên nhân có thể do tác động của ngôi sao đồng hành, theo Tiến sĩ Steven Parsons, trưởng nhóm nghiên cứu từ Đại học Sheffield.
"Chúng tôi sử dụng chuyển động của hệ sao nhị phân và hiện tượng thiên thực để đo khối lượng và bán kính của ngôi sao lùn trắng, giúp xác định thành phần tạo nên nó", Parsons giải thích. "Điều thú vị là hai ngôi sao trong hệ thống nhị phân này đã tương tác với nhau trong quá khứ, dẫn đến sự chuyển vật chất qua lại giữa chúng".
Nhóm nghiên cứu đã chụp được các xung ánh sáng của thiên thể bằng máy ảnh tốc độ cao HiPERCAM gắn trên kính viễn vọng quang học lớn nhất thế giới Gran 10,4m (GTC). Trong giai đoạn tiếp theo, các nhà thiên văn học cho biết sẽ tiếp tục quan sát để ghi lại thêm các xung ánh sáng bằng cách sử dụng Kính viễn vọng không gian Hubble.