Các thiết bị bay không người lái đang ngày càng phát triển, hết sức đa dạng, phong phú, phục vụ cho nghiên cứu khoa học, quân sự, dân sự. Đến nay, các nhà khoa học đã chế tạo thành công dòng robot bay tự hành nhỏ nhất thế giới.
Ảnh: Harvard
Dòng máy bay không người lái này được gọi là robo-fly, nặng chỉ 106mg, trang bị đôi cánh vỗ như chim nhờ lớp cơ bắp điện tử. Nó đã chứng minh tính hữu dụng khi được sử dụng trong tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ vì có thể luồn lách qua khoảng trống hẹp giữa các đống đổ nát. Robo-fly còn có thể dùng để giám sát môi trường, thậm chí là thụ phấn cho cây trồng trong tương lai.
Năng lượng cung cấp cho việc hoạt động và kiểm soát robo-fly thông qua một sợi dây dẫn trọng lượng nhẹ, giúp nó hoạt động nhanh nhẹn không thua một loài côn trùng bay. Cảm biến ánh sáng hình kim tự tháp được gắn trên đầu robo-fly mô phỏng đôi mắt nhạy cảm gọi là ocelli tìm thấy ở loài ruồi, ong và những loài côn trùng khác. Với máy móc tí hon gắn kèm này, robot bay không người lái có thể nhìn được màu sắc, bên cạnh đó còn giúp điều hướng và duy trì sự ổn định trong chuyến bay. Ocelli nhân tạo gồm bốn phototransitor hàn vào bảng mạch tùy chỉnh.
Báo Daily Mail dẫn lời tiến sĩ Fuller cho biết, trong tương lai còn có thể tùy chỉnh tăng thêm số cảm biến tích hợp. Vài năm tới robo-fly sẽ có thể hoạt động không cần dây dẫn, tăng thêm tính năng thụ phấn cho cây trồng hỗ trợ số lượng bầy ong mật đang suy giảm. Cũng chính robo-fly sẽ trở thành loại máy tí hon giúp nghiên cứu sâu hơn về loài côn trùng mà người ta đã mô phỏng để chế tạo ra nó.