Số liệu khủng khiếp về những vùng biển tử thần trên các đại dương

  •   4,86
  • 2.959

Đó là những vùng biển có mật độ oxy trong nước bằng 0, gây ra thảm họa cá chết hàng loạt.

Sinh vật biển muốn tồn tại được không chỉ cần nước, mà trong nước còn phải có đủ oxy nữa. Vậy trên các đại dương, có những vùng nước mật độ oxy chỉ là con số 0 tròn trĩnh. Chúng được gọi với cái tên rất tương xứng: biển tử thần, vì sinh vật biển lọt vào đây xem như cầm chắc cái chết.

Sinh vật biển tử nạn khi lọt vào vùng biển chết.
Sinh vật biển tử nạn khi lọt vào vùng biển chết.

Và theo như một nghiên cứu mới đây, lượng nước hoàn toàn không có oxy trên các đại dương đã tăng gấp 4 lần so với 50 năm trước. Cụ thể, các đại dương đã mất thêm khoảng 2% lượng oxy hòa tan trong vòng nửa thập kỷ vừa qua.

"Oxy là thành phần chắc chắn không thể thiếu đối với sự sống trên đại dương. Và sụt oxy đang là một trong những hiện tượng nghiêm trọng nhất, gây ảnh hưởng đến môi trường và con người" - tiến sĩ Denise Breiburgh - một nhà sinh thái hải dương học tại Trung tâm nghiên cứu môi trường Smithsonian nhận xét.

Đây là số liệu do các chuyên gia từ GO2NE (Mạng lưới oxy đại dương toàn cầu) - một nhóm nghiên cứu dưới sự bảo trợ của Liên hợp Quốc đưa ra. Theo như nghiên cứu, ô nhiễm môi trườngbiến đổi khí hậu là hai nguyên nhân chính đứng sau hiện tượng này, và con người buộc phải tìm ra cách để giải quyết nó.

Tảo độc bùng nổ khiến cá chết hàng loạt.
Tảo độc bùng nổ khiến cá chết hàng loạt.

"Hiệu ứng từ biến đổi khí hậu và ô nhiễm dinh dưỡng (nutrient loading) đã khiến số lượng những vùng biển tử thần tăng lên tại các đại dương và vùng nước lớn. Tại đây, nồng độ oxy là quá thấp để hỗ trợ sự sống" - tiến sĩ Vladimir Ryabinin, thư ký Hiệp hội Hải dương học Quốc tế, nơi hình thành nên GO2NE chia sẻ.

Ô nhiễm dinh dưỡng là khái niệm chỉ sự quá trình cống thải và đường dẫn nước của con người mang theo quá nhiều chất dinh dưỡng, khiến tảo phát triển bùng nổ, tạo ra hiện tượng "thủy triều đỏ". Tảo hình thành rồi chết đi, còn các loại vi khuẩn dùng để phân hủy chúng sẽ hút sạch oxy trong nước.

Thêm vào đó, quá trình Trái đất nóng lên cũng khiến oxy khó lòng hòa tan vào nước. Biển càng ấm, oxy càng thoát ra nhiều, và thảm họa hủy diệt hàng loạt với các sinh vật biển sẽ xảy ra.

Biển tử thần sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các ngành công nghiệp của con người.
Biển tử thần sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các ngành công nghiệp của con người.

Ngoài ra, do các vùng biển tử thần không thể hỗ trợ sự sống, sinh vật biển sẽ trốn khỏi đó. Điều này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình phân bổ sinh học.

Nhưng chưa hết, ngay cả tại các khu vực nơi quá trình sụt giảm oxy chưa đến mức quá nghiêm trọng, hậu quả để lại cũng rất khó lường. Các loài sinh vật biển sẽ không chết, nhưng chúng phát triển chậm hơn, kích thước nhỏ lại, và chẳng thể sinh sản.

Các chuyên gia cảnh báo rằng, việc oxy trong các đại dương biến mất dần sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp đến con người nữa.

"Các ngành giải trí, du lịch, nhà hàng, khách sạn, thậm chí cả dịch vụ taxi... sẽ bị tổn hại nặng nề" - Tiến sĩ Lisa Levin, một trong những tác giả nghiên cứu đến từ Viện Hải dương học Scripps cho biết.

Còn theo Lyndsey Dodds - giám đốc chính sách hải dương thuộc Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên WWF: "Đây là một áp lực rất lớn đối với các đại dương trên Trái đất. Chúng ta đã nghe đủ về ô nhiễm rác nhựa trên biển, các hành vi khai thác cá quá mức. Giờ đây lại có thêm một vấn đề đang chưa nhận được sự quan tâm đúng mực, dù hậu quả gây ra thì rất tồi tệ".

Tuy nhiên, dù số liệu đáng lo ngại, các chuyên gia vẫn rất lạc quan. "Đây là vấn đề con người có thể xử lý" - trích lời tiến sĩ Breitburg. "Việc ngăn ngừa quá trình biến đổi khí hậu cần đến cả nhân loại, nhưng chỉ cần chính quyền địa phương chung tay là cũng đủ để tạm xử lý ô nhiễm dinh dưỡng rồi".

Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Science.

Cập nhật: 06/01/2018 Theo helino
  • 4,86
  • 2.959