Hai người phụ nữ trong cuộc đời Albert Einstein

  •   1,33
  • 3.682

Từ những người bạn thân thiết và có chung niềm đam mê, Mileva Maric kết hôn và trở thành vợ đầu tiên của nhà vật lý nổi tiếng Albert Einstein. Cô em họ Elsa Lowenthal trở thành người bạn đời thứ hai của ông, đóng vai trò cộng sự và đồng hành đáng tin cậy.

Mileva Einstein-Maric sinh năm 1875 tại thị trấn Titel, Serbia, xuất thân trong một gia đình giàu có. Thời niên thiếu, vì có thành tích học tập tốt nên bà được phép theo học tại một ngôi trường chỉ có nam sinh ở Zagreb. Maric được mô tả là một học sinh xuất sắc ở các môn toán và vật lý. Năm 1896, Maric bắt đầu theo học tại Đại học Zurich, Thụy Sĩ trong một thời gian ngắn rồi chuyển sang Đại học Bách khoa Zurich (tiền thân của Viện Công nghệ Liên bang Thụy Sĩ hay ETH ngày nay). Trong số bạn bè ở trường đại học của Maric có Albert Einstein.

Trong thời gian học đại học, Maric từng có một kỳ học tập tại Heidelberg, Đức. Đây cũng là khoảng thời gian Maric bắt đầu trao đổi thư từ với Einstein, người từng đặt cho bà biệt danh "Dollie" và giục bà sớm quay trở về. Tình bạn đơn thuần bước sang một giai đoạn mới, sau khi Maric quay lại Thụy Sĩ.

Trong khi gia đình Maric ủng hộ mối quan hệ của hai người, thì cha mẹ của Einstein lại kiên quyết phản đối. Họ không ủng hộ việc Maric nhiều hơn Einstein 4 tuổi, đồng thời lại là người theo tôn giáo và đến từ một nền văn hóa khác.

Hai người phụ nữ trong cuộc đời Albert Einstein
Mileva Maric và Albert Einstein. (Ảnh: Wikipedia)

Tình yêu của Einstein và Maric tiếp tục nảy nở những ngày tháng sau đó. Tuy nhiên đây lại là thời điểm Maric gặp phải nhiều khó khăn trong học tập và nghiên cứu. Năm 1900, khi Einstein tốt nghiệp và bắt đầu tìm việc thì Maric thất bại trong kỳ thi cuối cùng, buộc phải làm việc cho một phòng thí nghiệm và chuẩn bị thi lại. Thế nhưng một lần nữa, những nỗ lực của bà lại không thành công. Trong khoảng thời gian này, bà phát hiện mình mang thai đứa con với Einstein.

Đầu năm 1902, Maric sinh con gái đầu lòng tại nhà bố mẹ đẻ ở Serbia. Tuy nhiên, cô con gái Lieserl không có thân phận rõ ràng. Về cơ bản, các hồ sơ liên quan đến Lieserl biến mất sau khi sinh. Nhiều câu chuyện kể lại rằng Lieserl đã được nhận làm con nuôi ở một gia đình khác. Lần cuối cùng tin tức về Lieserl được đề cập là năm 1903, khi thông tin trong một lá thư nói rằng cô bé đã mắc bệnh sốt ban đỏ.

Kết hôn

Einstein và Maric đoàn tụ năm 1903. Họ kết hôn tại thành phố Bern, Thụy Sĩ. Một năm sau, họ chào đón cậu con trai Hans Albert. Người con thứ ba của họ chào đời năm 1910, được đặt tên là Eduard.

Einstein trở thành giáo sư tại ETH vào năm 1912. Trong khoảng thời gian này, Einstein bắt đầu mối quan hệ với em họ là Elsa Lowenthal. Năm 1914, Einstein đến Berlin. Maric và hai con theo chồng đến đây, nhưng rồi sớm quay lại Thụy Sĩ. Einstein yêu cầu ly hôn năm 1916, quyết định ly dị chính thức có hiệu lực ba năm sau đó. Theo thỏa thuận, Maric được nhận số tiền thưởng của giải Nobel khi Einstein nhận giải thưởng cao quý này vào năm 1921.

Cuộc sống của Maric sau khi ly hôn với Einstein gặp khá nhiều khó khăn. Bà trông nom một nhà trọ và dạy học để kiếm sống. Mọi thứ dường như đổ sụp trước mắt khi con trai Eduard bị suy nhược thần kinh vào năm 1930. Sau khi được chẩn đoán mắc chứng tâm thần phân liệt, Eduard phải sống trong các cơ sở từ thiện, còn anh trai Hans Albert chuyển đến Mỹ cùng gia đình vào năm 1938. Mileva Einstein-Maric qua đời 10 năm sau đó.

Cô em họ - người vợ thứ hai

Elsa Lowenthal là em họ xa của Einstein, sinh ngày 18/1/1876 tại thành phố Ulm, Đức. Tình cảm giữa hai người trở nên thất thiết và gần gũi hơn từ khoảng năm 1912, mặc dù lúc này Einstein đã kết hôn với Maric. Trước đó, Elsa từng kết hôn và ly dị. Bà có hai con gái là Ilse và Margo.

Hai người phụ nữ trong cuộc đời Albert Einstein
Elsa Lowenthal cùng Albert Einstein. (Ảnh: Wikipedia)

Elsa được coi là người trợ lý, người đồng hành đáng tin cậy bên cạnh Einstein. Năm 1917, bệnh tình của nhà vật lý nổi tiếng có dấu hiệu nặng hơn, Elsa là người bên cạnh và chăm sóc giúp ông khỏe mạnh trở lại. Hai người kết hôn ngày 2/6/1919.

Khi tên tuổi của Einstein ngày càng được biết đến nhiều hơn trong giới khoa học, Elsa là người bên cạnh ông trong nhiều chuyến đi đến khắp nơi trên thế giới. Họ từng đến Mỹ năm 1921, cùng năm ông nhận giải Nobel Vật lý. Elsa đóng vai trò hỗ trợ cho sự nghiệp nghiên cứu của Einstein, giúp quản lý công việc hàng ngày cho đến năm 1928. Thậm chí sau khi ông có thư ký mới, Elsa vẫn tiếp tục là người đồng hành không mệt mỏi của chồng.

Sau khi đảng Quốc xã lên nắm quyền, mọi thứ bắt đầu trở nên khó khăn với Einstein. Ông từng lên tiếng phản đối đảng Quốc xã vì chính sách chống người Do Thái. Năm 1933, khi cùng Elsa đến các nước khác, Einstein phát hiện nhà của họ bị lục soát, tài sản sau đó bị chiếm giữ. Nhận thấy không thể quay trở lại Đức, Einstein quyết định ở lại Mỹ. Tại đây, Einstein trở thành giáo sư về vật lý lý thuyết tại Viện Nghiên cứu Princeton, bang New Jersey.

Elsa biết tin cô con gái Ilse bị ung thư một năm sau đó và đến Paris để ở bên cạnh con trong những ngày tháng cuối cùng. Không lâu sau cái chết của Ilse, Elsa gặp các vấn đề về tim và phổi. Ngày 20/12/1936, bà qua đời trong ngôi nhà tại Princeton.

 Tiêu đề đã được khoahoc.tv đổi lại.

Theo Vnexpress
  • 1,33
  • 3.682