Nhà nổi tránh sóng thần

  •  
  • 1.985

Sau thảm họa sóng thần hồi tháng 3/2011 ở Nhật Bản, nhà thiết kế Chris Robinson quyết định tạo ra một kiến trúc để có thể đảm bảo cho ông và gia đình có thể sống sót nếu cơn sóng thần tương tự xảy ra ở quê hương ông là Palo Alto, California (Mỹ).

Nhà nổi tránh sóng thần
Ảnh: Tsunamiball.com

Sau vài năm vừa thiết kế vừa thi công, kiến trúc có tên gọi Tsunamiball của Chris Robinson đã sắp hoàn thành. Dù trước đây không có kinh nghiệm đóng thuyền nhưng Robinson đã làm được Tsunamiball, vừa giống một chiếc thuyền vừa có hình dáng như một quả trứng. Qua những cuộc trò chuyện với bạn bè về lũ lụt, sóng thần và ý tưởng làm sao để gia đình tránh thoát thảm họa, cuối cùng Robinson đã thiết kế thiết bị nổi này.

Kiến trúc trên thực tế có kích cỡ 6 x 3 x 2,5m. Vật liệu chủ yếu là ván ép, vỏ thân dày 6,4cm, được bao thêm lớp vỏ bọc polyester chống mài mòn và gia cố thêm epoxy để tạo cho lớp bên ngoài bền như vật liệu kevlar. Ít nhất nó cũng không bị hư hại khi va chạm với mảnh vỡ trôi nổi do thảm họa tạo ra. Kiến trúc này cũng có một cửa sổ để quan sát. Khi hình thành, toàn thân nó sẽ bao gồm 60 lớp gỗ để đảm bảo độ bền. Ban đầu thì ốc vít và keo dán sẽ được dùng để gắn kết các lớp gỗ với nhau. Sau khi hoàn thiện, các ốc vít sẽ được gỡ bỏ.

Robinson nói với tạp chí Gizmag rằng phần cơ bản đã hoàn thành, kế tiếp sẽ gắn cho Tsunamiball các tấm thu năng lượng mặt trời, một động cơ phát điện, thiết kế nhà vệ sinh, khu vực nhà bếp, kho lưu trữ thực phẩm và tất nhiên là các nơi nghỉ ngơi.

Thông tin từ Tsumaniball.com cho biết Robinson dự kiến hoàn thành mọi việc vào cuối năm 2014 rồi sẽ kiểm tra toàn diện tác phẩm của ông.

Theo Thanh Niên
  • 1.985