Tiếp tục giải mã vụ tràn dầu

  •  
  • 1.307

Trong lúc các cơ quan chức năng từ các nhà khoa học đến các nhà quân sự, quốc phòng nỗ lực tìm nguyên nhân dầu tràn đen kịt các bờ biển từ miền Trung đến miền Nam Việt Nam thì các sân nghêu của dân đang chết hàng loạt, nhiều vuông tôm đang bị đe dọa... Nhiều giả thiết đã được đưa ra, nhiều dấu hỏi vẫn chưa được làm rõ. Một lần nữa, TTCT mời bạn đọc tiếp tục đi tìm câu trả lời...

Dầu tràn và gió mùa Đông bắc

Củng cố thêm giả thuyết dầu tràn từ mỏ dầu Liu Hua xuống là giải thích về hải lưu và gió mùa đông bắc. Theo Trung tâm Nghiên cứu và bảo tồn TRACC của Malaysia, các thay đổi hải lưu trên biển Đông chia ra làm hai mùa: từ tháng mười một đến tháng ba theo hướng đông bắc và từ tháng năm đến tháng mười một theo hướng tây nam.

Trong chế độ gió mùa đông bắc, gió trên biển Đông thổi từ hướng đông bắc. Trong giai đoạn đầu của mùa này cho đến tháng một, gió thổi mạnh trong khu vực giữa Nhật Bản và lục địa Trung Quốc dẫn đến thời tiết bão tố. Điều này giải thích các cơn bão “muộn” vào đầu tháng mười hai vào miền Trung (bão số 9)... Trong giai đoạn hai gồm tháng hai và tháng ba, gió thổi từ Thái Bình Dương vào.


Ảnh 1: Gió mùa tây nam (Ảnh: TTO)

Trong chế độ gió mùa tây nam từ tháng năm đến tháng mười một, gió đưa dòng nước xoay ngược chiều kim đồng hồ đến bờ biển phía bắc đảo Borneo lên đến tận Philippines và quần đảo Trường Sa (ảnh 1).

Với gió mùa đông bắc (từ tháng mười một đến tháng ba), nước biển xoay theo chiều kim đồng hồ xuống phía nam đến bờ biển phía bắc đảo Borneo, rồi trở ngược lên dọc theo bờ biển phía tây bán đảo Mã Lai và Thái Lan, rồi hướng đến Việt Nam (ảnh 2).


Ảnh 2: Gió mùa đông bắc (Ảnh: TTO)

http://www.tracc.org.my/Borneocoast/WEATHER/CURRENTS.html

Từ các chi tiết về gió mùa đông bắc và hải lưu, nếu so với bản đồ khai thác dầu khí của TQ (xem bản đồ) dưới đây với hình số 1, có thể thấy hướng di chuyển của dầu tràn xảy ra trong giai đoạn gió mùa đông bắc. Hải lưu cuốn theo chiều kim đồng hồ trùng hợp với việc dầu tràn từ bờ biển Quảng Nam trước (đầu tháng hai), rồi trở ngược lên Thừa Thiên - Huế, Quảng Trị, Quảng Bình (cuối tháng hai), trước khi trở xuống phía nam, đến Vũng Tàu, Tiền Giang, Cà Mau (nửa cuối tháng ba)...

Từ đó, cũng có thể nghĩ rằng trong mùa gió đông bắc (từ tháng mười một đến tháng ba) khó có khả năng dầu các mỏ của Việt Nam (từ các mỏ Bạch Hổ, Rồng và Đại Hùng của Vietsvopetro ở vùng trũng Nam Côn Sơn và của các mỏ Ruby, Rạng Đông, Sư Tử Đen, Sư Tử Trắng, Sư Tử Nâu, Emerald của Công ty liên doanh Cửu Long tại vùng biển Bình Thuận và một số mỏ dầu khác đang trong giai đoạn thăm dò, ảnh 2) chảy ngược lên phía bắc như trong giai đoạn gió mùa tây bắc.

Phân tích mẫu dầu

Các bảng kết quả phân tích mẫu dầu ô nhiễm lấy từ bờ biển Đà Nẵng của Vietsovpetro ngày 13-2-2007 và lấy từ bờ biển Đà Nẵng đến Quảng Nam ngày 22-3-2007 cho thấy dầu tràn này thuộc hai “nhóm” dầu khác nhau, song đều khác mẫu dầu của các mỏ Vietsovpetro.


Bản đồ (Ảnh: TTO)

Thế nhưng, giữa các bảng kết quả này có một chút khác biệt. Trong bảng kết quả phân tích mẫu thứ nhất, không có chi tiết tỉ trọng dầu như trong bảng kết quả phân tích thứ nhì.

Việc định lượng tỉ trọng này, trong điều kiện đây là dầu vớt ở bờ biển, có dính cát, đóng cục, đã bốc hơi, chứ không phải là dầu tràn nguyên thủy, khó có thể chính xác. Thế cho nên nếu như vẫn còn một lượng dầu tràn nguyên thủy chưa bị hủy thì có thể lấy mẫu dầu tràn nguyên thủy, không bị đóng cục với cát này để đưa đi phân tích trở lại.

Muốn hay không muốn, các kết quả phân tích này mới chỉ là của Vietsovpetro, tức mới chỉ của một bên trong cuộc, chỉ mang tính giải trình. Để đạt đến độ chính xác và hội đủ tính khách quan, lẽ ra đã có thể nhờ đến các trung tâm phân tích độc lập tiến hành phân tích như một tiến sĩ chuyên gia đầu ngành hóa đã về hưu tại TP.HCM đề xuất. Những cơ sở trong nước như Viện Hóa học thừa khả năng làm công việc phân tích độc lập này.

Từ đó, có thể có thêm những phân tích so sánh khác để làm rõ sự khác biệt với các nguồn dầu nghi vấn. Tỉ như so sánh độ API của mỗi mỏ dầu. Thông tin trên mạng về dầu thô của mỏ Lưu Hoa 11-1 cho biết độ nặng của dầu mỏ này là từ 16-22 độ API - một thang định lượng của Viện Dầu Hoa Kỳ (API), theo đó độ API càng cao thì dầu càng nhẹ, và ngược lại độ API càng thấp thì dầu càng nặng. Ngoài ra còn có rất nhiều “dấu vân tay” khác để so sánh.

http://tle.geoscienceworld.org/cgi/content/extract/19/8/834

"Rác" ở lại

Ngoài các mỏ đang khai thác, còn có những mỏ đã được khoan thăm dò, song không đưa vào khai thác vì không hội đủ điều kiện khai thác. Có khả năng dầu tràn từ các giếng dầu đã đóng miệng giếng. Do điều kiện bất thường về địa chất, giếng dầu bị ảnh hưởng của chấn động làm tăng áp suất trong giếng, gây hiện tượng rò rỉ dầu ra bên ngoài.


(Ảnh: TTO)

Trong quá khứ và hiện tại, có những dàn khoan hoạt động khá gần bờ biển Việt Nam. Đáng kể nhất là dàn khoan Kantan 2 cùng tàu Nam Hải 215 của Trung Quốc. Theo loan báo từ phía Trung Quốc, từ 19-11 đến 31-12-2004, dàn khoan này được tàu trên kéo đến vị trí ở 17 độ 26 phút 42 giây vĩ độ bắc, 108 độ 19 phút 05 giây kinh độ đông, cách bờ biển VN 63 hải lý, cách đảo Hải Nam 67 hải lý. Vị trí này nằm trên thềm lục địa và trong vùng đặc quyền kinh tế của VN. Việc thăm dò này nằm trong khuôn khổ một hợp đồng giữa Công ty dầu CNOOC của Trung Quốc với Công ty dầu Arco. Lần đó phía VN đã phản kháng mạnh mẽ việc phía Trung Quốc đã lấn vô 2,5 hải lý. ASEAN cũng tham gia phản đối. Sau tám tháng, dàn khoan này đã được kéo đi.

http://www.cnd.org/CND-Global/CND-Global.97.4th/CND-Global.97-11-25.html

Vào năm 1997, dàn khoan Kantan 3 đã từng đột nhập vùng kinh tế đặc quyền của VN và bị “mời ra”, tại khu vực lô 113, cách mũi Chân Mây (ngoài khơi Đà Nẵng) 64 hải lý, và cách đảo Hải Nam 71 hải lý...

http://community.middlebury.edu/~scs/maps/US%20EIA,%20South%20China%20Sea%20Tables%20and%20Maps.htm.

Người đi, dàn khoan đi, “rác” ở lại là một khả năng có thể xảy ra. “Rác” ở đây có thể là những mũi khoan không được bịt miệng kín hay do yếu tố như địa chấn đã bịt miệng song bị “toác miệng”.

--- o0o ---

Một lần nữa, đây mới chỉ là những dấu hỏi cần được làm rõ. Kể cả dấu hỏi: Sao vẫn chưa có những phân tích độc lập? 

HỮU NGHỊ

Theo Tuổi trẻ
  • 1.307