Tuyến tụy là gì? Chúng hoạt động như thế nào?

  •  
  • 1.895

Ở phía dưới xương sườn, bạn sẽ tìm thấy tuyến tụy nằm giữa các cơ quan khác, đóng vai trò như một chuyên gia sức khỏe cá nhân.

Tuyến tụy giúp điều chỉnh hàm lượng đường trong máu và tiết ra chất dịch đặc biệt có tác dụng giải phóng các chất dinh dưỡng từ thức ăn, giúp cơ thể duy trì thể trạng tốt nhất có thể.

Hỗ trợ tiêu hóa

Tuyến tụy nằm ở phía sau dạ dày, hỗ trợ tiêu hóa bằng cách tiết ra chất dịch đặc biệt: hỗn hợp muối sodium bicarbonate và các loại men tiêu hóa.

  • Sodium bicarbonate trung hòa môi trường acid tự nhiên trong dạ dày, tạo điều kiện thích hợp cho các men tiêu hóa thực hiện công việc.
    Enzyme lipase có khả năng cắt nhỏ các phân tử chất béo.
  • Protease cắt nhỏ các phân tử protein.
  • Amylase phân cắt các phân tử carbohydrate thành các phân tử đường giàu năng lượng.

Sau đó, hầu hết các chất dinh dưỡng chuyển hóa sẽ được hấp thụ vào máu và tiếp tục đến các cơ quan khác để nuôi cơ thể. Trong khi quá trình này diễn ra, tuyến tụy còn thực hiện chức năng quan trọng khác, đó là điều hòa mức đường huyết của cơ thể.

Tuyến tụyTuyến tụy nằm ở phía sau dạ dày, hỗ trợ tiêu hóa bằng cách tiết ra chất dịch đặc biệt.
Tuyến tụy nằm ở phía sau dạ dày, hỗ trợ tiêu hóa bằng cách tiết ra chất dịch đặc biệt.

Nó thực hiện chức năng này nhờ sự hỗ trợ của nội tiết tố Insulin và Glucagon, được sản sinh từ các tế bào đặc biệt được gọi là “Langerhans”. Lượng đường trong máu quá cao hay quá thấp đều rất nguy hiểm, vì vậy, tuyến tụy luôn phải trong trạng thái sẵn sàng ứng phó.

Điều hòa mức đường huyết của cơ thể

Sau khi ăn no, mức đường huyết thường tăng cao, để điều chỉnh lượng đường về mức bình thường, tuyến tụy phải giải phóng Insulin đưa đường dư đến các tế bào, được dùng như nguồn năng lượng hoặc được lưu trữ cho lần sử dụng sau. Insulin còn báo hiệu cho gan ngừng sản xuất các phân tử đường.

Ngược lại, khi đường huyết trong máu thấp, tuyến tụy tiết ra nội tiết tố Glucagon báo hiệu cho các tế bào và gan đưa lượng đường đã được dự trữ trở lại máu.

Sự tương tác giữa Insulin và Glucagon chính là yếu tố giúp cân bằng lượng đường trong máu. Nhưng nếu bị ''hỏng'', tuyến tụy sẽ không thực hiện chức năng trên được nữa, nghĩa là sự cân bằng đường huyết bị phá vỡ.

Nếu tuyến tụy bị suy yếu do bệnh tật, khả năng sản xuất Insulin sẽ giảm, thậm chí ngưng trệ, khiến mức đường huyết không ngừng tăng cao, gây ra bệnh tiểu đường. Cuối cùng, dẫn đến xơ cứng các mạch máu và gây ra những cơn đau tim, suy thận và đột quỵ

Tương tự, sự thiếu hụt Insulin khiến các tế bào không sử dụng được các phân tử đường giàu năng lượng cần cho sự phát triển và thực hiện chức năng.

Ở bệnh nhân tiểu đường, mức Glucagon cũng có khuynh hướng tăng cao, làm cho lượng đường tuần hoàn vào máu thậm chí còn nhiều hơn. Nếu không có sự điều khiển của ''vị chuyên gia" này, lượng đường huyết sẽ tăng giảm thất thường và chúng ta không thể tiêu hóa các dưỡng chất quan trọng.

Cập nhật: 14/11/2019 Theo Tinh Tế
  • 1.895