Vì sao bàn tay phi tần nhà Thanh luôn “dính” với loại phục sức này?

  •  
  • 7.754

Từ Thái hậu đến các vị nương nương, không ai là không đeo những chiếc “nhẫn móng tay”. Và chúng không chỉ để trang trí thôi đâu.

Nhìn bề ngoài, vật này có vẻ làm bằng kim loại, trang trí tinh xảo, đeo ở các ngón tay. Nó dài và nhọn hoắt, "đung đưa" nhiệt tình khi các phi tần hành lễ hay... đấu khẩu với nhau!

Nhưng thực tế, có đúng là nhà Thanh ưa chuộng loại phụ kiện kỳ lạ đó không? Và mục đích của nó làm gì?

Để tự vệ, hay để làm bằng chứng sống cho câu nói "vỏ quýt dày có móng tay nhọn"? Bạn sẽ có đáp án ngay thôi.

Nhẫn móng tay còn được gọi là "móng tay giả" hay "hộ giáp". Nó đã xuất hiện rất lâu, từ tận thời Chiến quốc. Người Trung Quốc xưa quan niệm rằng tóc, móng tay là của cha mẹ sinh ra, vì vậy tránh cắt đi mà cứ để chúng mọc dài tự nhiên!

Tóc thì không sao, nhưng móng tay mọc dài rất vướng víu, dễ gãy. Vì vậy, người ta bắt đầu chế ra "hộ giáp" với mục đích đơn thuần ban đầu là bảo vệ phần móng tay dài.

Nam - nữ ngày xưa đều chuộng "mốt" móng tay, tóc dài
Nam - nữ ngày xưa đều chuộng "mốt" móng tay, tóc dài.

Dù vậy, cả móng tay tự nhiên lẫn thứ phụ kiện bảo vệ đều rất vướng bận, gây khó khăn khi làm việc.

Vì thế, chỉ có người xuất thân cao quý, thuộc tầng lớp trung lưu trở lên mới "nuôi" móng tay dài và dùng hộ giáp. Còn những người phụ nữ nghèo khó, thường phải làm việc nhà hay công việc đồng áng nặng nhọc sẽ chẳng có cơ hội nuôi móng tay rồi. Và không chỉ phụ nữ thôi đâu mà cả nam nhân cũng có thể dùng phục sức này.

Bộ móng của họ sẽ khiến người khác thấy được những người phụ nữ này chẳng bao giờ phải động tay động chân vào bất cứ việc gì, lúc nào cũng có người hầu kẻ hạ vây quanh chờ sai bảo.

Nhiều phụ nữ yêu cái đẹp thời xưa cảm thấy việc nuôi móng tay dài sẽ giúp ngón tay họ trông có vẻ dài và thanh mảnh hơn.

Bên cạnh đó, một số người "mê tín" lại một mực tin rằng móng tay càng dài thì phúc khí của họ cũng sẽ càng dài theo.

Bởi thế, các phi tần trong cung - không cần biết đang ở cấp bậc nào - cũng đều thích nuôi móng tay dài với niềm tin mãnh liệt rằng hậu vận của mình sẽ ngày càng đi lên.

Lâu dần thành thói quen, hộ giáp đã trở thành thứ phụ kiện biểu trưng cho vẻ đẹp và quyền lực của các bậc cao cao tại thượng, là phục sức không thể thiếu của phái nữ (vì họ ở khuê phòng, ít ra ngoài nên dễ "nuôi" móng tay hơn).

Theo ghi chép trong cuốn "Hán phi tử", ngay từ thời Xuân Thu (Xuân Thu là tên gọi một giai đoạn lịch sử từ năm 771-476 TCN trong lịch sử Trung Quốc), một số phụ nữ Trung Quốc đã có thói quen nuôi móng tay dài. 


Các mẫu hộ giáp thời Thanh.

Đến thời nhà Thanh, hộ giáp lại được nâng tầm và gắn liền với phi tần mỹ nữ chốn cung đình. Nó không còn món đồ bảo vệ móng đơn thuần mà là dấu hiệu phân cấp địa vị, quyền lực.

Hoàng hậu, quý phi dùng hộ giáp bằng vàng, bạc, ngọc trai, mai rùa,... Các phi tần thứ bậc thấp thì dùng hộ giáp bằng đồng, ngà, men sứ...

Họa tiết chạm khắc trên hộ giáp cũng vô cùng tinh xảo, hoàng hậu chạm khắc hình phượng hoàng. Hộ giáp của Thái hậu lại khắc hình chữ "vạn", chữ "thọ". Một số hộ giáp còn có thể uốn cong theo khớp ngón tay.


Hộ giáp của Từ Hi Thái hậu.

Trong số những nữ nhân Hoàng tộc triều Thanh, Từ Hi Thái hậu được cho là người chăm sóc móng tay cầu kỳ nhất, đồng thời cũng là người sở hữu nhiều chiếc móng giả độc đáo và quý giá nhất.

Theo một số nguồn tin, móng tay ngón áp út và ngón út của Từ Hi Thái hậu có khi được nuôi dài tới 7-8 thốn (một trong những đơn vị đo chiều dài của người Trung Quốc), tính ra dài khoảng 23,3-26,7cm.

Bộ móng của bà được ngâm nước ấm, làm sạch và tỉa tót mỗi ngày bởi những người chuyên trách.

Theo tự truyện của một cung nữ từng theo hầu hạ bà tiết lộ, Từ Hi ngày đeo hộ giáp vàng ở bàn tay phải, hộ giáp ngọc trai ở tay trái.

Đêm ngủ thay bằng loại hộ giáp "ít lấp lánh" hơn. Bà đều đeo chúng ở ngón út và ngón áp út, mỗi cái dài từ 5 - 7cm.

Bộ sưu tập móng giả của Từ Hi Thái hậu vô cùng đa dạng, mỗi chiếc trong đó đều không giống nhau, được chế tạo hết sức tinh xảo và toát lên sự xa hoa với đủ loại chất liệu từ vàng, mã não, trân châu cho đến các loại ngọc ngà châu báu quý hiếm.


Tranh vẽ cận cảnh hộ giáp của Từ Hi Thái hậu.

Từ Hi bảo vệ móng tay lẫn hộ giáp vô cùng cẩn thận. Mỗi ngày đều sai cung nữ rửa bằng nước nóng, sau đó dùng nước bóng từ Pháp đánh lên.

Dù vậy, khi về già, móng tay dĩ nhiên "héo úa", xỉn màu. Ban đầu Từ Hi trách tội hạ nhân đã lơ là trách nhiệm. Nhưng cuối cùng bà nhận ra không thể chống lại quy luật tất yếu của thời gian. Lúc này Từ Hi mới chịu... cắt móng tay thường xuyên!

Nắm được vai trò của hộ giáp từ thực tế, các nhà làm phim đã khéo léo đưa chúng lên màn ảnh nhỏ. Mục đích vừa thể hiện hình ảnh đặc trưng của triều nhà Thanh, lại vừa tăng độ ấn tượng nơi... bàn tay của các vị nương nương.

Cập nhật: 03/03/2022 Tổng Hợp
  • 7.754