Vì sao cơn bão sắp vào biển Đông có tên Vamco?

  •  
  • 1.082

Cơn bão Vamco sắp vào bBiển Đông là tên mà cơ quan khí tượng Việt Nam đề xuất, với tên Tiếng Việt là Vàm Cỏ. Tên của các cơn bão được đặt theo danh sách đề cử của các quốc gia.

Chiều 10/11, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết cơn bão Vamco đang mạnh dần lên cấp 13, giật cấp 16 trong 24 giờ tới trước khi tiến vào Biển Đông.

Nếu kịch bản này xảy ra, đây sẽ là cơn bão số 13 hình thành trên khu vực trong năm nay. Tên bão Vamco là do cơ quan khí tượng Việt Nam đặt, với tên Tiếng Việt là Vàm Cỏ, một con sông ở Nam Bộ.

Tại Việt Nam, người dân thường nhớ tên các cơn bão theo số thứ tự xuất hiện trong năm. Nhưng để không nhầm lẫn giữa các năm, các nhà khí tượng đặt tên cho cơn bão để dễ đưa ra nhận định, dự báo và ghi chép trong lịch sử quan trắc.

Theo Tổng cục Khí tượng Thủy văn (Bộ Tài nguyên và Môi trường), chỉ riêng thuật ngữ "bão" ở trên các vùng biển khác nhau đã được gọi với tên Tiếng Anh khác nhau.

  • Bão hình thành trên Đại Tây Dương được gọi là "Hurricanes".
  • Bão hình thành trên Thái Bình Dương gọi là "Typhoon".
  • Bão hình thành trên Ấn Độ Dương gọi là "Tropical Cyclones".

Các cơn bão có thể tồn tại trên biển trung bình 7-8 ngày hoặc lâu hơn. Trên cùng một khu vực, cùng một thời gian, 2-3 cơn bão có thể cùng hoạt động, thậm chí nhiều hơn. Do đó, các nhà khí tượng học đặt tên cho bão để tránh nhầm lẫn trong việc đưa ra thông tin về từng hình thái.


Năm 2020, Việt Nam đã hứng chịu ảnh hưởng của 12 cơn bão (tên ở ô màu vàng) với 6 cơn nối nhau trong tháng 10-11, sắp tới là bão Vamco. (Ảnh: JMA).

Tại khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương, từ ngày 1/1/2000, tên các cơn bão được đặt theo danh sách tên mới, dựa trên đề cử của cơ quan khí tượng thuộc 14 quốc gia và vùng lãnh thổ là thành viên của Ủy ban Bão quốc tế thuộc Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO).

Cụ thể, mỗi quốc gia và vùng lãnh thổ sẽ đề xuất 10 cái tên, tạo thành một danh sách 140 tên được Ủy ban Bão thông qua. Danh sách được đặt thường là tên các vị thần, loài hoa, loài động vật hiếm, cây cỏ và tên các món ăn đặc trưng của từng quốc gia.

Với Việt Nam, Tổng cục Khí tượng thủy văn từng đề xuất 20 tên gọi cho bão là tên Tiếng Việt. Sau khi trình lên Ủy ban Bão quốc tế, 10 cái tên được duyệt là: Conson, Saola, Songda, Sontinh, Lekima, Sonca, Bavi, Trami, Halong và Vamco.

Danh sách tên bão không được sắp xếp theo thứ tự các chữ cái mà sắp xếp theo thứ tự đề xuất của các nước. Dựa theo danh sách đề cử, sau bão Vamco, cơn bão tiếp theo hình thành tại Tây Bắc Thái Bình Dương sẽ có tên là Krovanh, tên một dãy núi nổi tiếng ở Campuchia.

Ngoài ra, Ủy ban bão sẽ họp mỗi năm một lần và để các quốc gia đề cử tên bão mới hoặc kiến nghị loại tên do các quốc gia khác đặt trong danh sách.

Theo đó, năm 2006, khi bão Saomai gây hậu quả nghiêm trọng tại Trung Quốc, cái tên này được đề xuất khai tử, thay bằng tên bão Sontinh.

Cùng năm này, Philippines, Trung Quốc và Việt Nam hứng chịu ảnh hưởng nặng nề từ cơn bão mang tên Chanchu. Sau đó, tên bão này cũng bị loại khỏi danh sách.

Trong thời gian xảy ra chiến tranh Thế giới thứ II, các nhà khí tượng Lục quân và Hải quân Mỹ từng dùng tên của phụ nữ để đặt tên cho các cơn bão. Đến năm 1960, phong trào nữ quyền nổi lên phản đối việc này vì bão là hình thái gây ra những điều tồi tệ.

Sau đó, Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) đã dùng cả tên nam giới và nữ đặt tên cho các cơn bão xen kẽ nhau. Tên cơn bão này do các nước thành viên tiến cử cho WMO lựa chọn.

Cập nhật: 11/11/2020 Theo Zing
  • 1.082