Cuộc "mây mưa ân ái" đầu tiên có lẽ diễn ra cách đây 1,2 tỷ năm. Trong khi hành tinh xanh nơi đang chứa hơn 7 tỷ con người đã từng có thời gian "trắng bóc" như một quả cầu tuyết như một số vệ tinh của sao Mộc. Phần 2 này chúng ta sẽ tiếp tục dõi theo lịch sử tiến hóa từ 375 triệu năm trước.
Một số loài có xương sống bị "dụ dỗ" bởi các nguồn thức ăn như côn trùng.
Sau khi thực vật đã định cư được trên mặt đất, các loài động vật cũng không ngần ngại tìm "ngôi nhà" mới. Đầu tiên là các loài côn trùng đã bò lên mặt đất khoảng 400 triệu năm trước. Nhưng các loài có xương sống cũng nhanh chóng nối gót ví như loài Tiktaalik, một loài cá có hình dạng tương tự kỳ nhông, nhưng chân vẫn cấu tạo bằng vây.
Những loài cá như Tiktaalik sau cùng cũng tiến hoá lên 4 chân hoàn chỉnh, là ông tổ cho các loài lưỡng cư, bò sát và động vật có vú về sau này. Việc chúng rời bỏ mặt nước được xem là một điều may mắn vì ngay sau đấy là đợt tuyệt chủng cuối kỷ Devon. Đợt tuyệt chủng này "kết sổ" thêm nhiều loài thuỷ sinh khác, trong đó có những loài cá khổng lồ với thân hình tựa như bọc giáp sắt.
Nhìn có vẻ giống, nhưng những loài bò sát đầu tiên không phải khủng long.
Khi những con bò sát đầu tiên xuất hiện, Trái đất đang ở trong giữa một thời kỳ lạnh kéo dài được gọi là kỷ băng hà cuối Đại Cổ Sinh (Paleozoic Era). Bò sát tiến hoá từ các loài lưỡng cư có hình dạng tương tự kỳ nhông. Nhưng khác tổ tiên của mình, bò sát có lớp da dày, đóng vảy và đẻ trứng có vỏ cứng khác hẳn với khi chúng còn trong nước.
Nhờ các ưu điểm trên, bò sát nhanh chóng trở thành loài thống trị trên mặt đất. Và, dù một số loài có kích thước cực lớn, như Dimetrodon dài tới 4,5 mét, nó vẫn là bò sát chứ không phải khủng long. Thời đại của khủng long còn rất lâu nữa.
Đã có giai đoạn Sơn Tinh - Thuỷ Tinh chia ranh giới rõ rệt trên địa cầu.
Lần cuối cùng cho tới hiện tại, các lục địa của Trái đất hợp nhất một lần và tạo thành một siêu lục địa có tên Pangaea. Và bao quanh siêu lục địa là một... siêu đại dương có tên Panthalassa.
Giai đoạn 2 "siêu cường" này cùng tồn tại kéo dài tới 175 triệu năm. 10 triệu năm sau đấy, các lục địa lại tách rời thêm lần nữa và những phần còn lại trở thành những gì chúng ta thấy hiện nay.
Núi lửa phun trào hàng loạt cũng là mối đe doạ với nhiều loài sinh vật.
Dù không phải là đợt tuyệt chủng đầu tiên nhưng đợt tuyệt chủng cuối kỷ Permi là thử thách lớn nhất với sinh giới trên Địa Cầu. Ước tính có đến 96 % các loài thuỷ sinh và một con số tương đương các loài trên cạn biến mất sau giai đoạn này.
Lý do của đợt tuyệt chủng vẫn chưa được chắc chắn. Nhưng dữ liệu khảo cổ cho thấy một đợt phun trào núi lửa hàng loạt, còn được gọi là Cái bẫy Siberia (Siberian Traps), khiến cho 2 triệu km2 vuông bề mặt Trái đất bị ngập trong nham thạch, bầu khí quyển ngập trong khói độc và nhiệt độ đại dương lên đến 40 °C, có thể chính là kẻ tội đồ.
Sự phục hồi của sinh giới về sau đấy mở ra một thời kỳ mới - thời đại khủng long.
Động vật có vú ra đời cùng lúc với khủng long, nhưng không thể cạnh tranh lại.
Tại cùng thời điểm khủng long tiến hoá và sinh sôi trên toàn cầu, những loài thú có vú đầu tiên xuất hiện. Tổ tiên của chúng là những loài bò sát có tên gọi cynodont, với khuôn mặt hơi giống loài chó và một số có thể có lông bao phủ.
Những loài có vú đầu tiên như Morganucodon có kích thước khá nhỏ và hình dạng giống loài chuột. Rất có thể chúng chỉ hoạt động về đêm vì đây là lúc các loài bò sát nghỉ ngơi. Có giả thuyết cho rằng chính hoạt động sống về đêm này đã kích thích động vật có vú tiến hoá theo hướng sử dụng máu nóng - giúp cho chúng giữ ổn định nhiệt độ cơ thể để kiếm ăn trong khi bò sát ít hoạt động về đêm.
Dù trải qua một đợt tuyệt chủng lớn, khủng long vẫn tiếp tục phục hồi và thống trị mặt đất.
Kỷ Trias (Triassic) là thời kỳ mà khủng long gầm rú trên khắp mặt đất, còn dưới nước thì những loài bò sát khổng lồ như Ichthyosaur thống trị đại dương như là loài săn mồi hàng đầu. Song một đợt tuyệt chung khác lại bùng nổ.
Nguyên nhân đợt tuyệt chủng này chưa được xác định song hệ quả nó để loại là 80 % các loài bị tiêu diệt. Nhưng ngay sau đấy, khủng long lại phục hồi và tiếp tục thống trị mặt đất. Thậm chí chúng còn đạt được tới những kích thước khổng lồ. Loài lớn nhất từng được ghi nhận, Dreadnoughtus schrani, có khối lượng lên đến gần 60 tấn.
Động vật có lông vũ là hậu duệ của khủng long trong hôm nay.
Ban đầu là dưới nước, rồi đến mặt đất và sau đó là bầu trời, sự sống lần lượt chinh phục tất cả. Nhưng loài chim không tiến hoá tiếp từ động vật có vú mà là hậu duệ của khủng long. Những con khủng long có lông vũ như Velociraptors là tổ tiên của loài chim hiện đại, nhưng chúng có mũi thay vì mỏ cứng và tay để bám trên cây thay cho cánh.
Một trong những loài chim nổi tiếng từng được biết, Archaeopteryx, sống cách nay 150 triệu năm. Nhưng một số kết quả khảo cổ gần đây tại Trung Quốc cho thấy, những loài như Xiaotingia hay Aurornis, từng xuất hiện lâu hơn trước đấy.
Phải rất lâu sau khi lên mặt đất, các cánh rừng mới đua nhau khoe sắc thắm bằng những nhành hoa.
Nghe có vẻ lạ lùng nhưng hoa là "phát minh" gần đây nhất của giới thực vật. Dù đã gieo mầm trên mặt đất cách nay 465 triệu năm nhưng suốt hơn 2/3 quãng thời gian ấy, không có bông hoa nào được ghi nhận.
Thực vật có hoa dường như xuất hiện trong giữa thời kỳ khủng long tồn tại. Còn những loài tương tự các loài cỏ chỉ mới xuất hiện gần đây. Hoá thạch lâu đời nhất về loài cỏ chỉ mới 70 triệu năm tuổi. Tất nhiên, các loài cỏ có thể đã có mặt trước đó một thời gian.
Thiên thạch rơi được xem là nguyên nhân đã tiêu diệt loài khủng long.
BÙM... và bạn tuyệt chủng. 65 triệu năm trước, một tảng đá lớn từ ngoài không gian đã đâm vào Trái đất tại vị trí ứng với Mexico ngày nay. Vụ va chạm hết sức kinh hoàng, nhưng hệ quả về mặt lâu dài của nó còn tệ hơn nữa.
Bụi bị tung lên thượng tầng khí quyển và che lấp ánh nắng Mặt Trời, kéo theo một thời kỳ lạnh lẽo và tăm tối kéo dài trên toàn bộ hành tinh. Với số lượng lớn nhất, khủng long dĩ nhiên là loài chịu nhiều tổn thương. Các loài thú săn mồi cũng như bò sát khổng lồ khác cũng bị xoá sổ. Song các loài kích thước nhỏ hơn sống sót được nhờ tiêu thị ít thức ăn hơn.
Đây cũng là đợt tuyệt chủng thứ năm từng được ghi nhận và là đợt tuyệt chủng cuối cùng cho đến hiện tại.
Tổ tiên loài người đã bắt đầu từ việc sống trên cây.
Sự biến mất của hầu hết các loài khủng long đã tạo điều kiện cho động vật có vú tăng trưởng và sinh sôi nảy nở. Chúng nhanh chóng tiến hoá theo hướng có tử cung và nuôi con non trong bụng nhờ nhau thai. Tuy vậy vẫn còn một giai đoạn khá dài trước khi tiến đến loài người.
Một số động vật có vú bắt đầu tiến hoá theo hướng leo trèo và sống trên cây, như là một cách để tránh các loài săn mồi khác. Cách thức này đã dẫn tới việc ra đời của loài khỉ, vượn và sau cùng là con người. Nhưng loài linh trưởng đầu tiên có kích thước rất nhỏ. Bộ xương hoá thạch linh trưởng lâu đời nhất thuộc về một loài có tên Archicebus achilles, với cân nặng chưa tới 30 gram. Chúng sống chủ yếu trong các rừng nhiệt đới nóng ẩm tại Châu Á.
Những loài cây C4 chủ yếu là các thực vật một lá mầm, trong đó các loài cỏ chiếm số đông nhất.
Thực vật đã bắt đầu khai thác quang năng để tổng hợp đường qua hàng tỷ năm, nhờ một tiến trình gọi là quang hợp. Nhưng mãi tới gần đây, một số loài mới "tìm ra" một cách quang hợp tốt hơn, được gọi là quang hợp C4.
Quang hợp C4 cho hiệu quả cao hơn loại quang hợp phổ thông - C3. Nhờ đó các thực vật C4 có khả năng thích nghi tốt hơn với các môi trường có điều kiện khắc nghiệt. Ngày nay, các nhà thực vật học đang tìm cách biến đổi gene cho cây lúa sử dụng quang hợp C4, nhằm đạt năng suất cao hơn cho một dân số ngày một đông hơn.
Tổ tiên loài người đã bắt đầu cất tiếng khóc chào đời tại Châu Phi.
Những con vượn đầu tiên xuất hiện tại Châu Phi khoảng 25 triệu năm trước. Rồi tại một thời điểm nào đó, chúng bắt đầu tách nhóm thành tổ tiên của loài vượn hiện đại và người hiện đại.
Rất khó để nói chính xác thời điểm diễn ra sự kiện, nhưng nhờ khảo cổ và sinh học di truyền, chúng ta có thể ước lượng tương đối. Loài vượn người cổ nhất được ghi nhận có tên Sahelanthropus tchadensis, đã từng sống trên mặt đất 7 triệu năm trước.
Dù thời gian xuất hiện rất ngắn, nhưng loài người gần như đã thay đổi toàn bộ địa cầu.
Loài người chúng ta, hay có tên khoa học Homo sapiens, có "tuổi đời" rất trẻ so với tất cả các loài trước đấy, chỉ mới 1/5 của 1 triệu năm so với 7 triệu năm của Sahelanthropus tchadensis. Nhưng chỉ trong thời gian "ngắn" đó, chúng ta đã rời khỏi nơi sinh ra mình tại Châu Phi, du hành đến mọi lục địa trên hành tinh. Thậm chí chúng ta đã ra được ngoài vũ trụ, điều mà mọi loài trước đấy chưa làm được.
Thế nhưng với những thành quả đạt được, chúng ta cũng đồng thời phá hoại không ít lên hành tinh này. Chỉ trong vòng 40 năm trở lại đây, đã có 50 % số động vật hoang dã biến mất khỏi Trái đất, nhanh hơn bất kỳ đợt tuyệt chủng (và đại tuyệt chủng) nào từng được ghi nhận.
Phải chăng đợt tuyệt chủng thứ sáu sẽ diễn ra trong kỷ nguyên con người này? Liệu chăng lịch sử 4 tỷ năm tiến hoá của sự sống trên hành tinh sẽ bị kết thúc trong bàn tay của chính con người?