9 ảo giác này sẽ giúp bạn hiểu não bộ là thứ không đáng tin nhất trên đời

  •   36
  • 4.378

Những gì "mắt thấy, tai nghe" mới được tin ư? Nhầm rồi, vì não bộ của bạn cực kỳ dễ bị đánh lừa.

Xưa kia, các cụ vẫn dạy rằng thứ gì "mắt thấy, tai nghe" thì mới được tin. Thế nhưng sau này, khoa học chỉ ra một thực tế rằng mọi giác quan của chúng ta đều chịu sự chi phối của não bộ, mà não bộ thì cực kỳ dễ... bị lừa.

Nói cách khác, giờ đây thì ngay cả những gì bạn nhìn thấy, nghe thấy cũng chưa chắc đã là sự thật đâu. Nếu không tin, những bức hình dưới đây sẽ chứng minh cho bạn thấy điều đó.

1. Bạn có thể tự tô màu cho bức tranh dưới bằng suy nghĩ

Hãy thử nhìn tập trung vào một điểm trên bức tranh bên trái (vị trí con mắt của chú khủng long chẳng hạn). Nhìn vào đó khoảng 30s, rồi ngay lập tức đảo sang bức bên phải.

Khi tiếp xúc với một màu sắc quá lâu, tế bào cảm thụ màu đó sẽ bị "mệt" và tê liệt tạm thời.
Khi tiếp xúc với một màu sắc quá lâu, tế bào cảm thụ màu đó sẽ bị "mệt" và tê liệt tạm thời.

Bạn thấy gì? Gần như chắc chắn, bạn sẽ thấy bức hình đen trắng bên cạnh dần chuyển sang màu xanh lá cây.

Nguyên nhân thực ra không có gì đặc biệt. Theo các chuyên gia lý giải, chúng ta cảm thụ được màu sắc là nhờ các tế bào hình nón - thụ thể cảm thụ hình ảnh trong võng mạc. Một người bình thường sẽ có 3 loại tế bào này, chịu trách nhiệm cảm nhận 3 loại sóng ánh sáng: xanh lục, xanh lam và đỏ. 3 loại tế bào sẽ hoạt động nhịp nhàng, cảm nhận sóng ánh sáng rồi gửi tới não bộ xử lý.

Tuy nhiên khi tiếp xúc với một màu sắc quá lâu, tế bào cảm thụ màu đó sẽ bị "mệt" và tê liệt tạm thời. Lúc này, mắt chúng ta sẽ sử dụng các tế bào còn lại để thay thế, dẫn đến hiện tượng thay đổi màu sắc của hình ảnh.

Cũng chính vì hiện tượng này mà các bác sĩ phải mặc áo màu xanh khi phẫu thuật, nhằm "trung hòa" lại sắc đỏ của máu.

2. Hoặc dịch chuyển 1 bức tranh, cũng bằng ý nghĩ

Các sọc ấy có độ dày mỏng khác nhau, nên từng đoạn nó che bức hình bên dưới cũng khác nhau.
Các sọc ấy có độ dày mỏng khác nhau, nên từng đoạn nó che bức hình bên dưới cũng khác nhau.

Từ một bức tranh tĩnh, chỉ cần kéo qua tấm màn sọc dọc là đủ để khiến con khủng long chuyển động. Chuyện gì đang xảy ra đây?

Nguyên nhân bắt nguồn từ tấm màn sọc dọc kia. Thực chất, các sọc ấy có độ dày mỏng khác nhau, nên từng đoạn nó che bức hình bên dưới cũng khác nhau.

Sự khác biệt ấy não bộ không thể nắm được, mà buộc phải đưa ra dự đoán dựa trên các dữ kiện thu được trong quá khứ. Và hệ quả là chúng ta thấy một con khủng long biết di chuyển, một cách cực kỳ đơn giản. Ảo giác này ra đời vào năm 2014, với cái tên gốc là "bồ câu đi bộ".

3. Cái mái vòm này cong ra ngoài hay vào trong?

Đây là lối thiết kế vòm rất được ưa chuộng tại châu Âu trong quá khứ.
Đây là lối thiết kế vòm rất được ưa chuộng tại châu Âu trong quá khứ.

Theo bạn, bức hình này được chụp từ bên ngoài, hay bên trong mái vòm? Sở dĩ có sự hoang mang như vậy là vì hình ảnh này có tồn tại một nghịch lý.

Đây là lối thiết kế vòm rất được ưa chuộng tại châu Âu trong quá khứ, với các đường nét đối xứng cực kỳ hài hòa. Tuy nhiên khi đưa lên ảnh, các đường nét này có quá nhiều thông tin gây nhiễu trong não bộ, nhưng đồng thời lại không có đủ thông số về chiều sâu để chúng ta phán đoán.

Hệ quả, ở góc này bạn thấy nó cong vào trong, ở góc khác lại là cong ra ngoài.

4. Có thể bạn không tin: những dấu chấm tròn dưới đây đều bằng nhau

Nhìn kỹ lại, bạn sẽ thấy là chúng chỉ bằng nhau thôi.
Nhìn kỹ lại, bạn sẽ thấy là chúng chỉ bằng nhau thôi.

Nhìn thoáng qua, dám chắc 99% đều nghĩ rằng các chấm ở khoảng bên trái là to nhất, rồi giảm dần theo độ giãn của các chấm tròn.

Thế nhưng nhìn kỹ lại, bạn sẽ thấy là chúng chỉ bằng nhau thôi. Nguyên do là vì não bộ có xu hướng đối chiếu kích thước của vật thể với môi trường xung quanh.

5. Hình vuông đi đâu mất rồi?

Để ý kỹ một chút, bạn sẽ thấy hệ số góc của 2 hình tam giác nhỏ đã thay đổi.
Để ý kỹ một chút, bạn sẽ thấy hệ số góc của 2 hình tam giác nhỏ đã thay đổi.

Cùng là một hình tam giác, nhưng các hình thành phần sau khi thay đổi vị trí một chút bỗng... lòi ra một hình vuông trắng nhỏ.

Ơ tại sao vậy? Sự thực là nếu để ý kỹ một chút, bạn sẽ thấy hệ số góc của 2 hình tam giác nhỏ đã thay đổi. Sự thay đổi này rất nhỏ nên mắt chúng ta đã không thể nhận ra, nhưng đủ để tạo ra một khoảng trống kỳ lạ kia.

6. Sự thật là chẳng có hình tròn nào trong logo của Google

Sự thật là logo ấy thậm chí chẳng có nổi một hình tròn hoàn thiện.
Sự thật là logo ấy thậm chí chẳng có nổi một hình tròn hoàn thiện.

Ai cũng biết biểu tượng của Google là một chữ G từ một vòng tròn cách điệu, với 4 màu sắc khác nhau.

Thế nhưng sự thật là logo ấy thậm chí chẳng có nổi một hình tròn hoàn thiện. Tất cả đều lệch, chỉ là não bộ của chúng ta có xu hướng "thích" hình tròn, nên bất kỳ thứ gì có yếu tố hình tròn bên trong đều được não tự động vẽ như vậy thôi.

7. Cái sàn nhà này hoàn toàn phẳng phiu

Xung quanh bức tranh có cửa kính phản chiếu khiến hiệu ứng tranh càng mạnh hơn.
Xung quanh bức tranh có cửa kính phản chiếu khiến hiệu ứng tranh càng mạnh hơn.

Nhưng lỗi là ở các hoạ sĩ vẽ tranh 3D! Họ đã tạo ra một tấm hình 3 chiều, và bạn sẽ chỉ nhìn thấy họa tiết ấy mà thôi.

Hiệu ứng tranh còn trở nên mạnh hơn nữa, vì xung quanh bức tranh có cửa kính phản chiếu hình ảnh đó.

8. 2 đường xanh và đỏ có kích cỡ bằng nhau!

Hai đường xanh đỏ này liệu có bằng nhau?
Hai đường xanh đỏ này liệu có bằng nhau?

Như đã nêu, não bộ của chúng ta luôn có xu hướng lấy thông tin xung quanh để dự đoán hình ảnh thu được. Dựa trên bối cảnh, dám chắc 100% sẽ khẳng định rằng chiều dài của vạch xanh và vạch đỏ là khác nhau.

Nhưng thực ra chúng bằng nhau đấy. Nếu bỏ hết khối vuông đi, bạn sẽ thấy nó ngay thôi.
Nhưng thực ra chúng bằng nhau đấy. Nếu bỏ hết khối vuông đi, bạn sẽ thấy nó ngay thôi.

9. Chỉ cần bịt mũi, bạn sẽ chẳng biết mình đang ăn cái gì đâu!

Trên thực tế, việc cảm nhận hương vị món ăn không chỉ là trách nhiệm của lưỡi.
Trên thực tế, việc cảm nhận hương vị món ăn không chỉ là trách nhiệm của lưỡi.

Nhắm mắt, bịt mũi lại đi, sao cho bạn chẳng nhìn hay ngửi thấy gì nữa. Giờ thì hãy nhờ người nào đó cho bạn ăn thử một số món ăn quen thuộc, và đoán xem bạn đang ăn gì?

Trên thực tế, việc cảm nhận hương vị món ăn không chỉ là trách nhiệm của lưỡi, mà còn chịu ảnh hưởng từ thị giác và khứu giác nữa, trong đó, mũi có tác động nhiều nhất.

Trong nhiều thử nghiệm, thậm chí người tham gia còn chẳng phân biệt nổi trứng luộc với kẹo dẻo (marshmallow) nữa cơ.

Cập nhật: 13/01/2018 Theo helino
  • 36
  • 4.378