Ác mộng rác thải điện tử

  •  
  • 1.355

Tháng chín vừa qua, hải quan Hong Kong được những nhà bảo vệ môi trường thuộc Tổ chức Basel Action Network (Mỹ) báo trước về hai container hàng nhập từ Mỹ. Khi mở ra, họ phát hiện hàng trăm màn hình máy tính và tivi đã qua sử dụng.

Đó chỉ là hai trong số 20 container "rác điện tử" nhập từ Mỹ mà hải quan Hong Kong phát hiện trong chín tháng của năm. Hãng tin AP dẫn nguồn những nhà bảo vệ môi trường ước tính hằng năm có trên 200.000 tấn đồ điện tử thu hồi để tái chế ở Mỹ bị xuất đi nước ngoài.

Đường đi của rác

Khoảng 70% trong số 20-50 triệu tấn rác điện tử hằng năm trên toàn thế giới được đưa đến Trung Quốc, phần còn lại chủ yếu đến Ấn Độ và các nước châu Phi. Thị trấn Quý Dữ ở thành phố Sán Đầu, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc được xem là bãi rác điện tử lớn nhất thế giới, mỗi năm tiếp nhận 1 triệu tấn rác điện tử.

Hiện có khoảng 100.000 công nhân thu nhặt phế liệu tại Quý Dữ với mức thu nhập bình quân 1,5 USD/ngày. Môi trường ở thị trấn này bị ô nhiễm nghiêm trọng, người lạ đến đây thường bị đau đầu, cảm thấy vị kim loại lạ trong miệng. Mạch nước ngầm bị ô nhiễm nặng không thể uống được, còn hàm lượng chì trong sông suối cao gấp hai lần tiêu chuẩn của châu Âu.

Những người thạo tin ở Mỹ cho biết đa số "rác cao cấp" được thu gom tại những điểm tái chế miễn phí tổ chức hằng năm nhân Ngày Trái đất (22-4). Ngoài ra các công ty, trường học, cơ quan địa phương… thường thuê những đại lý tính phí rẻ nhất để "xử lý” hàng điện tử phế thải mà chẳng quan tâm chúng sẽ đi về đâu.

Trở lại với sự kiện hai container ở Hong Kong, điều tra cho thấy chúng được Fortune Sky USA xuất đi. Đây là công ty con của một công ty Trung Quốc đặt văn phòng tại Cordova, bang Tennessee, chuyên xuất khẩu máy tính và linh kiện cũ đến một số nước châu Á, chủ yếu là Trung Quốc, Malaysia và Việt Nam. Ông Vincent Yu, tổng giám đốc Fortune Sky, thản nhiên: "Ở các nước đó thị trường máy tính cũ rất lớn. Tôi nghĩ chúng sẽ không gây ô nhiễm gì đâu! Nếu các thiết bị vẫn còn dùng được thì đó là điều tốt cho mọi người chứ sao!".

Tuy nhiên, các nhà bảo vệ môi trường không tin vào lập luận của những công ty như Fortune Sky. Họ tố cáo rằng các công ty này hầu như chẳng đời nào kiểm tra xem hàng còn dùng được hay không trước khi xuất. "Tái sử dụng chỉ là cái cớ. Nó là tờ thông hành mới để xuất khẩu" - Jim Puckett, đại diện Basel Action Network có trụ sở tại Seattle, nhận xét.

Thực tế cho thấy khi đến nơi, các sản phẩm "tái sử dụng" sẽ được công nhân dùng búa, thậm chí tay không để "xả thịt" lấy các nguyên liệu như kim loại, thủy tinh... bất chấp nguy cơ về sức khỏe và môi trường. Các sản phẩm này đều chứa hóa chất độc hại như thủy ngân, catmi, chì… Puckett bức xúc: "Đúng là các thiết bị này được tái chế, nhưng bằng một cách kinh khủng nhất mà bạn có thể hình dung. Chúng ta (người Mỹ) đang bảo vệ môi trường của mình, nhưng lại làm ô nhiễm những nước khác".

Xuất khẩu vì... phí tái chế quá cao

Theo số liệu của Cục Bảo vệ môi trường Mỹ (EPA), mỗi năm người dân nước này thải ra 2 triệu tấn rác điện tử, đa số được bỏ ở các bãi rác. Tuy nhiên, ngày càng nhiều tiểu bang ra lệnh cấm bỏ rác điện tử tại các bãi này. Thêm vào đó, chi phí để loại bỏ rác điện tử khá cao càng góp phần đẩy những loại rác này vào con đường... xuất ngoại. EPA cho biết chi phí xuất khẩu rác điện tử rẻ hơn 10 lần so với chi phí xử lý trong nước.

Xử lý phế liệu ở Trung Quốc.
(Ảnh: Publicresearchworks.org)

Có lẽ vì lý do đó mà Mỹ không khuyến khích nhưng cũng chẳng cấm đoán xuất khẩu rác điện tử. Mỹ chỉ cấm xuất khẩu màn hình máy tính và tivi có ống tia âm cực (CRT) nếu không có sự cho phép của nước nhập khẩu. Tuy nhiên, nhiều sản phẩm kiểu này vẫn "lên đường" an toàn. Lý do mà chính quyền liên bang đưa ra là không đủ nhân lực để kiểm tra hết các kiện hàng xuất khẩu.

Ông Matt Hale, giám đốc bộ phận chất thải rắn của EPA, nói cục cũng nhận thức được vấn đề nhưng cấm xuất khẩu không phải là một giải pháp tốt. Ông đưa ra lý lẽ vì đa số hàng điện tử được sản xuất ở nước ngoài nên đem chúng đi tái chế ở nước ngoài là chuyện hợp tình hợp lý(!). "Điều chúng ta cần làm là hợp tác trên phương diện quốc tế để nâng cao tiêu chuẩn ở nơi nhận tái chế" - ông phân tích.

Nhiều nhà bảo vệ môi trường tin rằng giải pháp nằm ở việc bắt buộc các nhà sản xuất hàng điện tử tự thu hồi và tái chế sản phẩm do mình làm ra. Qui định như vậy sẽ khuyến khích các nhà sản xuất nghiên cứu công nghệ để làm ra sản phẩm dễ tái chế hơn, chứa ít hóa chất độc hại hơn. Hiện nay chỉ mới có tám tiểu bang ở Mỹ thông qua qui định này. Một số hãng sản xuất như Apple, Dell, Hewlett-Packard và Sony đã bắt đầu áp dụng chính sách thu hồi miễn phí hàng chính hãng đã qua sử dụng.  

THANH TRÚC

Theo Tuổi trẻ
  • 1.355