10 câu đố vui về vũ trụ

Khoa học ngày nay tiến nhanh đến mức đôi khi bạn khó lòng nhận ra đâu là sự thực, đâu là giả tưởng. 10 tuyên bố sau đây bấp bênh giữa hai trạng thái này. Với mỗi câu, bạn hãy phân biệt thực tế - viễn tưởng, và tìm lời giải ở bên dưới.

1. Chúng ta đã có bằng chứng chắc chắn rằng hệ mặt trời không phải là duy nhất. Chúng ta biết rằng có rất nhiều mặt trời khác với các hành tinh xung quanh.

2. Một số sinh vật có thể sống sót trong vũ trụ vài năm, mà không cần bất cứ lớp bảo vệ nào.

3. Đã tìm thấy những sinh vật có thể sống sót trong những vùng nước nóng tới 112 độ C.

4. Chúng ta đã có bằng chứng rằng một vài dạng sống tồn tại ở ngoài trái đất, ít nhất ở dạng nguyên thuỷ.

5. Chúng ta đã có công nghệ cần thiết để gửi các nhà du hành tới vì sao khác trong một khoảng thời gian hợp lý. Vấn đề duy nhất là một sứ mệnh như vậy sẽ cực kỳ đắt đỏ.

6. Tất cả các hành tinh khí khổng lồ trong hệ mặt trời (sao Mộc, sao Thổ, sao Thiên vương và Hải vương) đều có các vành sáng.

7. Trong loạt phim Chiến tranh giữa các vì sao, máy bay chiến đấu TIE được đẩy bằng động cơ ion. Tuy những phi thuyền đó là giả tưởng, song động cơ ion thực sự đang hoạt động trên một vài tàu không gian ngày nay.

8. Không có lực hấp dẫn trong vũ trụ.

9. Cơ sở của việc "chuyên chở tức thời qua không gian xa cách" (teleportation) - nổi tiếng trong loạt phim Star Trek - nghe qua chỉ là lý thuyết. Thực tế, các nhà khoa học đã "chuyển tức thời" trạng thái lượng tử của các nguyên tử đơn lẻ từ vị trí này sang vị trí khác.

10. Tatooine, hành tinh quê hương của Luke Skywalker trong phim Chiến tranh giữa các vì sao có hai mặt trời - điều được các nhà thiên văn gọi là hệ sao đôi. Các nhà khoa học gần đây đã khám phá ra rằng các hành tinh thực sự có thể hình thành trong những hệ sao như vậy.

Đáp án

1. Đúng

Các kính thiên văn và thiết bị dò tiên tiến đã giúp phát hiện ra hàng chục hệ hành tinh mới trong thập kỷ qua, trong đó có một vài hệ có chứa nhiều hành tinh. Một số hệ trong đó rất giống với thái dương hệ của chúng ta.

2. Đúng

Một tập đoàn nhỏ loài vi khuẩn quen thuộc Streptococcus mitis đã đi "lậu vé" trong gần 3 năm trên con tàu Surveyor của NASA, một phi thuyền không người lái hạ cánh trên mặt trăng vào năm 1967. Phi đoàn của tàu Apollo 12 đã thu lại các sinh vật này và đưa chúng trở về trái đất trong điều kiện vô sinh. Thí nghiệm ngoài dự kiến này chứng tỏ rằng có những sinh vật nào đó có thể sống sót nhiều năm trong điều kiện tiếp xúc với bức xạ vũ trụ, tình trạng chân không vũ trụ, thời tiết băng giá, không dinh dưỡng, nước hoặc năng lượng. Một số nhà nghiên cứu cho rằng sự sống có thể đã du lịch từ sao Hoả tới trái đất trên một thiên thạch.

3. Đúng

Hơn 50 vi sinh vật ưa ấm đã được tìm thấy đang sống vô tư ở nhiệt độ cực cao trong những địa điểm như suối nước nóng ở Công viên quốc gia Yellowstone (Mỹ) và trên tường của các "ống khói" dưới đáy biển. Một số loài phân chia tốt nhất ở 105 độ C, và vẫn có thể sinh sản ở 112 độ. Các vi khuẩn cũng được tìm thấy dưới lớp băng gần các cực, trong hồ nước có tính kiềm cao, và dưới mặt đất sâu, ăn thức ăn là đá.

4. Giả tưởng

Dù cho nhiều nhà khoa học phỏng đoán rằng tồn tại sự sống ngoài trái đất, thì cho đến nay vẫn chưa có bằng chứng cuối cùng về điều đó. Các chuyến bay trong tương lai tới Hoả tinh, mặt trăng Europa của sao Mộc và các kính thiên văn vũ trụ mới sẽ tìm kiếm câu trả lời cho nghi vấn dai dẳng này.

5. Giả tưởng

Ngay cả phi thuyền Voyager không người lái, rời xa hệ mặt trời của chúng ta từ nhiều năm trước với tốc độ gần 60.000 km mỗi giờ, cũng phải mất 76 nghìn năm để tới được ngôi sao gần nhất. Do các khoảng cách là quá lớn như vậy, những chuyến bay liên hành tinh sẽ cần tới các loại phương tiện di chuyển với tốc độ gần bằng vận tốc ánh sáng. Điều này vượt quá giới hạn của các phi thuyền hiện nay, dù cho có đổ tiền vào bao nhiêu đi nữa.

6. Đúng

Các vành sáng của sao Thổ là nổi tiếng nhất và có thể nhìn thấy, nhưng chúng không phải là duy nhất. Các vòng sáng cũng xuất hiện cả trên Thiên vương tinh và Hải vương tinh.

7. Đúng

Đẩy tàu bằng ion từ lâu đã được đề cập đến trong nhiều tiểu thuyết viễn tưởng, nhưng trong những năm gần đây, người ta đã thử nghiệm thành công một số phi thuyền không người lái theo công nghệ này, như chiếc Deep Space 1 của NASA.

8. Giả tưởng

Nếu trong vũ trụ quả thực không có lực hấp dẫn, mặt trăng sẽ trôi ra xa khỏi trái đất, và toàn bộ hệ mặt trời của chúng ta sẽ giạt đi tứ phía. Quả thực lực hấp dẫn giảm dần theo khoảng cách, nhưng nó không bao giờ biến mất hoàn toàn, dù cho bạn có đi trong vũ trụ xa đến mấy. Các nhà du hành dường như trải qua cảm giác "không trọng lượng" vì họ luôn ở trong tình trạng rơi tự do xung quanh trái đất.

9. Đúng

Ngay từ cuối thập kỷ 1990, các nhà khoa học đã chứng minh rằng họ có thể chuyển tức thời dữ liệu bằng các photon, nhưng các photon lại bị hấp thụ lên các bề mặt mà chúng va vào. Gần đây hơn, các nhà khoa học tại Đại học Innsbruck ở Áo và Viện Tiêu chuẩn và Công nghệ Quốc gia Mỹ, lần đầu tiên đã chuyển tức thời thông tin giữa các nguyên tử, sử dụng nguyên tắc vướng lượng tử.

Các chuyên gia cho biết công nghệ này cuối cùng có thể dẫn đến sự ra đời của máy tính lượng tử siêu tốc. Nhưng tin tức xấu, ít nhất với các fan của phim khoa học viễn tưởng, là các chuyên gia không dự đoán chúng ta có thể "cân đẩu vân" trong nháy mắt theo cách thức này.

10. Đúng

Các hệ sao đôi rất phổ biến trong thiên hà Milky Way của chúng ta. Ngay cả những hệ thống 3 sao cũng tồn tại trong sự hài hoà về hấp dẫn. Trong số hơn 100 hành tinh mới được tìm thấy trong những năm gần đây, một số được tìm ra xung quanh các hệ sao đôi. Song than ôi! chưa ai tìm thấy một hành tinh có người ở giống như Tatooine.

Thuận An (theo Space)

Theo VnExpress
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video