Nhiều điểm đến tuyệt diệu đang bị đe dọa bởi sự tàn phá của con người và biến đổi khí hậu, có nguy cơ biến mất vĩnh viễn.
Núi Kilimanjaro, Tanzania (Đông Phi): Phần đỉnh phủ tuyết trắng nổi bật giữa khung cảnh hoang mạc ấn tượng của núi Kilimanjaro có thể sẽ không còn tồn tại được lâu. Từ năm 1912 tới 2007, lượng băng trên đỉnh núi đã giảm 85%. (Ảnh: Daily Mail).
Lưu vực Mirador và công viên quốc gia Tikal, Guatemala (Trung Mỹ): Lưu vực Mirador và công viên quốc gia Tikal là nơi có những di tích bí ẩn của nền văn minh Maya cổ xưa. Tuy nhiên, nạn khai quật bất hợp pháp để tìm kho báu và đốt rừng đe dọa tới sự tồn tại của điểm đến lịch sử này. (Ảnh: National Geographic).
Sông băng vùng Patagonia, Argentina: Các sông băng hùng vĩ của vùng Patagonia là một trong những điểm tham quan đẹp nhất thế giới. Lượng mưa giảm và nhiệt độ tăng cao khiến kỳ quan thiên nhiên này đang ngày càng thu hẹp. (Ảnh: BookMundi).
Rừng Madagascar (Đông Phi): Những khu rừng khuyên sinh của Madagascar nổi tiếng với độ đa dạng sinh học và khung cảnh hiếm có. Chúng được dự đoán sẽ chỉ tồn tại trong 35 năm tới do cháy rừng và sự tàn phá trên diện rộng của con người. (Ảnh: Carbon Brief).
Venice, Italy: Nếu muốn tận hưởng chuyến đi lãng mạn trên những chiếc gondola, bạn nên lập kế hoạch sớm. Venice đang chìm dần và việc này không có dấu hiệu dừng lại. Thành phố ngày càng hứng chịu những trận lụt dữ dội. (Ảnh: TripSavvy).
Quần đảo Galapagos, Ecuador: Quần đảo nằm ở vùng xa xôi hẻo lánh này có hệ động thực vật độc nhất vô nhị. Tuy nhiên, sự xuất hiện của quá nhiều du khách đem theo các loài ngoại lai đang đe dọa tới hệ sinh thái và các loài bản địa. (Ảnh: Silversea).
Lưu vực Congo, châu Phi: Lưu vực Congo là khu rừng mưa lớn thứ hai thế giới, với độ đa dạng sinh học ấn tượng. Nơi này có tới 10.000 loài cây, 1.000 loài chim và 400 loài động vật có vú. Liên Hợp Quốc dự đoán 2/3 diện tích rừng sẽ bị phá hủy hoàn toàn trước năm 2040. (Ảnh: Ensia).
Biển Chết: Biển Chết thực chất là một hồ nước mặn khổng lồ. Diện tích hồ đã thu hẹp 1/3 trong 40 năm qua. Nếu các quốc gia dọc bờ Biển Chết tiếp tục dùng nước từ Jordan, con sông duy nhất cấp nước cho hồ, khu vực này sẽ hoàn toàn biến mất trong 50 năm nữa. (Ảnh: Insider).
Công viên quốc gia cây Joshua, Mỹ: Là thực vật đặc hữu của sa mạc Mojave, Califonia, cây Joshua có vẻ ngoài ấn tượng. Tuy nhiên, do hạn nặng kéo dài trong năm qua, chúng đang thiếu nước nghiêm trọng. Nếu tình trạng không tiến triển, cây Joshua sẽ không thể sinh ra thế hệ tiếp theo. (Ảnh: Los Angeles Times).
Rạn san hô Great Barrier, Australia: Rạn san hô lớn nhất thế giới tại Australia đã giảm hơn nửa diện tích do nhiệt độ tăng lên trong 30 năm qua. San hô bạc màu do ô nhiễm axit là một mối lo khác. Các nhà khoa học dự đoán nơi này sẽ biến mất trước năm 2030. (Ảnh: Barrierreef).