Sao Kim, hành tinh thứ hai gần Mặt Trời là một vì tinh tú khá kỳ thú. Hãy cùng khám phá những điều kỳ lạ về một trong những người “anh em láng giềng” gần gũi nhất với Hành Tinh Xanh của chúng ta trong Hệ Mặt Trời.
1. Nhiều núi lửa
Sao Kim có nhiều núi lửa hơn bất kỳ hành tinh nào khác trong Hệ Mặt Trời. Các nhà thiên văn học đã đếm được 1.600 ngọn núi lửa trên bề mặt Kim tinh, nhưng rất có thể con số này sẽ còn nhiều hơn do kích thước quá nhỏ mà chúng ta không thể nhìn thấy. Các nhà khoa học cho rằng phần lớn núi lửa trên Sao Kim đã ngủ yên mặc dù có thể có một số ít vẫn đang hoạt động.
2. Ngày dài hơn năm
Ở góc nhìn từ phía cực Bắc của Mặt Trời, sao Kim là một trong hai hành tinh của hệ tự quay quanh trục theo chiều kim đồng hồ. Chuyển động theo cách đặc biệt với tốc độ quay siêu chậm, khiến một ngày ở trên sao Kim dài bằng 243 ngày của Trái Đất. Thậm chí, thời gian này còn dài hơn cả một năm của nó (tính chu kỳ quay hết một vòng quanh mặt trời), vốn chỉ bằng 225 ngày của Trái Đất.
3. Anh em sinh đôi của Trái Đất?
Trong số tất cả các hành tinh thuộc hệ Mặt Trời thì Sao Kim có nhiều đặc điểm giống với Trái Đất nhất. Cả hai hành tinh này đều có kích thước gần ngang bằng nhau và cấu tạo của sao Kim cũng gần giống như Trái Đất. Quỹ đạo của Kim tinh cũng gần với quỹ đạo của Trái Đất hơn bất cứ hành tinh nào khác trong hệ Mặt Trời. Cả hai hành tinh đều có bề mặt còn khá trẻ và đều có bầu khí quyển dày, nhiều mây (tuy nhiên, cần chú ý rằng các đám mây của Sao Kim chủ yếu là acid sulfuric độc).
4. Nóng cực độ
Bên cạnh việc nằm gần mặt trời, một nguyên nhân khác khiến sao Kim có nhiệt độ bề mặt cực kỳ cao, chính là “hiệu ứng nhà kính”. Để hiểu rõ hơn về loại hiệu ứng đang được nhắc đến rất nhiều trong thời gian gần đây, hãy xem ví dụ trực quan nhất là trái đất của chúng ta. Cứ mỗi giây trôi qua, ánh sáng mặt trời lại gửi xuống trái đất thêm nhiệt lượng thông qua tia bức xạ.
Các tia này sau khi đến được mặt đất sẽ tái bức xạ lại vũ trụ. Tuy nhiên, bầu khí quyển, mà đặc biệt là khí CO2 trong đó, lại ngăn cản quá trình tái bức xạ. Chính hiện tượng này là nguyên nhân khiến trái đất nóng lên từng ngày. Trong trường hợp của sao Kim, tình trạng trên thậm chí còn tồi tệ hơn rất nhiều.
Do phần lớn khí quyển của Sao Kim là carbon dioxide nên hiện tượng hiệu ứng nhà kính cực lớn làm cho bề mặt của hành tinh này nóng lên. Nhiệt độ ở đây có thể lên tới 870 độ F (470 độ C), sao Kim là hành tinh nóng nhất trong Hệ Mặt Trời. Một số nhà khoa học từng cho rằng sao Kim đã có những đại dương trong quá khứ, nhưng đã bốc hơi khi nhiệt độ hành tinh tăng lên do hiệu ứng nhà kính mất kiểm soát. Toàn bộ bề mặt của Sao Kim là một hoang mạc khô cằn với đá và bụi.
5. Áp suất rất cao
Áp suất không khí trên bề mặt Sao Kim cực lớn, cao hơn khoảng 90 lần áp suất của mực nước biển trên Trái Đất. Nói cách khác, áp suất trên Kim tinh tương đương với áp suất nước đại dương Trái Đất ở độ sâu 1km.
Tàu vũ trụ Nga, Venera, thực ra đã hạ cánh xuống bề mặt hành tinh và chụp gửi và những hình ảnh tuyệt đẹp về sự khắc nghiệt trên mặt đất, nhưng với sức nóng khủng khiếp, áp suất và những điều kiện khắc nghiệt khác, tàu du hành đã không tồn tại lâu được sau khi hạ cánh.
6. Từ Trái Đất có thể nhìn thấy Sao Kim lướt qua Mặt Trời
Sao Kim nằm trong số hiếm hoi các hành tinh mà chúng ta có thể quan sát được khi nó lướt qua Mặt Trời. Trái Đất là hành tinh thứ ba của hệ Mặt Trời, vì thế chúng ta chỉ có thể quan sát được sự kiện trên với hai hành tinh là Sao Thủy và Sao Kim. Sao Kim lướt qua Mặt Trời là hiện tượng rất hiếm gặp, phải hơn một thế kỷ mới lại xảy ra một cặp, tức hai lần diễn ra cách nhau khoảng 8 năm.
7. Hành tinh sáng nhất
Trong hệ Mắt Trời, Sao Kim không phải là hành tinh lớn nhất nhưng vị trí gần Trái Đất khiến nó trở thành ngôi sao sáng nhất trên bầu trời. Nó cũng là vật thể sáng thứ hai về ban đêm chỉ sau Mặt Trăng.
Sao Kim đạt độ sáng lớn nhất ngay sát thời điểm hoàng hôn hoặc bình minh, do vậy mà dân gian còn gọi là sao Hôm (khi hành tinh này mọc lên lúc hoàng hôn) và sao Mai (khi hành tinh này mọc lên lúc bình minh).
8. Bí mật của người cổ đại
Sao Kim đã là mục tiêu quan sát của con người từ hàng thiên niên kỷ nay. Theo ghi chép, từ 1.600 năm trước Công Nguyên, người Babylon cổ đại đã theo dõi quỹ đạo của hành tinh này trên bầu trời. Nhà toán học Hy Lạp Pythagoras là người đầu tiên phát hiện ra rằng những ngôi sao sáng nhất vào sáng sớm và chiều tối thực tế chính là một - Sao Kim.
9. Hành tinh gió
Những cơn gió thổi qua Sao Kim ở siêu vận tốc, có thể đạt tới 724kph trên lớp mây giữa. Những cơn gió trên Sao Kim còn nhanh hơn cả những cơn cuồng phong mạnh nhất của Trái Đất. Các nhà thiên văn học nói gió sao kim thổi nhanh đến nỗi chúng gây ra sự "siêu quay", khiến các đám mây bị thổi quay 1 vòng quanh hành tinh chỉ trong 4 ngày trên trái đất.
10. Sao Kim cũng có pha
Ở Mặt Trăng, chu kì pha là 29 ngày hay còn gọi là tuần trăng. Do Sao Kim quay quanh Mặt Trời trong phạm vi quỹ đạo của Trái Đất nên hành tinh này cũng có các pha như Mặt Trăng. Khi Sao Kim ở vị trí đối diện với Mặt Trời là lúc nó đang ở pha tròn nhất (như trăng tròn) và khi hành tinh này nằm giữa Trái Đất và Mặt Trời, nghĩa là nó đang ở pha mới (như trăng đầu tháng).
Người đầu tiên được chứng kiến những pha này là nhà thiên văn học người Italia Galileo Galilei, năm 1610.
11. Có thể tồn tại dạng sống trong đám mây của sao Kim
Điều kiện tự nhiên trên bề mặt sao Kim quá khắc nghiệt cho sự tồn tại của bất kỳ dạng sống nào. Tuy nhiên, các nhà khoa học đã khám phá ra rằng, ở trong bầu khí quyển của nó, mà cụ thể là tại vị trí thuộc độ cao 50-60 km, lại có những đặc điểm về nhiệt độ cũng như áp suất khá tương đồng với Trái Đất. Đây cũng chính là lý do khiến nhiều chuyên gia tin vào việc có thể tồn tại một số loài sinh vật đặc biệt, đang cư ngụ ở khu vực này trên sao Kim.
12. Một đám mây bay một vòng quanh sao Kim chỉ mất 4 ngày
Trái ngược với tốc độ tự quay quanh trục hết sức ì ạch, bầu khí quyển trên sao Kim lại rất linh động. Theo đó, ở hành tinh này, luôn tồn tại những trận cuồng phong cực mạnh, có tốc độ lên đến 724km/h. Những cơn gió này có khả năng đẩy các đám mây bay trọn một vòng sao Kim mà chỉ mất có 4 ngày. Các nhà khoa học đã đặt tên cho hiện tượng này là “siêu quay”. Do đó, cũng có thể hiểu rằng, bầu khí quyển của sao kim tự quay quanh trục hành tinh với chu kỳ 4 ngày.