Muỗi có thể hút lượng máu lớn gấp ba lần khối lượng cơ thể mà hoàn toàn không bị phát hiện.
Mùi chocolate làm muỗi bối rối
Khí carbon dioxide (CO2) mà con người thở ra kích thích và thu hút muỗi. Nhưng chúng ta không thể ngừng thở để ngăn chặn các cuộc tấn công của chúng, theo Mother Nature Network.
Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng, một số mùi hương nhất định như bạc hà, trái cây, chocolate caramel, có thể làm vô hiệu hóa bộ phận nhận biết khí CO2 của muỗi, khiến chúng gặp khó khăn trong việc tìm "bữa tối" của mình.
Muỗi thường bay quanh đầu
Muỗi đực không hút máu động vật mà hút mật hoa để sống. (Ảnh: iStock).
Muỗi có khả năng cảm nhận khí CO2 ở khoảng cách 30m. Do con người thở CO2 qua đường mũi và miệng nên muỗi có xu hướng bay quanh đầu chúng ta. Tiếng kêu vo ve của muỗi bên tai là nguyên nhân khiến chúng ta "tự tát trong khi ngủ" nhiều hơn bất kỳ nguyên nhân nào khác.
Muỗi đực không hút máu người
Trong khi muỗi cái hút máu động vật thì muỗi đực chỉ hút mật hoa để sống.
Virus làm tăng sự khát máu của muỗi
Các nhà khoa học phát hiện virus gây bệnh sốt xuất huyết khiến muỗi trở nên khát máu hơn. Loại virus này kích hoạt các gene làm tăng khả năng cảm nhận mùi của muỗi, biến chúng trở thành những thợ săn giỏi hơn.
Muỗi có thể bị nhiễm ký sinh trùng
Muỗi nhiễm ký sinh trùng gây bệnh sốt rét hút máu nhiều hơn và thường xuyên hơn so với muỗi bình thường. Chúng cũng bị hấp dẫn bởi mùi mồ hôi của con người nên thường bay quanh người đi tất thối.
Nguyên nhân muỗi đốt gây ngứa
Triệu chứng ngứa và sưng khi bị muỗi đốt là một phản ứng của cơ thể với kháng nguyên trong nước bọt của muỗi. Vì khi muỗi đốt chúng bơm một chút nước bọt để "gây tê", nên chúng ta không nhận ra đang bị muỗi đốt. Chất này còn có tác dụng chống đông máu nên muỗi có thể tự do hút máu đến no.
Không phải tất cả muỗi đều mang virus West Nile
Trong số hàng nghìn loài muỗi tồn tại trên Trái Đất, chỉ có khoảng 60 loài muỗi mang virus West Nile và truyền bệnh cho con người. Gần 80% số người nhiễm virus này không có bất kỳ triệu chứng nào. 20% bệnh nhân còn lại có các biểu hiện sốt, cảm cúm, mệt mỏi, tiêu chảy, đau khớp, nôn mửa, phát ban. Một số trường hợp nặng dẫn đến co giật, sưng não, viêm màng não, thậm chí tử vong.
Muỗi bay với tốc độ từ 1,6 - 2,4km/h.
Alexander Đại đế chết vì bị muỗi đốt
Alexander Đại đế, vị vua của Macedonia chinh phục thành công đế chế Ba Tư, là một trong những vị tướng thành công nhất trong lịch sử. Theo một bài báo đăng trên tạp chí Emerging Infectious Diseases vào năm 2003, các nhà khoa học Mỹ cho rằng Alexander Đại đế qua đời do mắc bệnh, gây ra bởi muỗi nhiễm virus West Nile.
Muỗi bay khá chậm
Muỗi bay với tốc độ từ 1,6 - 2,4km/h. Điều này khiến chúng bị xếp vào một trong những loài côn trùng bay chậm nhất thế giới.
Muỗi là loài nguy hiểm nhất thế giới
Loài nguy hiểm nhất thế giới không phải là hổ, cá mập hay rắn mà chính là muỗi. Trên thực tế, muỗi là sinh vật giết chết nhiều người nhất trên hành tinh với khả năng truyền các bệnh nguy hiểm như sốt xuất huyết, sốt rét, sốt vàng và viêm não. Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trung bình 45 giây ở châu Phi có một trẻ em bị chết do mắc bệnh sốt rét.