Muỗi không chỉ gây khó chịu, chúng còn lây lan nhiều căn bệnh chết người. Vì thế, muỗi là một trong những loài nguy hiểm nhất trên Trái đất.
>>> Tại sao một số người không bị muỗi đốt?
Đúng thế, những loài vật nguy hiểm nhất trên trái đất có thể bị chúng ta giết chết bằng một cái đập tay – nhưng nếu chúng cắn chúng ta, chúng có thể đã khiến chúng ta mắc một căn bệnh chết người.
Những bệnh lây truyền qua muỗi và những loài côn trùng "họ muỗi" giết chết hơn một triệu người mỗi năm và lây nhiễm các loại bệnh cho hơn một tỷ người, gây suy nhược, đau, tổn thương não, mù mắt và các ảnh hưởng nghiêm trọng khác.
Hiện nay, một nửa dân số thế giới bị xem là có nguy cơ cao mắc bệnh lây truyền qua các loài bọ hút máu như bọ ve, rận, muỗi. Nhân hôm nay là ngày Ngày Y tế Thế giới, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã cảnh báo một nguy cơ rất thực tế với khẩu hiệu mạnh mẽ: "Một vết cắn nhỏ, một mối nguy lớn".
Trên toàn cầu, loài vật nguy hiểm nhất mang theo mầm bệnh và gây bệnh truyền nhiễm là muỗi. Sau đây là 11 lý do giải thích vì sao muỗi lại nguy hiểm nhất do trang Business Insider đưa ra:
1. Muỗi khiến 40% dân số thế giới có nguy cơ bị sốt xuất huyết
Sốt xuất huyết khiến người bệnh rất đau, cảm giác như xương bị gãy. Đó là căn bệnh do muỗi gây ra, có tốc độ lây lan nhanh nhất trên thế giới, với 40% dân số thế giới đang đối mặt với nguy cơ. Mỗi năm, có từ 50 đến 100 triệu người bị sốt xuất huyết. Mặc dù thường không gây tử vong, sốt xuất huyết vẫn là một nguyên nhân gây tử vong hàng đầu cho trẻ em ở một số nước Mỹ Latinh và châu Á.
Bệnh cũng có thể phát triển thành xuất huyết nặng, tình trạng xuất huyết đó nguy hiểm hơn rất nhiều, gây chảy máu, suy tạng và nôn mửa liên tục.
Không có thuốc hay vaccine ngừa bệnh sốt xuất huyết. Phương pháp điều trị thường chỉ là cố gắng cho bệnh nhân giữ nước.
2. Muỗi lây lan bệnh sốt vàng da
Mỗi năm có khoảng 200.000 người lây nhiễm bệnh sốt vàng da - và 30.000 tử vong. Đó là một dạng bệnh sốt xuất huyết không có biện pháp điều trị. Sau một thời gian bệnh nặng, hầu hết bệnh nhân hồi phục, nhưng khoảng 15% bị biến chứng độc hại, bắt đầu bị chảy máu trong và rối loạn các cơ quan nội tạng. Khoảng một nửa số bệnh nhân bị biến chứng tử vong.
Các ca bệnh sốt vàng da đã tăng từ những năm 1980 do khả năng miễn dịch của con người suy giảm, do nạn phá rừng, biến đổi khí hậu, du lịch hàng không gia tăng, và tỷ lệ lây nhiễm cao hơn ở các thành phố do một giống muỗi gọi là muỗi Aedes aegypti.
Tuy nhiên, có vaccine phòng bệnh hữu hiệu cho bệnh này – với một liều duy nhất sẽ cung cấp miễn dịch suốt đời. Nhiều quốc gia không cho phép khách du lịch nhập cảnh nếu chưa tiêm phòng.
3. Muỗi gây ra bệnh sốt chikungunya
Sốt chikungunya là bệnh do virus chikungunya lây nhiễm qua trung gian của muỗi truyền bệnh. Bệnh tồn tại trên thế giới từ nhiều thế kỷ rồi, nhưng chỉ mới xuất hiện ở châu Mỹ lần đầu tiên vào cuối năm 2013.
Tên của bệnh xuất phát từ một từ trong ngôn ngữ Tanzania, có nghĩa là "méo mó", ý nói căn bệnh gây ra các cơn đau khớp nặng, kéo dài trong nhiều tuần, và trong một số trường hợp có thể kéo dài hàng tháng, hàng năm.
"Tôi đã ở châu Phi và chứng khiến trẻ em la hét hàng ngày dài vì đau đớn do bệnh chikungunya", cố vấn kỹ thuật Joe Conlon của Hiệp hội kiểm soát Muỗi tại Mỹ nói.
Con người có rất ít khả năng miễn dịch tự nhiên đối với bệnh chikungunya, vì thế muỗi có thể lây lan virus chikungunya rất nhanh chóng trên toàn dân số. Năm 2005, một đợt bùng phát bệnh chikungunya tại đảo La Reunión (Pháp) đã gây bệnh cho 200.000 trong số 750.000 cư dân tại đây, mặc dù loài muỗi trên đảo là Muỗi Hổ châu Á (Asian Tiger Mosquitoes) không có khả năng lây lan virus chikungunya. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận ra loài muỗi này đã biến đổi và có khả năng lây bệnh.
4. Muỗi biến trường hợp cá biệt thành dịch bệnh
Bất kỳ người nào nhiễm bệnh lây truyền qua muỗi đều có thể mang nó đến một quốc gia khác, và gây ra dịch bệnh nếu họ bị một con muỗi khác cắn – điều này xảy ra rất thường xuyên.
Năm 2007, một người đàn ông Italia trở về nhà từ Ấn Độ, vô tình bị một con muỗi mang virus chikungunya cắn. Khi trở về nhà, ông tới thăm một người anh em họ - và trong vòng 3 tháng, hơn 200 người đã bị nhiễm bệnh.
5. Muỗi khiến con người cũng mắc các căn bệnh gia cầm
Mặc dù loài virus West Nile chỉ có trên các loài chim, song con người cũng có thể mắc virus này - thường là từ con muỗi đã cắn vào con chim. Hầu hết mọi người không có triệu chứng gì, nhưng có 20% người bị sốt - kèm theo nhức đầu, đau nhức cơ thể, đau khớp, nôn, tiêu chảy, hoặc phát ban.
Trong 150 ca nhiễm bệnh, có khoảng 1 ca tiến triển nặng thêm thành viêm não West Nile hoặc viêm màng não West Nile, cả hai đều có khả năng gây tử vong. Ngựa cũng có thể bị bệnh do virus West Nile gây ra. nhưng dù là ngựa hay người đều có thể lan thành dịch bệnh. Và trong khi có vaccine chủng ngừa bệnh này cho ngựa, lại không hề có vaccine cho con người.
6. Muỗi không công bằng chút nào, một số người hay bị muỗi đốt hơn những người khác?
Một số người thực sự là nam châm hút muỗi. Muỗi bị hấp dẫn bởi mùi phát ra từ các vi khuẩn sống trên da con người, và một số người toả ra mùi khiến họ đặc biệt hấp dẫn các loài bọ hút máu. Trái với những gì nhiều người nói, ăn tỏi hay sử dụng thuốc chống muỗi tự nhiên đều không hiệu quả.
7. Muỗi lây lan cơn sốt Rift Valley, có thể gây mù mắt
Bệnh sốt Rift Valley chủ yếu ảnh hưởng đến động vật, nhưng muỗi có thể lây nhiễm bệnh này cho con người, và nó có những triệu chứng rất khủng khiếp.
Một số người không xuất hiện các triệu chứng. Nhưng những ai có triệu chứng, ban đầu họ sẽ cảm giác như bị cúm, sau đó một số bị cứng cổ và khó chịu với ánh sáng. Một số lượng nhỏ (chưa đến 2%) có thể mắc các tổn thương ở mắt khiến họ bị mù, trong khi những người khác (cũng ít hơn 2%) bệnh có thể phát triển thành một dạng bệnh não, có khả năng tử vong hoặc sốt xuất huyết.
Do bệnh sốt Rift Valley chủ yếu ảnh hưởng đến động vật, nên nó có thể khiến ngành nông nghiệp và nền kinh tế lao đao.
8. Muỗi có thể khiến người bệnh tàn tật vĩnh viễn
Bệnh giun chỉ bạch huyết, một chứng bệnh nhiệt đới hầu như đã bị lãng quên, là một nguyên nhân hàng đầu của các thương tật vĩnh viễn cho người dân trên toàn thế giới.
Hiện nay, có hơn 120 triệu người bị nhiễm bệnh này, và khoảng một phần ba trong số này đang bị biến dạng, mất năng lực vì bệnh.
Muỗi lây lan ký sinh trùng giữa con người, sau đó thâm nhập vào hệ thống bạch huyết và sinh sôi nảy nở trong khoảng thời gian 6-8 năm. Chúng có thể làm hỏng hệ thống miễn dịch và thận, sau này có thể gây sưng đau ở cánh tay, chân, và bộ phận sinh dục.
9. Muỗi truyền các bệnh tử vong cho trẻ em
Mặc dù không lây lan giữa người với người, song bệnh viêm não Nhật Bản lại có thể lây từ động vật sang người do muỗi. Bệnh này giết chết khoảng 10.000 người mỗi năm, chủ yếu là trẻ em dưới 5 tuổi. Mặc dù không có phương pháp điều trị song viêm não Nhật Bạn đã có vaccine phòng bệnh hiệu quả.
10. Muỗi lây lan bệnh sốt rét khiến hàng trăm ngàn người tử vong mỗi năm
Từ năm 2000 đến 2012, tỷ lệ tử vong do bệnh sốt rét đã giảm đáng kể - 42% trên toàn cầu. Mặc dù vậy, ước tính riêng trong năm 2012 đã có khoảng 627.000 người chết vì bệnh sốt rét và khoảng 207 triệu người mắc bệnh.
Muỗi cái Anopheles truyền ký sinh trùng Plasmodium trong vết cắn của chúng, sau đó gây sốt cao, ớn lạnh, và triệu chứng như bị cúm nặng, có thể gây tử vong nếu không được điều trị. Bệnh có thể phòng ngừa bằng cách mắc màn ngủ, thuốc chống côn trùng, mặc áo dài tay, và có thể điều trị, nhưng nó vẫn khiến nhiều người tử vong.
11. Muỗi rất khó tiêu diệt hoàn toàn
Nên nhớ, loài muỗi là loài thuộc lớp côn trùng và đã hiện diện trên Trái đất từ 170 triệu năm nay, rất khó để tiêu diệt chúng một cách tận gốc. Muỗi không cần nhiều điều kiện để sống. Bất kỳ dụng cụ chứa nước nhỏ - hoặc bất cứ cái gì có thể hứng nước mưa – đều đủ để muỗi sinh sản. Muỗi cũng đang trở nên kháng thuốc với các thuốc diệt thông thường.
Muỗi cũng di chuyển rất nhanh chóng. Loài muỗi Hổ châu Á (Asian Tiger Mosquito) có thể gây bệnh sốt vàng da, sốt xuất huyết, và chikungunya, đã lan rộng đến 36 tiểu bang tại Mỹ kể từ khi xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1985.