10 loài mới phát hiện ấn tượng nhất năm 2016

Rùa khổng lồ ở Galapagos, cá rồng biển màu hồng ngọc ở Australia hay cây ăn thịt ở Brazil lọt danh sách 10 loài mới nổi bật và ấn tượng nhất năm 2016.

Theo CNN, danh sách10 loài mới nổi bật năm 2016 do Viện Khoa học Môi trường và Lâm nghiệp (ESF) thuộc Hệ thống Đại học bang New York (SUNY), Mỹ, lựa chọn từ khoảng 18.000 loài mới được phát hiện trong năm 2015.


Trong ảnh là loài rùa khổng lồ Chelonoidis donfaustoi sống ở quần đảo Galapagos thuộc Ecuador. Các nhà khoa học xác nhận đây là loài mới thuộc họ rùa khổng lồ trên quần đảo Galapagos sau khi phân tích dữ liệu di truyền. Loài rùa này đang được chú trọng bảo tồn do chỉ có 250 cá thể còn sót lại trong tự nhiên. Rùa Chelonoidis donfaustoi được đặt theo tên kiểm lâm viên nổi tiếng Don Fausto ở Galapagos, người đã dành thời gian 40 năm để bảo vệ chúng.


Loài cây ăn thịt mới Drosera magnifica được tìm thấy trên một ngọn núi cao hơn 1.500 m ở Brazil. Các nhà khoa học cho biết đây là cây ăn thịt lớn nhất thuộc chi gọng vó Drosera với chiều cao lên đến 1,5 mét.


Homo naledi, họ hàng của loài người có một số đặc điểm tương tự của người hiện đại về kích thước và trọng lượng cơ thể. Ngoài ra, hộp sọ của Homo naledi giống với các tổ tiên vượn người khác sống cách đây khoảng 2-4 triệu năm. Phần xương và hộp sọ của người Homo naledi được khai quật tại một hang động ở Nam Phi.


Động vật tí hon Iuiuniscus iuiuensis là loài giáp xác mới được phát hiện tại Brazil, có đặc điểm là bị mù và không có khả năng hấp thu sắc tố. Đặc biệt, loài này có thể ẩn nấp dưới bùn, cho phép nó lột xác mà không bị kẻ thù phát hiện.


Loài cá Lasiognathus dinema thuộc bộ Cá vảy chân được tìm thấy trong lúc các nhà khoa học khảo sát đánh giá thiệt hại từ vụ tràn dầu Deepwater Horizon ở vịnh Mexico. Các nhà khoa học cho biết đây là động vật xấu xí nhất trong danh sách 10 loài mới công bố năm 2016. Loài cá này có chiều cơ thể chỉ khoảng 5 cm, sống dưới độ sâu 1.000 m - 1.500 m. Đặc biệt, trên đầu cá phát triển chiếc cần câu chứa vi khuẩn phát quang sinh học, chiếc bẫy hiệu quả giúp nó thu hút con mồi tới gần.


Loài cá rồng biển Phyllopteryx dewysea, một họ hàng của cá ngựa, có màu đỏ hồng ngọc với chiều dài cơ thể khoảng 24 cm. Phyllopteryx dewysea sinh sống tại vùng biển phía tây Australia, là loài cá rồng biển thứ ba được phát hiện trên thế giới. Nhà sinh vật học hải dương Josefin Stiller tại Viện Scripps, California, Mỹ mô tả Phyllopteryx dewysea có "vẻ đẹp mê hoặc" và là một phát hiện lớn về loài mới. Stiller cho biết loài cá này sống ở độ sâu khoảng 51 m.


Loài bọ cánh cứng Phytotelmatrichis osopaddington được phát hiện trong các vũng nước đọng trong hốc cây hay bẹ lá ở Peru. Nó có kích thước nhỏ đến đến mức phải xếp một hàng 25 con mới lấp đầy chiều dài 2,5 cm trên thước đo.


Hóa thạch gồm bộ xương và hộp sọ có niên đại khoảng 11,6 triệu năm của loài vượn mới, Pliobates cataloniae, được khai quật tại một khu vực bãi rác ở Catalonia, Tây Ban Nha. Hóa thạch này thuộc về một con vượn giống cái nặng khoảng 4-5 kg, được đặt tên là Laia theo tên một vị thánh bảo trợ của Barcelona. Loài vượn cổ này có mối liên hệ họ hàng với con người, vượn người và vượn.


Loài thực vật có hoa Sirdavidia solannona sống tại vườn quốc gia Monts de Cristal ở Gabon. Cây Sirdavidia solannona cao 6 m nhưng có đường kính thân chưa đến 10 cm.


Chuồn chuồn kim Umma gumma tại Gabon nằm trong số 60 loài chuồn chuồn mới được tìm thấy và công bố.

Cập nhật: 31/05/2016 Theo VnExpress
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video