Hàng loạt sự kiện, hàng loạt bản hợp đồng sáp nhập khổng hồ, hàng loạt dự báo, chớm bình minh của kỷ nguyên tương lai đa phương tiện, sự ra mắt của Vista, "cái bắt tay lịch sử" giữa mã nguồn mở và mã nguồn thương mại ... đã biến năm 2006 trở thành "thời điểm giao mùa", hàng loạt người khổng lồ trong lĩnh vực CNTT thế giới đã và đang nỗ lực tự xây dựng hình ảnh vị thế của mình trong kỷ nguyên "hậu PC".
IDG News Service tiến hành bình chọn và lọc ra danh sách 10 sự kiện nổi bật nhất của ngành công nghệ thông tin trong năm qua. Đây được đánh giá là những sự kiện gây được nhiều sự chú ý của công chúng cũng như có tầm ảnh hưởng nhất đến cả ngành công nghiệp CNTT trong năm qua. VnMedia xin giới thiệu đến bạn đọc những sự kiện này.
1. Vụ scăng-dan mang tên HP
Tháng 9 vụ scandal trong nội bộ lãnh đạo của Hewlett-Packard (HP) bị khui lên mặt báo. Hậu quả của vụ bê bối này là sự ra đi của Chủ tịch Patricia Dunn.
Vào thời điểm đó nội bộ lãnh đạo HP quyết định điều tra tới cùng để tìm xem thành viên nào trong ban lãnh đạo đã tiết lộ thông tin với báo giới. Nằm trong diện điều tra này còn có cả cựu Giám đốc điều hành HP, Carly Fiorina.
Để có thể tiếp cận được những thông tin bí mật các nhân viên điều tra của HP nhận lệnh giả vờ làm những người đang bị điều tra. Rồi từ đó hàng loạt thông tin bê bối được phát hiện ra như kiểu HP nghe lén phóng viên ... Một kiểu điều tra được HP đặt tên là "pretexting".
Kết cục là chủ tịch Dunn, trưởng đoàn luật sư Kevin Hunsake cùng với rất nhiều nhân viên điều tra khác bị truy tố trách nhiệm hình sự.
Vụ scandal này được đánh giá là có tầm ảnh hưởng rất lớn. Có lẽ Quốc hội Mỹ sẽ phải xem xét đến việc đưa "pretexting" vào danh sách các tội phạm hình sự liên bang. Bên cạnh đó là những hồi chuông cảnh báo sự quản lý của chính phủ đối với các tập đoàn lớn.
2. Bản thoả thuận lịch sử Microsoft - Novell
Bản thoả thuận này đã gây nên một sự lo ngại lớn trong cộng đồng mã nguồn mở bởi họ cho rằng bản thoả thuận đó đồng nghĩa với việc Microsoft muốn bảo vệ những người sử dụng có mua bản quyền đầy đủ.
Tháng 10, cộng đồng mã nguồn mở cũng đã bị "giật mình" một lần sau khi Oracle tuyên bố hỗ trợ đầy đủ Red Hat Linux. Điều này khiến các chuyên gia trong ngành lo ngại về việc kinh doanh của Red Hat Linux sẽ bị ảnh hưởng không ít.
Nhưng dù sao bản thoả thuận lịch sử giữa Microsoft và Linux cũng cho thấy một dấu hiệu rõ ràng là không một ai có thể bỏ qua mã nguồn mở. Điều này chứng minh mã nguồn mở đang ngày càng phát triển mạnh mẽ hơn.
3. Alcatel-Lucent hợp nhất
Bản hợp đồng sáp nhập giữa Alcatel SA và Lucent Technologies công bố hồi tháng 4 vừa qua đã "châm ngòi" cho xu hướng sáp nhập trên toàn cầu trong năm qua. Ước tính trong năm 2006 đã có tổng cộng 3.945 bản hợp đồng sáp nhập mua bán đã được ký kết. Đây là con số cao kỷ lục trong suốt nhiều năm qua.
Xu hướng toàn cầu hoá và thay đổi nhu cầu chính là "ngòi nổ" cho xu hướng hợp nhất trong các lĩnh vực như mạng, Internet, công nghiệp chip và phần mềm doanh nghiệp. Một trong những điển hình là vụ sáp nhập giữa hãng sản xuất chip vi xử lý AMD và hãng sản xuất chip đồ hoạ ATI, Google-YouTube ...
4. Google-YouTube: "Hội tụ 2.0"
Khoản tiền 1,65 tỉ USD bỏ ra để mua lại trang web chia sẻ video trực tuyến YouTube càng chứng tỏ tiềm lực mạnh mẽ của Google và vị thế hàng đầu của hãng này trên không gian Internet. Bản hợp đồng này còn có ý nghĩa nhấn mạnh đến tầm quan trọng của video trong thế giới Web 2.0: thế giới của nội dung do người dùng tự tạo và ứng dụng đa phương tiện.
Bản hợp đồng này đã khiến cho các đối thủ của Google ăn không ngon ngủ không yên. Hàng loạt đối thủ của Google ngay sau đó cũng bắt đầu đi theo xu hướng chú ý đến video trực tuyến của Google.
Nhưng video trực tuyến hiện phải đối mặt với vấn đề pháp lý và bản quyền bởi người dùng sẵn sàng đưa lên mạng bất kỳ thứ gì họ có mà không cần để ý đến bản quyền.
Dù sao thì vẫn còn một điểm chắc chắn là "sự hội tụ giữa video và Internet sẽ là một xu hướng tất yếu".
5. AOL để lộ dữ liệu tìm kiếm cá nhân
Tháng 7, AOL bất ngờ để lộ dữ liệu tìm kiếm cá nhân của hơn 650.000 người dùng dịch vụ. Vụ việc đã châm ngòi cho một vụ tranh cãi khốc liệt về vấn đề quyền bảo vệ tính riêng tư trên Internet. Đồng thời rung lên hồi chuông cảnh báo về tính bảo mật dữ liệu từ chính các nhà cung cấp dịch vụ.
Hậu quả của sự vụ này là hàng loạt vụ kiện dân sự đã đổ dồn lên đầu AOL. Phần lớn những vụ kiện này đều yêu cầu toà án cấm AOL không được phép lưu trữ dữ liệu của người dùng. Nhưng có lẽ yêu cầu này khó có thể được chấp nhận khi mà chính các cơ quan chính phủ Mỹ còn yêu cầu những nhà cung cấp dịch vụ tìm kiếm như AOL hay Google phải cung cấp những dữ liệu đó. AOL một lần nữa rơi vào vòng lao đao khi chấp nhận yêu cầu nói trên.
Đến nay vấn đề công nghệ liên quan đến lưu trữ các dữ liệu cá nhân của người dùng vẫn là một tranh cãi vẫn chưa có hồi kết.
6. Pin máy tính xách tay rực lửa
Đây là vụ thu hồi sản phẩm mắc lỗi lớn nhất trong lịch sử ngành công nghiệp công nghệ thông tin và điện tử tiêu dùng. Bắt nguồn từ nguyên nhân pin lithium-ion do Sony sản xuất bị mắc lỗi và có thể bốc hoả bất cứ lúc nào, hàng loạt các hãng máy tính lớn trên thế giới Dell, Apple, Toshiba, IBM Lenovo ... đã phải thu hồi tới 9,6 triệu sản phẩm mắc lỗi.
Thiệt hại mà Sony phải gánh chịu không hề nhỏ chút nào với khoản chi phí lên tới hơn 400 triệu USD. Không những thế hãng này còn phải điều chỉnh cả kế hoạch doanh thu cho cả năm tài khoá 2006, biến năm nay trở thành một năm đen tối với Sony và cả ngành sản xuất PC. Nhưng hi vọng doanh thu trong mùa mua bán cuối năm đã tan tành bởi kết quả cực kỳ thất vọng.
7. PMac OS X trên PC Intel
Tháng 1, Apple tung ra sản phẩm Mac PC dùng chip vi xử lý Intel đầu tiên trong lịch sử. Hàng thập kỷ qua Apple vẫn "một mình một đường" với thế mạnh và cả điểm yếu riêng. Nhưng chúng ta phải nói Apple đã giành được không ít thành công với dòng sản phẩm Mac PC của hãng hay thiết bị máy nghe nhạc cá nhân iPod. Chip Intel đã mang đến một sức sống với cho dòng sản phẩm Mac. Doanh thu Mac PC đã tăng hơn 30% trong quý 4 năm tài khoá 2006 lên đến con số 546 triệu USD.
Đạt được thoả thuận với Apple nhưng Intel lại phải chịu một "đòn đau" khi Dell thông báo quyết định sử dụng chip AMD trong các sản phẩm của hãng.
8. "Cuộc chiến bản quyền BlackBerry"
Tháng 1, Toà án tối cao Mỹ từ chối xử phúc thẩm vụ án bản quyền sở hữu trí tuệ giữa Research In Motion với đối thủ NTP Inc. Ngay lập tức các chuyên gia trong ngành đã lên tiếng cảnh báo về "cái chết" của BlackBerry. Nhưng bản thoả thuận trị gí 612 triệu USD ký hồi tháng 3 là câu trả lời hùng hồn nhất "BlackBerry không bao giờ chết".
Có thể nói vụ kiện này là trường hợp điển hình cho những tranh chấp về vấn đề bản quyền sở hữu trí tuệ đã khiến không ít sản phẩm phải ngừng phát hành. Thậm trí là ngay cả khi toà án chưa ra quyết định đã có không ít hãng đã phải ngừng cung cấp sản phẩm được cho là vi phạm ra thị trường.
Càng về sau này cuộc chiến về vấn đề bản quyền càng trở nên phổ biến hơn. Đứng đầu trong số đó có thể nói là Microsoft với "hội chứng kiện Microsoft".
9. "Rùa bò" Vista
Sau 5 năm và hàng loạt thông báo trì hoãn thì cuối cùng Windows Vista cũng đã chính thức ra mắt người dùng. Mặc dù giám đốc điều hành Microsoft Steve Ballmer tuyên bố Vista là sản phẩm lớn nhất trong lịch sử của hãng nhưng người dùng dường như không cảm thấy thế. Người dùng vẫn phải chờ đợi đến tận đầu năm tới mới được thấy Vista. Tuy nhiên, không ít chuyên gia trong ngành đánh giá rằng Vista sẽ có thể là sản phẩm "hệ điều hành cuối cùng" của Microsoft, đặc biệt trước sự phát triển mạnh mẽ của loại hình cung cấp phần mềm như là một dịch vụ trực tuyến.
10. Bill Gates chuẩn bị về hưu
Tháng 6, Chủ tịch kiêm kiến trúc sư trưởng phần mềm của Microsoft Bill Gates thông báo ông sẽ bắt đầu nghỉ hưu từ tháng 7/2008. Giai đoạn từ bây giờ đến thời điểm đó Gates sẽ chuyển dần trách nhiệm cho những người kế tục sự nghiệm của ông và chuyển sang tập trung vào việc làm từ thiện. Trong suốt 25 năm qua, Gates đã lãnh đạo Microsoft đi từ con số 0 cho đến sự thành công như ngày nay. Có thể nói Bill Gates cũng là người có tầm ảnh hưởng rất lớn đến ngành công nghiệp CNTT thế giới ngày nay. 95% PC trên thế giới đều dùng hệ điều hành Windows của Microsoft. Thế giới đang chờ xem liệu trên lĩnh vực từ thiện Bill Gates có giành được thành công như ông đã có với ngành CNTT hay không?
Hoàng Dũng