Tổng quan về bo mạch chủ đời mới

Bất kể là gắn card đồ họa mới, nâng cấp đĩa cứng hay thay một bộ nguồn với công suất lớn hơn, thì chắc chắn bạn sẽ phải mở thùng máy và tiến hành một vài thao tác trực tiếp đến bo mạch chủ (mainboard).

Nếu chưa thực hiện công việc này trong vòng một hoặc hai năm trở lại đây, có thể bạn không thể nhận biết hết mọi thứ bên trong. Chẳng hạn, hầu hết các bo mạch chủ (BMC) mới đều được trang bị khe cắm PCI Express x16 hoặc nhiều kiểu đầu nối khác. Bài viết này giới thiệu đầy đủ các thành phần bên trong BMC thông dụng hiện nay.

CPU: Thông thường, rất hiếm khi phải thay mới bộ xử lý (CPU) và việc nâng cấp CPU cũng ít mang lại hiệu quả đáng kể. Tuy nhiên, các CPU mới hoạt động "nóng" hơn nên bạn sẽ nhận thấy có nhiều khe tản nhiệt hơn bên trong thùng máy. Điều quan trọng là bạn phải thường xuyên làm sạch bụi bẩn trên các khe này vì đây chính là nguyên nhân khiến việc tản nhiệt kém hiệu quả. Nếu muốn tăng tốc máy tính bằng CPU tốc độ cao hơn, bạn đồng thời phải nâng cấp quạt làm mát cho CPU. Bên cạnh đó, việc bổ sung đĩa cứng, card đồ họa cao cấp hay do tiến hành "ép xung" CPU cũng có thể làm cho hệ thống trở nên quá nóng. Để có nhiều thông tin về việc làm mát máy tính, bạn có thể tham khảo bài viết "Gió mát bên trong PC" trên TGVT A-2/2002 t.85.

RAM: Nâng cấp bộ nhớ RAM thường là cách đơn giản và tiết kiệm nhất để tăng cường "sinh lực" cho máy tính. Tuy nhiên, chủng loại RAM luôn thay đổi và hiện nay RAM DDR2 là mới nhất và hỗ trợ tốc độ cao nhất. Trên thực tế, việc khó khăn nhất trong khi nâng cấp RAM là tìm đúng chủng loại và dung lượng của các thanh RAM dùng cho máy tính của bạn. Hãy tham khảo bài viết "Tăng tốc độ bộ nhớ cho PC" trên TGVT A-10/2000 t.111 để được hướng dẫn từng bước cách lắp đặt RAM.

Hình 1: Kiểm tra tình hình sử dụng bộ nhớ bằng FreeMem miễn phí.

Ngoài ra, để theo dõi thường xuyên tình trạng sử dụng bộ nhớ, bạn có thể tải về tiện ích miễn phí FreeMem.

Khe cắm PCI Express: Hầu hết các máy tính cao cấp hiện nay đều được trang bị khe cắm mở rộng PCI Express (PCIe) cùng với các khe cắm PCI tiêu chuẩn. Khe cắm chuẩn PCI Express hỗ trợ băng thông cao hơn 30 lần so với chuẩn PCI và thực sự có khả năng thay thế hoàn toàn khe cắm PCI lẫn AGP. May thay, card âm thanh, card mạng và nhiều card mở rộng theo chuẩn PCI cũ sẽ vẫn còn "đất sống" trong một thời gian nữa vì đa số BMC hiện nay đều hỗ trợ đồng thời khe cắm PCI và PCI Express.

Tuy nhiên, có thể bạn sẽ không còn sử dụng được card đồ họa chuẩn AGP của mình với những thế hệ máy tính trong tương lai. Tại Mỹ, hầu hết BMC mới được bán ra thị trường đều sử dụng khe cắm PCI Express x16 cho card đồ họa, chứ không phải khe cắm AGP. Các hệ thống hỗ trợ đồng thời AGP 8x và PCI Express x16 hiện đang trong giai đoạn phát triển, dù hãng chế tạo chip Uli đã công bố chipset mới hỗ trợ cả AGP 8x lẫn PCI Express x16.

Khe cắm PCI Express có nhiều độ dài khác nhau, tùy thuộc vào dung lượng dữ liệu có thể hỗ trợ. Khe cắm PCI Express x1 thay cho khe PCI tiêu chuẩn, có chiều dài khoảng 1" (hay 26mm) và có khả năng hỗ trợ đến 250 MBps dữ liệu vào/ra tại cùng thời điểm. Khe cắm PCI Express x16, giống như khe PCI thông thường, có khả năng thay cho khe cắm card đồ họa AGP có chiều dài 90 mm (khoảng 3,5"). Một khe PCI Express x16 có thể truyền dữ liệu nhanh hơn 16 lần so với khe x1: 4 GBps dữ liệu vào/ra cùng lúc.

Ngoài ra, để xem bảng so sánh băng thông giữa PCI Express và AGP, bạn có thể tham khảo bài viết "Sức mạnh đồ họa: Thời của PCI Express" (ID: A0411_137).

SATA: Serial ATA (SATA) thay thế cho chuẩn ATA song song có tốc độ chậm hơn (hay còn gọi là PATA hoặc EIDE), được sử dụng từ trước đến nay để nối đĩa cứng và ổ quang với BMC. Cổng SATA xuất hiện lần đầu trên các BMC cách đây hai năm và nhiều BMC hiện nay hỗ trợ đồng thời SATA và PATA.

Đầu nối SATA có kích thước nhỏ hơn so với đầu nối PATA và chỉ hỗ trợ một ổ đĩa. Do vậy, bạn không cần quan tâm đến các jumper để thiết lập đĩa master hoặc slave như trong trường hợp sử dụng chuẩn PATA. Cáp SATA nhỏ hơn nên ít gây lộn xộn bên trong thùng máy như khi dùng cáp PATA và quan trọng nhất là cáp nhỏ hơn giảm thiểu nguy cơ gây ra tình trạng "quá nóng" bên trong thùng máy (cáp PATA to hơn nên có thể cản trở dòng không khí lưu thông trong thùng máy). Hơn thế nữa, đầu nối SATA dễ dàng kéo dài ra ngoài thùng máy để sử dụng với các đĩa cứng và ổ quang gắn ngoài.

Ổ đĩa SATA yêu cầu phải có đầu nối cấp điện đặc biệt thay cho đầu nối 5V tiêu chuẩn vẫn dùng cho ổ đĩa IDE. Nhiều máy tính mới có kèm theo một đầu nối điện SATA nhưng thường không có ở những máy đời cũ và bạn cần trang bị thêm đầu chuyển đổi với giá từ 5 đến 10 USD.

Âm thanh và hình ảnh

Cổng DVI: Hầu hết các màn hình và card đồ họa mới đều hỗ trợ đầu nối Digital Video Interface (DVI) thay cho đầu nối VGA được dùng ở màn hình CRT thông thường. Loại cổng DVI chỉ chuyển tín hiệu hình ảnh, không kèm âm thanh.

Cổng HDMI: Một số máy tính cao cấp còn có cổng High Definition Multimedia Interface (HDMI). Đầu nối HDMI có hình dạng giống như đầu nối chuẩn USB nhưng nhỏ hơn và dễ sử dụng hơn so với đầu nối DVI. Đầu nối này có khả năng truyền cả tín hiệu hình ảnh và âm thanh, rất phù hợp cho các hệ thống giải trí gia đình. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, HDMI sử dụng công nghệ chống sao chép bất hợp pháp HDCP cho phép các nhà cung cấp nội dung số kiểm soát số lần khách hàng sao chép HDTV và các nội dung độ nét cao khác.

Để gắn máy tính hoặc card đồ họa sử dụng cổng DVI với màn hình có cổng HDMI (hoặc ngược lại), bạn cần một bộ chuyển đổi, ví dụ như loại High Performance HDMI to DVI Video Adapter (30 USD, find.pcworld.com/49358).

Cổng S/PDIF: Thông thường, mọi tín hiệu âm thanh số (digital) đều phải được chuyển đổi thành dạng tương tự (analog). Trong máy tính, card âm thanh có nhiệm vụ chuyển tín hiệu âm thanh số thành tương tự, rồi sau đó truyền ra loa. Loại loa số, sử dụng đầu nối USB, thực hiện việc biến đổi âm thanh dạng số sang dạng tương tự ngay bên trong loa.

Âm thanh được giữ ở dạng tín hiệu số càng lâu thì chất lượng càng tốt. Và đó chính là lý do tại sao nhiều máy tính cao cấp và trung bình hiện nay được trang bị cổng Sony/Philips Digital Interface Format (S/PDIF) dùng để truyền tín hiệu số trực tiếp từ BMC đến loa (mà không cần card âm thanh hay thiết bị ngoại vi nào khác). Bạn hãy tìm một đầu nối hình vuông nhỏ – gọi là đầu nối TOSlink – ở mặt sau máy hoặc trên card âm thanh.

Bùi Xuân Toại
PC World Mỹ 

Theo PCWorld Việt Nam
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video