11 loại máy bay kỳ quái từng xuất hiện trên Trái đất

Lịch sử hàng không đã chứng kiến rất nhiều lần "thay hình, đổi dạng" của máy bay, từ vẻ ngoài giống đĩa bay cho tới hình ống rỗng. Tất nhiên, không phải tất cả các cải tiến đều thành công, nhưng chúng là minh chứng cho những nỗ lực đổi mới không ngừng nghỉ của các kỹ sư và chuyên gia thiết kế suốt thời gian qua.

Dưới đây là một số mẫu máy bay được đánh giá là kỳ quái nhất từng xuất hiện trên Trái đất:

De Lackner Aerocycle


Aerocycle được thiết kế để bay cao tới 112,6km/h và chỉ cần 20 phút hướng dẫn để một binh sĩ có thể sử dụng được nó.

Quân đội Mỹ đã sáng chế ra một loại bệ bay có tên là Aerocycle và cho thử nghiệm nó lần đầu tiên tại sân bay quân sự Brooklyn năm 1955. Nó được thiết kế để bay cao tới 112,6km/h và chỉ cần 20 phút hướng dẫn để một binh sĩ có thể sử dụng được nó. Tuy nhiên, hệ thống đã tỏ ra quá dễ bị tai nạn trong các chuyến bay thử nghiệm đầu tiên, nên nhà chức trách Mỹ đã từ bỏ dự án phát triển nó.

Nemeth Parasol


Mẫu máy bay Nemeth chưa bao giờ được sản xuất hàng loạt.

Các sinh viên tại Đại học Miami (Mỹ) đã chế tạo một nguyên mẫu máy bay có hình dáng kỳ quái, do nhà phát minh Steven Nemeth thiết kế, để chứng minh rằng cánh hình tròn có thể giúp phi cơ bay hiệu quả. Cánh tròn cũng đóng vai trò như dù nếu động cơ chết máy, cho phép máy bay trôi nổi từ từ xuống mặt đất. Bất chấp chuyến bay thử nghiệm thành công vào năm 1934, mẫu máy bay Nemeth chưa bao giờ được sản xuất hàng loạt.

Avro Canada VZ-9 Avrocar


Avro Canada VZ-9 Avrocar trông như một đĩa bay hoặc phi thuyền không gian trong loạt phim khoa học viễn tưởng.

Thoạt nhìn, Avro Canada VZ-9 Avrocar trông như một đĩa bay hoặc phi thuyền không gian trong loạt phim khoa học viễn tưởng "Star Wars", nhưng nó là một mẫu máy bay ném bom được chính phủ Canada cho phát triển vào đầu những năm 1950. Để cất cánh theo chiều thẳng đứng từ mặt đất, hai động cơ tua-bin phản lực hướng lực đẩy xuống phía dưới, tạo ra một cái đệm không khí. Lục quân và Không quân Mỹ đã tiếp quản dự án này năm 1958 và phát triển 2 nguyên mẫu của Avrocar. Song, loại máy bay này chứng minh không ổn định trong các cuộc thử nghiệm khí động lực học. Dự án đã bị hủy bỏ vào năm 1961 và hiện 2 nguyên mẫu máy bay đang được lưu giữ trong Bảo tàng Vận tải lục quân và Bảo tàng Không quân quốc gia Mỹ.

Caproni Ca.60 Noviplano


Caproni Ca.60 Noviplano sở hữu 9 cánh và 8 động cơ, cao 3 tầng và có thể chứa 100 hành khách.

"con đẻ" của chuyên gia thiết kế máy bay người Italia Gianni Caproni, Caproni Ca.60 Noviplano được kỳ vọng sẽ trở thành một loại thuyền biết bay. Nó sở hữu 9 cánh và 8 động cơ, cao 3 tầng và có thể chứa 100 hành khách. Nếu bạn nghĩ trông nó không vững thì bạn hoàn toàn đúng. Chiếc máy bay này đã bị rơi ngay trong chuyến bay thử nghiệm đầu tiên năm 1921. Viên phi công sống sót, nhưng tất cả các sửa chữa cần thiết đối với nguyên mẫu này đã được chứng minh là quá đắt đỏ.

Vought V-173


Chance Vought đã chế tạo và lái Vought V-173, nhưng không có thêm phiên bản nào khác ra đời.

Với biệt danh "chiếc bánh ngọt bay", mẫu máy bay tròn, dẹt này do Charles Zimmerman thiết kế nhằm huy động dễ dàng từ các xe tăng và tàu chiến trong Thế chiến lần thứ hai cũng như để chống lại các cuộc tấn công của Nhật. Chance Vought đã chế tạo và lái Vought V-173, nhưng không có thêm phiên bản nào khác ra đời. Hải quân Mỹ đã tặng nó cho Bảo tàng hàng không và vũ trụ quốc gia Mỹ năm 1960. Trong một chuyến thăm quan năm 2002, một quản lý của công ty hàng không vũ trụ Vought nhận thấy mẫu máy bay này vẫn có thể khôi phục được. Vì vậy, một nhóm nhân viên nghỉ hưu của Vought đã tập hợp lại và cùng bắt tay nhau khôi phục nó trong suốt 8 năm, cho tới khi nó được chính thức trình làng lần nữa vào năm 2012.

Northrop XB-35


Mẫu oanh tạc cơ Northrop XB-35 do nhà thiết kế máy bay Jack Northrop phát triển.

Trong Thế chiến thứ hai, Không quân Mỹ đã thông báo tìm mua một phi cơ có thể bay hơn 16.000km và chuyên chở khoảng 4.536kg hàng hóa (hầu hết là bom). Mẫu oanh tạc cơ Northrop XB-35 do nhà thiết kế máy bay Jack Northrop, người sáng lập tập đoàn Northrop phát triển, nhưng các vấn đề với cánh quạt đã khiến nó mất ổn định. Chiến tranh kết thúc trước khi dự án phát triển hoàn thành và chương trình đã bị hủy bỏ vào năm 1950.

McDonnell XF-85 Goblin


Đây là mẫu máy bay chiến đấu phản lực nhỏ nhất từng được chế tạo.

Là mẫu máy bay chiến đấu phản lực nhỏ nhất từng được chế tạo, McDonnell XF-85 Goblin được thiết kế để gắn chặt vào một oanh tạc cơ và ra tay bảo vệ máy bay chủ trong trường hợp bị tấn công. Goblin bay tốt, nhưng không được trang bị kết cấu tự hạ cánh nên phải tái gắn với máy bay chủ. Các phi công đã gặp trục trặc trong việc tái kết nối Goblin với các oanh tạc cơ, nên chương trình thử nghiệm đã bị hủy bỏ vào năm 1949.

Aero Spacelines B377PG Pregnant Guppy


Chiếc máy bay khổng lồ này được thử nghiệm lần đầu tiên năm 1962.

Được chế tạo để vận chuyển hàng hóa "khủng" cho chương trình Apollo của Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ, chiếc máy bay khổng lồ này được thử nghiệm lần đầu tiên năm 1962. Nó được dùng chủ yếu để vận chuyển các bộ phận của tên lửa Saturn 5 tới Cape Canaveral. Các phiên bản đời sau của nó được gọi là Super Guppy và Super Guppy Turbine. Chúng đã được dùng để vận chuyển các thành phần của Trạm vũ trụ quốc tế (ISS) từ các hãng sản xuất khắp toàn cầu.

Rutan Boomerang


Mẫu máy bay đặc biệt này có thể di chuyển với vận tốc lên tới 489km/h.

Kỹ sư hàng không Burt Rutan đã thiết kế Rutan Boomerang vào năm 1996 như một máy bay có hiệu suất sử dụng cao và có thể được kiểm soát dễ dàng nếu một động cơ bị hỏng. Tính bất đối xứng khiến Rutan Boomerang khác biệt so với những loại máy bay hai động cơ khác cũng như an toàn hơn khi gặp phải các trục trặc kỹ thuật. Mẫu máy bay đặc biệt này có thể di chuyển với vận tốc lên tới 489km/h.

Proteus


Máy bay Proteus cũng do Burt Rutan thiết kế.

Giống như Boomerang, máy bay Proteus cũng do Burt Rutan thiết kế. Nó được tạo ra nhằm hoạt động như một hệ thống tiếp âm viễn thông, chuyên chở một hệ thống ăng-ten phục vụ tiếp âm dữ liệu băng thông rộng. Các chuyến bay thử nghiệm đầu tiên bắt đầu năm 1998 và vào năm 2000, Proteus đã thiết lập 3 lỷ lục về độ cao bay, với đỉnh điểm là trên 19,2km.

Khí cầu lai Lockheed Martin


Mẫu P-791 của Lockheed Martin được cho trình làng năm 2006.

Mẫu P-791 của Lockheed Martin được cho trình làng năm 2006 để chứng minh công nghệ khí cầu lai của hãng. Những khí cầu chứa đầy heli được thiết kế để trở thành các phương tiện chuyên chở hàng hóa tới những địa điểm xa xôi. Chúng có thể hạn cánh trên mặt đất hoặc trên nước và chỉ tiêu hao 1/10 năng lượng mỗi tấn so với trực thăng. Lockheed Martin đã giành được hợp đồng sản xuất P-791 đầu tiên cho Straightline Aviation, trị giá khoảng 480 triệu USD vào tháng 3 vừa qua.

Cập nhật: 30/05/2016 Theo Vietnamnet
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video