12 Nhà máy thủy điện lớn nhất Việt Nam

Với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và nhu cầu sử dụng điện tăng trung bình hơn 10%/năm. Để đáp ứng nhu cầu sử dụng điện phục vụ cho sinh hoạt và lao động, nhà nước đã triển khai và phát triển những nhà máy thủy điện lớn. Hãy cùng chúng tôi điểm lại những nhà máy thủy điện lớn nhất Việt Nam nhé.

1. Nhà máy thủy điện Sơn La

Nhà máy thủy điện Sơn La là nhà máy thủy điện lớn nhất Việt Nam và khu vực Đông Nam Á. Được xây dựng ngày 2 tháng 12 năm 2005, trên sông Đà tại xã Ít Ong, huyện Mường La, tỉnh Sơn La với sự hướng dẫn của các chuyên gia nước ngoài từ Nga, Châu Âu, Trung Quốc để giám sát, đóng góp bổ sung thêm những tiêu chuẩn chặt chẽ.

Ngày 23 tháng 12 năm 2012, công trình thủy điện Sơn La chính thức khánh thành trở thành đập thủy điện lớn nhất Đông Nam Á với cao độ đỉnh đập 228,1 m; dài 961,6 m; chiều rộng đáy đập 105 m; chiều rộng đỉnh 10 m. Dung tích hồ chứa thủy điện 9,26 tỷ m3, với tổng công suất lắp ráp 2.400 MW, sản lượng điện trung bình hàng năm 10 tỷ kW, bằng gần 1/10 sản lượng điện của Việt Nam năm 2012.

2. Nhà máy thủy điện Hòa Bình

Nhà máy Thủy điện Hòa Bình được xây dựng tại hồ Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình, trên dòng sông Đà thuộc miền bắc Việt Nam. Trước khi nhà máy thủy điện Sơn La khánh thành thì đây là nhà máy thủy điện lớn nhất Việt Nam và Đông Nam Á. Nhà máy do Liên Xô giúp đỡ xây dựng và vận hành.

Nhà máy thủy điện được khánh thành năm 1994, với công suất sản sinh điện năng là 1.920 MW, gồm 8 tổ máy, mỗi tổ có công suất 240 MW. Sản lượng điện hàng năm là 8,16 tỷ KWh. Nhà máy thủy điện Hòa Bình được vinh danh trong chương trình “Vinh quang Việt Nam - Dấu ấn những công trình”(Tháng 7/2018).

3. Nhà máy thủy điện Lai Châu

Nhà máy thủy điện Lai Châu là công trình trọng điểm quốc gia Việt Nam, xây dựng trên dòng chính sông Đà tại xã Nậm Hàng huyện Mường Tè tỉnh Lai Châu, Việt Nam. Thủy điện Lai Châu có tổng công suất lắp đặt 1.200 MW với 3 tổ máy, khởi công xây dựng ngày 5/1/2011, hòa lưới 3 tổ máy tháng 11/2016, khánh thành tháng 12/2016, sớm hơn 1 năm so với chỉ tiêu Quốc hội đề ra.

Công trình này được xây dựng ở bậc thang trên cùng của dòng chính sông Đà tại Việt Nam, bậc trên của thủy điện Sơn La đang xây dựng. Công trình này có tổng mức đầu tư sơ bộ ước tính hơn 35700 tỷ đồng. Nhà máy Thủy điện Lai Châu sẽ cung cấp mỗi năm lên lưới điện quốc gia khoảng 4.670,8 triệu kWh.

Đây là công trình thủy điện không những có vai trò quan trọng trong việc phát triển điện, cấp nước cho đồng bằng sông Hồng về mùa khô mà còn tạo cơ hội phát triển - kinh tế xã hội hai tỉnh Lai Châu và Điện Biên, đảm bảo an ninh quốc phòng khu vực Tây Bắc. Nhà máy thủy điện Lai Châu thuộc bậc trên cùng của dòng sông Đà tại Việt Nam, giáp với biên giới Trung Quốc. Với thiết kế chọn cao trình đập 295 mét sẽ đảm bảo mực nước cách biên giới khoảng 15 – 20km, nhưng khi nước dềnh hoặc có lũ, lụt thì chỉ cách biên giới khoảng 2 km.

4. Nhà máy thủy điện Yaly

Nhà máy thủy điện Yaly là một trong những nhà máy thủy điện lớn nhất Tây Nguyên. Yaly thuộc hệ thống bậc thang thủy điện trên sông Sêsan, với diện tích 20 km2 nằm giáp ranh giữa huyện Chư Păh (tỉnh Gia Lai) và huyện Sa Thầy (tỉnh Kon Tum).

Với tổng công suất lắp đặt 720 MW và điện lượng bình quân nhiều năm là 3,68 tỉ KWh. Công trình khởi công năm 1993 và hoàn thành năm 1996. Đây là công trình thủy điện ngầm lớn nhất Việt Nam, không những thế, hồ chứa nước nơi đây còn là một phong cảnh tuyệt vời. Chính vì thế, nơi này đã trở thành một trong những điểm du lịch Gia Lai khá hấp dẫn với du khách xa gần khi có dịp đến Gia Lai.

5. Nhà máy Thủy điện Huội Quảng

Nhà máy thủy điện Huội Quảng đi vào hoạt động sớm tạo nên hiệu quả rất lớn, tận dụng được nguồn nước với dung tích hữu ích 1,7 tỷ m3 nước của hồ Thủy điện Bản Chát. Nhà máy Thủy điện Huội Quảng gồm 2 tổ máy với tổng công suất lắp đặt 520MW (2 x 260), là nhà máy thủy điện ngầm đầu tiên do Việt Nam thiết kế, thi công với 2 hầm dẫn nước ngầm trong lòng núi, mỗi đường hầm dài 4,2km, đường kính 7,5m, máy phát điện được đặt ngầm trong núi.

Đây là một trong những công trình lớn, thuộc quy hoạch bậc thang thủy điện trên hệ thống sông Đà, sau Thủy điện Sơn La (2.400MW), Thủy điện Hòa Bình (1.920MW) và Thủy điện Lai Châu (1.200MW).

6. Nhà máy thủy điện Trị An

Nhà máy Thủy điện Trị An được xây dựng trên sông Đồng Nai, cách thành phố Hồ Chí Minh 65 km về phía Đông Bắc. Công trình thủy điện Trị An có ý nghĩa kinh tế tổng hợp với mục đích chính hòa lưới điện quốc gia cùng với các nhà máy khác cung cấp điện cho phụ tải toàn quốc. Ngoài ra, là thủy điện đa mục tiêu, công trình còn đảm bảo nước cho sinh hoạt, nông nghiệp, đẩy mặn và điều tiết lũ...

Nhà máy được xây dựng với sự hỗ trợ về tài chính và công nghệ của Liên Xô từ năm 1984, khánh thành và đưa vào sử dụng từ năm 1991. Với 4 tổ máy, công suất thiết kế 400 KW, sản lượng điện trung bình năm khoảng 1,7 tỷ KWh.

7. Nhà máy thủy điện Hàm Thuận - Đa Mi

Nhà máy thủy điện Hàm Thuận – Đa Mi là một tổ hợp thủy điện nằm trên sông La Ngà thuộc lưu vực sông Đồng Nai. Công trình được khởi công xây dựng vào năm 1997 đưa vào vận hành năm 2001, có công suất 300 MW với 2 tổ máy. Hồ chứa nước của nhà máy nằm trên hai tỉnh Lâm Đồng và Bình Thuận với diện tích mặt hồ ở mực nước dâng bình thường 605 m khoảng 25,2 km2, dung tích 695 triệu m3.

Công trình có hệ thống đường hầm với tổng chiều dài 7.765 m. Đập chính được đào đắp bằng đất đá đổ có chiều cao 93,5 m, chiều dài theo đỉnh đập là 686 m. Ngoài đập chính còn có 4 đập phụ đắp bằng đất.

8. Nhà máy thủy điện Na Hang (Tuyên Quang)

Nhà máy thủy điện Tuyên Quang một trong những công trình trọng điểm của đất nước được thi công tại huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang với tổng đầu tư 7.500 tỷ đồng. Đập của công trình là đập đá đổ đầm nén bản mặt bê tông cốt thép được xây dựng đầu tiên ở Việt Nam. Đập cao gần 100 m.

Nhà máy thủy điện Na Hang tọa lạc trên lưu vực sông Gâm, thuộc xã Vĩnh Yên, Thị Xã Na Hang, Tuyên Quang. Công trình là niềm tự hào của người dân Na Hang nói riêng và tất cả người dân Tuyên Quang nói chung. Nhà máy thủy điện Na Hang chính thức hòa vào lưới điện quốc gia năm 2008.

Đây là nhà máy thủy điện có công suất (342 MW) lớn thứ ba của miền Bắc sau nhà máy thủy điện Sơn La và Hòa Bình.

9. Nhà máy thủy điện sông Ba Hạ

Thuỷ điện Sông Ba Hạ nằm ở bậc thang cuối cùng trên bậc thang sông Ba – là một trong những thủy điện lớn nhất của miền Trung được quy hoạch trên địa bàn 15 xã miền núi thuộc hai huyện Sông Hinh (tỉnh Phú Yên) và huyện Krông Ba (tỉnh Gia Lai). Công trình được xây dựng nằm cách tỉnh lỵ Phú Yên chừng 70 cây số về phía Tây. Dự án này được thực hiện theo cơ chế đặc biệt của Thủ tướng Chính Phủ nên rút ngắn tiến độ được một năm rưỡi so dự kiến ban đầu.

Nhà máy thủy điện sông Ba Hạ có hai tổ máy với công suất 220 MW, sản lượng điện trung bình 825 triệu Kwh/năm, tổng mức đầu tư 4.275 tỷ đồng dự kiến phát điện vào năm 2007 và hoàn thành vào năm 2008.

Dự án Thủy điện sông Ba Hạ ngoài phát điện cung cấp cho lưới điện quốc gia, còn tham gia cắt giảm lũ cho vùng đồng bằng tỉnh Phú Yên thuộc hạ du sông Ba, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển kinh tế xã hội khu vực...

10. Nhà máy thủy điện Trung Sơn

Nhà máy thủy điện Trung Sơn được xây dựng trên chính dòng sông Mã thuộc khu vực Tây Bắc, Việt Nam, thuộc địa phận xã Trung Sơn, huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Nhà máy điện có công suất lắp đặt 260 MW, bao gồm 4 tổ máy sản xuất 1.018,61 triệu kWh hàng năm là nguồn bổ sung đáng kể cho lưới điện quốc gia.

Đây là một dự án đa mục tiêu, vừa cung cấp điện vừa giúp kiểm soát lũ, đồng thời góp phần vào chương trình biến đổi khí hậu ở Việt Nam bằng cách tránh được lượng khí phát thải CO2. Dự án được Ngân Hàng Thế Giới hỗ trợ tín dụng và thực hiện bởi chủ đầu tư là Công ty TNHH MTV Thủy điện Trung Sơn thuộc Tổng Công ty Phát điện 2 (GENCO2) của Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN).

11. Nhà máy thủy điện Thác Mơ

Nhà máy thủy điện Thác Mơ là một nhà máy thủy điện trên sông Bé, thuộc địa bàn xã Đức Hạn, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước. Được khởi công xây dựng từ cuối năm 1991 và đi hoạt động từ giữa năm 1995, thủy điện Thác Mơ có sông suất 150 MW với 2 tổ máy.

Hồ chứa nước cho nhà máy hoạt động có mức nước dâng bình thường là 218 m, rộng 109 km2, dung tích 1,36 tỷ m3. Đập chính của thủy điện cao 50 m, rộng 7 m (đỉnh đập). Ngoài ra, thủy điện Thác Mơ còn cung cấp nước cho đất đai quanh vùng và kiểm soát lũ ở hạ lưu.

12. Nhà máy thủy điện Thác Bà

Thủy điện Thác Bà là nhà máy thủy điện đầu tiên được xây dựng ở miền Bắc trong bối cảnh đế quốc Mỹ mở rộng quy mô đánh phá miền Bắc bằng không quân, phá hoại công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Nhà máy Thủy điện Thác Bà chính thức khởi công xây dựng ngày 19-8-1964. Hàng nghìn công nhân, lao động và bộ đội chuyển ngành đã hăng hái, tình nguyện về đây cống hiến sức trẻ của mình cho việc xây dựng công trình trọng điểm của đất nước.

Là một công trình trọng điểm trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm lần thứ nhất của nước ta (1960 - 1965). Là nền móng cơ sở vật chất, kỹ thuật cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội của đất nước.

Với 9 Huân chương Lao động Nhất, Nhì, Ba; 2 Huân chương Kháng chiến, Huân chương Chiến công; 1 Huân chương Độc lập, danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang và nhiều Bằng khen, cờ thi đua xuất sắc của Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương, cùng với sự quan tâm giúp đỡ thiết thực của Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Công ty CP Thủy điện Thác Bà sẽ tiếp tục vươn lên để hoàn thành tốt nhiệm vụ, xứng đáng là “đứa con đầu lòng” của ngành Thủy điện nước ta, góp phần đắc lực vào sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Cập nhật: 02/07/2020 Theo toplist
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video